Cải cách thủ tục hành chính còn mang tính hình thức
Ngày 04/4, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội thảo công bố “Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2022”. Một trong những “dòng chảy” chính của hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật trong năm 2022 được đề cập trong Báo cáo là hoạt động cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ cho DN.
Trình bày cụ thể về kết quả của hoạt động này, đại diện nhóm nghiên cứu, ông Nguyễn Minh Đức - Ban Pháp chế, VCCI cho biết, năm 2022, các Bộ, ngành tiếp tục hiện thực hóa các chỉ đạo về cải cách thủ tục hành chính tại các Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 76/NQ-CP của Chính phủ, trong đó tập trung vào việc xây dựng, ban hành các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của từng Bộ.
Tuy nhiên, từ các phương án cắt giảm, đơn giản hóa được phê duyệt trong năm 2022 có thể thấy, những vấn đề liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh không mới. Theo đó, nhìn chung các vấn đề cắt giảm trong các phương án vẫn tập trung chủ yếu ở một số điểm.
Cụ thể là, bãi bỏ các tài liệu trong hồ sơ mà cơ quan cấp phép đã có hoặc tra cứu được trong hệ thống dữ liệu thông tin của cơ quan nhà nước; bổ sung phương thức điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng một số thủ tục sẽ được thực hiện ở dịch vụ công cấp độ 4, một số thủ tục thực hiện theo phương thức điện tử thông thường.
Bên cạnh đó là chuẩn hóa các tài liệu trong hồ sơ theo hướng ban hành một số mẫu tài liệu; giảm số lượng hồ sơ phải nộp (thường rút xuống còn 01 bộ hồ sơ); giảm số thời gian giải quyết thủ tục (rút ngắn thời gian xem xét tính hợp lệ của hồ sơ, thời gian thẩm định và trả kết quả).
Theo ông Đức, về cơ bản, các đề xuất trên sẽ tạo thuận lợi cho DN trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính. Đặc biệt là đề xuất giảm thời gian giải quyết thủ tục ở một số thủ tục hành chính, ví dụ như thủ tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản ở khu vực có dự án đầu tư công trình, phương án đã đề xuất giảm thời gian trả kết quả thủ tục hành chính từ 10 ngày làm việc xuống còn 03 ngày làm việc. Đề xuất này sẽ góp phần tinh giản thủ tục hành chính và tạo thuận lợi cho DN.
“Tuy nhiên, những đề xuất này vẫn chưa “đủ mạnh” hoặc cải cách có tính đột phá. Nếu xem xét trong hệ thống pháp luật kinh doanh vẫn còn khá nhiều quy định bất cập, vướng mắc, gây khó cho DN và những quy định này gần như thiếu vắng trong các phương án đề xuất của các Bộ. Chính vì yếu tố này nên DN luôn đặt dấu hỏi về tính thực chất trong các hoạt động cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh” - ông Đức nhấn mạnh.
Đặc biệt, theo ông Đức, trong các phương án phê duyệt năm 2022 vẫn nhìn thấy một số đề xuất mang tính hình thức, gần như không có tác động nào trong việc tạo thuận lợi hơn cho DN.
Đơn cử như phương án đề xuất bãi bỏ 03 thủ tục “thay đổi cơ quan đăng ký hợp tác xã”, “cấp đổi giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã”, “cấp đổi giấy chứng nhận đăng ký liên hiệp hợp tác xã”. Lý do bãi bỏ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra là các thủ tục này chỉ dành cho các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập trước năm 2012. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, không còn thực hiện các thủ tục này nữa. Như vậy, việc bỏ hay không bỏ thủ tục này thì hợp tác xã, liên minh hợp tác xã cũng không thuận lợi hơn.
Bày tỏ quan ngại về kết quả cải cách thủ tục hành chính, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ, năm 2022, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025, các Bộ, ngành đã xây dựng kế hoạch cắt giảm quy định về điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, số lượng các điều kiện kinh doanh được cắt bỏ rất ít hoặc chỉ cắt bỏ những điều kiện kinh doanh ít ý nghĩa, chưa thực sự tạo thuận lợi cho DN.
Còn máy móc trong việc hiện thực hóa các phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính
Ông Nguyễn Minh Đức cho biết, năm 2022, các Bộ tiến hành soạn thảo các văn bản để hiện thực hóa các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý. Khi xây dựng văn bản, cơ quan soạn thảo đã thể hiện quan điểm các quy định tại dự thảo có thể mở rộng hơn phạm vi tại các quyết định phê duyệt phương án cắt giảm, có nghĩa là có thể sửa đổi, bổ sung các quy định nằm ngoài phương án đã phê duyệt.
Tuy vậy, khảo sát của nhóm nghiên cứu thực hiện Báo cáo cho thấy, nếu so sánh giữa các văn bản soạn thảo với các phương án đã được phê duyệt có thể thấy, một số văn bản được xây dựng một cách máy móc, tức là giữ nguyên những quy định chưa thực sự phù hợp, những quy định này không được bãi bỏ, đơn giản trong phương án. Điều này đã để lỡ mất cơ hội sửa đổi các quy định bất cập, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN.
Đơn cử, đối với việc sửa đổi quy định liên quan đến hoạt động hàng hải, tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 69/2022/NĐ-CP sửa đổi khoản 1 Điều 10 Nghị định số 37/2017/NĐ-CP về hồ sơ DN đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển, vẫn còn yêu cầu phải có giấy chứng nhận đăng ký DN.
“Mặc dù phương án phê duyệt trong lĩnh vực giao thông vận tải không đề xuất bỏ giấy chứng nhận đăng ký DN trong hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển, tuy nhiên, trong bối cảnh rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã bỏ tài liệu này trong hồ sơ xin cấp phép, việc Nghị định số 69/2022/NĐ-CP vẫn giữ quy định phải có giấy chứng nhận đăng ký DN cho thấy việc hiện thực hóa các quy định tại phương án còn máy móc” - ông Đức nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Báo cáo của VCCI cũng chỉ ra có một số văn bản các quy định còn kém thuận lợi hơn so với trước đây, trong khi đây lại là văn bản hiện thực hóa các phương án đơn giản hóa thủ tục, cắt giảm các chi phí tuân thủ cho DN…
Từ thực tế trên, đưa khuyến nghị để nâng cao hiệu quả hoạt động cải cách thủ tục hành chính trong thời gian tới, bà Nguyễn Minh Thảo cho rằng, mỗi chính sách cần được đánh giá tác động nghiêm túc, khoa học thay vì chỉ mang tính hình thức, chiếu lệ.
Đặc biệt, cần thiết phải có sự tham gia của đại diện các tổ chức nghiên cứu độc lập, hiệp hội, DN, chuyên gia trong quá trình thẩm định; xây dựng cơ chế rõ ràng, minh bạch và có trách nhiệm giải trình trong việc tiếp nhận ý kiến và phản hồi ý kiến góp ý.
Đồng thời, cần khơi dậy động lực cải cách của chính quyền địa phương; tăng cường cơ chế đối thoại giữa Bộ, ngành, địa phương với DN...
“Môi trường kinh doanh thiếu hấp dẫn, không an toàn sẽ ảnh hưởng tới quá trình phục hồi của nền kinh tế và DN. Trong bối cảnh năm 2023 dự báo kinh tế nước ta sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, bởi vậy, hơn lúc nào hết, DN cần sự chia sẻ, đồng hành của Chính phủ thông qua thúc đẩy các nỗ lực cải cách, tháo gỡ rào cản đầu tư, kinh doanh, đảm bảo môi trường chính sách an toàn cho DN hoạt động” - bà Thảo nhấn mạnh./.