Ưu tiên củng cố kinh tế vĩ mô, tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống tài chính - ngân hàng

(BKTO) - Chiều 06/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ thay mặt Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo, giải trình trước Quốc hội, làm rõ thêm một số vấn đề mà nhiều đại biểu, cử tri cả nước quan tâm và trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về các vấn đề thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ.



Có tới 71 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn Phó Thủ tướng. Câu hỏi chất vấn đề cập đến nhiều lĩnh vực như: vấn nạn thuốc giả, phòng chống tham nhũng, phát triển kinh tế bền vững, quản lý tiền ảo, đầu tư công…

Xử lý bất cập tại các dự án BOT

Báo cáo trước Quốc hội về vấn đề dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) và xử lý bất cập của các dự án BOT được đại biểu Quốc hội quan tâm trong những ngày qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó có đầu tư theo hình thức BOT là chủ trương rất cần thiết và đúng đắn, được thể hiện rõ trong Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhất là đối với kết cấu hạ tầng giao thông.

Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện còn nhiều vướng mắc, yếu kém và sai phạm. Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật liên quan (trong đó có Nghị định số 30/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư BOT); thực hiện nghiêm Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện, đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư, khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT; sớm nghiên cứu, xây dựng, trình Quốc hội Dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư; đồng thời, yêu cầu các cấp, các ngành công khai, minh bạch quá trình thực hiện dự án, nhất là việc tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu.
                
Toàn cảnh phiên họp chiều 06/6 - Ảnh: quochoi.vn

Về giải quyết những bất cập tại các dự án BOT, Chính phủ đã và đang chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm.

         
“Trên cơ sở kết quả kiểm toán, thanh tra, Chính phủ yêu cầu rà soát từng dự án BOT, khẩn trương quyết toán, điều chỉnh giảm phí BOT phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân”-Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.
Liên quan đến quản lý đất đai, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế chính sách trong các lĩnh vực này; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả sử dụng đất; tăng cường quản lý và hiện đại hóa hệ thống thông tin đất đai; chú trọng giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến đất đai, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm về quản lý đất đai, môi trường; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu…

Ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng

Trả lời câu hỏi về quyết tâm của Chính phủ nhằm đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng (PCTN), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, công cuộc đấu tranh PCTN trong thời gian qua, đặc biệt là trong năm 2017 đã đạt được những kết quả to lớn, căn bản, được đồng bào cử tri cả nước đồng tình ủng hộ và dư luận quốc tế đánh giá cao.

         
“Nhiều quan chức, tập đoàn các nước hỏi tôi, PCTN gay gắt như vậy thì có ảnh hưởng gì đến môi trường đầu tư kinh doanh hay không? Câu trả lời của chúng tôi là hoàn toàn không. Bằng chứng là năm 2017, chúng ta đã thắng lợi toàn diện cả về mặt trận đấu tranh PCTN, lãng phí và cả về kinh tế”- Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.
Theo Phó Thủ tướng, quan điểm của Chính phủ là trong giai đoạn hiện nay, phải làm hai nhiệm vụ. Một mặt là phải tạo ra những năng lực sản xuất mới, đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế để có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao hơn, nhưng mặt khác cũng phải nghiêm khắc với những vấn đề bất cập còn tồn tại nhiều trong nền kinh tế, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến đất đai, cổ phần hóa, tài chính ngân hàng, hải quan, công tác cán bộ…

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, Thanh tra Chính phủ vào cuộc và đã báo cáo Quốc hội về số vụ và số phát hiện ra. Cùng với kết quả của công tác kiểm toán, Cơ quan Cảnh sát điều tra của Bộ Công an cũng đã tiến hành điều tra, khởi tố một cách kịp thời những đối tượng và đã xử rất nhiều vụ án, nhất là các vụ liên quan đến tham nhũng về kinh tế.

Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ nghiêm túc chấp hành và thực hiện nghiêm chương trình công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương PCTN để cùng với các cơ quan hữu quan của các ngành lập pháp, tư pháp, kết hợp với giám sát của Quốc hội tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công cuộc đấu tranh PCTN.

Về câu hỏi của đại biểu Giàng Thị Bình (Lào Cai) cho rằng trong điều kiện quy mô nền kinh tế nước ta còn nhỏ nhưng độ mở cửa lớn, trách nhiệm của Chính phủ như thế nào đối với việc phát triển bền vững nền kinh tế đất nước, Phó Thủ tướng cho biết, nhiều nước có độ mở nền kinh tế lớn nhưng quy mô cũng rất lớn. Với nước ta, độ mở đến cuối năm 2017 đã đến 193% GDP, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu là 425 tỷ USD, nhưng GDP rất nhỏ.

Trong một thế giới có những biến động về địa chính trị và kinh tế rất khó lường, bất cứ một biến động nào dù là nhỏ nhất của thế giới và khu vực đều tác động tới nước ta. Chính vì vậy, quan điểm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là ưu tiên số một cho việc củng cố nền tảng vững chức của kinh tế vĩ mô, tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống tài chính - ngân hàng vì đây sẽ là yếu tố tác động đầu tiên đến chứng khoản, tỷ giá và thanh khoản của hệ thống ngân hàng.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo các Bộ, ngành, cơ quan liên quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương, Ủy ban Tài chính, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia xây dựng đề án đánh giá rủi ro và những giải pháp để phát triển bền vững trong năm 2018 và trước mắt là đến năm 2020.

Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) về định hướng và giải pháp của Chính phủ để quản lý tiền ảo, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, từ một số vụ việc xảy ra thời gian vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo, giao Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, thực hiện các công việc được giao phù hợp với chức năng, nhiệm vụ theo quy định. Ngân hàng Nhà nước cũng đã ra văn bản không công nhận Bitcoin và các loại tiền ảo khác là đồng tiền được sử dụng ở Việt Nam. Tuy nhiên, tình trạng nhập máy đào Bitcoin đã tương đối sâu rộng. Theo số liệu của Bộ Tài chính, từ năm ngoái đến nay, 15.600 bộ máy để đào Bitcoin đã được nhập về Việt Nam, tập trung chủ yếu ở TP. HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Vì vậy, hiện nay, Chính phủ đang nghiên cứu, xem xét cơ sở pháp lý đối với việc có nên cho nhập loại máy này hay không.

“Tiền ảo là hiện tượng tài chính tiền tệ rất mới. Chúng ta không thể xem thường mà phải nghiên cứu. Pháp luật nước ta chưa công nhận đây là phương tiện thanh toán, nhưng việc giao dịch tiền ảo như một tài sản vẫn đang diễn ra. Chính phủ chỉ đạo Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước cùng các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu kỹ kinh nghiệm quản lý của thế giới để có đối sách phù hợp. Tương lai, chúng ta phải tính toán trước những việc thế giới có thể xảy ra”- Thủ tướng nói.
         
Ngay sau phần trả lời chất vấn của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã phát biểu kết thúc chương trình chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.
   
   Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, sau ba ngày làm việc tích cực và trách nhiệm, Quốc hội đã hoàn thành các nội dung của phiên chất vấn và trả lời chất vấn, liên quan đến bốn lĩnh vực: giao thông vận tải; tài nguyên và môi trường; lao động, thương binh và xã hội; giáo dục và đào tạo.
   
   Các phiên chất vấn cho thấy, các nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn đều là những vấn đề kinh tế - xã hội lớn, quan trọng, bức xúc được đông đảo đại biểu Quốc hội và cử tri cũng như dư luận xã hội, nhân dân cả nước quan tâm.
   
   Các phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm. Việc đổi mới một bước cách thức chất vấn, hỏi ngắn - đáp gọn tại kỳ họp lần này đã có kết quả tích cực, được các đại biểu Quốc hội và cử tri đồng tình, đánh giá cao. Tại các phiên chất vấn, đã có hơn 250 lượt đại biểu Quốc hội chất vấn và tranh luận. Các thành viên Chính phủ đã trả lời hầu hết tất cả các câu hỏi đặt ra.
   
   Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, sau Kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chuẩn bị Dự thảo Nghị quyết về chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 để trình Quốc hội xem xét thông qua vào cuối kỳ họp, làm cơ sở cho việc giám sát triển khai thực hiện.
   
   Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc ý kiến của đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân gửi đến các kỳ họp. Thực hiện các giải pháp có hiệu quả, đẩy mạnh hơn nữa tiến độ thực hiện và khắc phục những hạn chế, yếu kém đã được nêu đối với từng lĩnh vực để báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp sau.
ĐĂNG KHOA

Cùng chuyên mục
  • Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ: Từ kết quả kiểm toán, nhiều vụ việc đã được chuyển qua cơ quan điều tra
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Các báo cáo của KTNN cho thấy, không ít dự án đầu tư công mắc sai phạm ở nhiều khâu trong quá trình thực hiện. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ thừa nhận thực trạng này, đồng thời cho biết, trên cơ sở kết quả kiểm toán, nhiều vụ việc đã được chuyển qua cơ quan điều tra...
  • Kết quả khảo sát công khai ngân sách: Việt Nam tụt hạng, đại diện Bộ Tài chính chưa đồng tình
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Tổ chức Hợp tác ngân sách quốc tế (IBP) vừa công bố kết quả khảo sát chỉ số công khai NSNN cấp quốc gia (OBI) và chỉ số công khai NSNN địa phương (POBI) tại 115 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Cuộc khảo sát này đánh giá về 3 trụ cột: mức độ minh bạch, sự tham gia của công chúng và sự giám sát của cơ quan lập pháp. Dù được IBP đánh giá là có chuyển biến nhưng mức độ công khai ngân sách của Việt Nam vẫn dưới mức trung bình toàn cầu, thậm chí một số chỉ số đã tụt hạng so với lần đánh giá trước đây. Đáng chú ý, đại diện Bộ Tài chính chưa hoàn toàn đồng tình với kết quả đánh giá này.
  • Cân nhắc hơn về chính sách đất, nhà và nguồn thu ngân sách nhà nước tại các đặc khu kinh tế
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Trong Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc (Luật Đặc khu), nhiều thể chế, chính sách ưu đãi đặc thù được xây dựng nhằm tăng độ hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư vào ba đặc khu này theo tinh thần không trái với Hiến pháp, có tính vượt trội, thông thoáng, tạo lợi thế để cạnh tranh quốc tế cũng như nhất quán, ổn định và lâu dài.
  • Thuế bất động sản - thách thức và cơ hội cho Việt Nam
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Vấn đề đánh thuế đất, nhà ở và các tài sản gắn liền là một câu chuyện rất phức tạp, bao gồm cả lý luận, thực tiễn, lịch sử và mối quan hệ trong toàn bộ hệ thống thuế. Nước ta có lộ trình quy định về sắc thuế này khá chậm, gắn với quá trình chuyển đổi kinh tế từ bao cấp sang thị trường, cũng là quá trình thay đổi tư duy quản lý.
  • Ưu tiên giáo dục nghề nghiệp để nâng cao chất lượng lao động
    6 năm trước Đối nội
    Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, ngày 05/6, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung đã trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về nhóm vấn đề thị trường lao động, giải quyết việc làm, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, tình trạng bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em…Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian tới, ưu tiên cho giáo dục nghề nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao chất lượng lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động.
Ưu tiên củng cố kinh tế vĩ mô, tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống tài chính - ngân hàng