Vận động bầu cử: Linh hoạt để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh Covid-19

(BKTO)- Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đang vào giai đoạn nước rút. Hiện nay, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tại các địa phương đang tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử cho người ứng cử bằng nhiều hình thức linh hoạt, phù hợp với diễn biến thực tế tình hình dịch bệnh.



Theo quy định, có 2 hình thức vận động bầu cử cho người ứng cử là: Gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại các cuộc tiếp xúc ở địa phương nơi ứng cử; vận động thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Dù thực hiện theo hình thức nào, người ứng cử vẫn phải đảm bảo các yêu cầu về vận động tranh cử theo quy định, trong đó có việc phải báo cáo với cử tri chương trình hành động của mình nếu trúng cử.

Để tạo cơ sở thuận lợi cho các địa phương tổ chức thực hiện vận động bầu cử trong bối cảnh dịch bệnh, diễn biến phức tạp Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có văn bản nêu rõ, người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND có thể cắt giảm, thay đổi số lần và cách thức tổ chức vận động bầu cử để bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch; có thể tổ chức hội nghị trực tiếp hoặc trực tuyến.

Đối với những nơi đang áp dụng các biện pháp cách ly xã hội hoặc áp dụng biện pháp phong tỏa, khuyến khích các hình thức vận động bầu cử thông qua các phương tiện thông tin đại chúng hoặc niêm yết, in gửi, đăng tải về chương trình hành động và tiểu sử tóm tắt của người ứng cử đến địa bàn khu dân cư, hộ gia đình và cử tri. Đồng thời, phát huy cao độ ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại để tăng cường sự tương tác giữa người ứng cử với cử tri.

Với tinh thần đó, nhiều địa phương đã có phương án chuyển từ hội nghị tiếp xúc cử tri vận động bầu cử trực tiếp sang kết hợp với trực tuyến… để đảm bảo phòng dịch.
                
   

Ngoài hình thức tiếp xúc trực tiếp với cử tri, người ứng cử cũng có thể được tổ chức vận động bầu cử thông quacác phương tiện thông tin đại chúng hoặc niêm yết, in gửi, đăng tải về chương trình hành động và tiểu sử tóm tắt của người ứng cử đến địa bàn khu dân cư để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh.
   Ảnh minh họa: N. Lộc

   

Tại tỉnh Hà Tĩnh, dịch bệnh bùng phát đúng thời điểm Ủy ban MTTQ các cấp đang phối hợp tổ chức cho các ứng cử viên tiếp xúc cử tri vận động bầu cử, gây khó khăn cho cả hệ thống chính trị trong việc chỉ đạo các bước bầu cử, nhất là đối với ứng viên. Trước tình hình đó, để giảm bớt việc tổ chức các hội nghị tập trung đông người, Ủy ban MTTQ tỉnh đã thống nhất giảm bớt các điểm tiếp xúc cử tri của ứng cử viên ĐBQH và đại biểu HĐND tỉnh. Theo đó, từ 75 điểm được tổ chức trên địa bàn 13 huyện, thị, thành phố theo kế hoạch ban đầu nay điều chỉnh giảm còn 30 điểm.

Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng đã hướng dẫn cụ thể các giải phápphòng, chống dịch một cách chủ động tại hội nghị tiếp xúc cử tri vận động bầu cử. Đối với cấp huyện, xã, tùy theo tình hình từng địa phương để có sự điều chỉnh số lượng điểm tiếp xúc cử tri cho phù hợp.

Cùng với việc tạo điều kiện bố trí tiếp xúc cử tri vận động bầu cử tại các đơn vị bầu cử, cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp cũng chỉ đạo, hướng dẫn và tạo điều kiện cho ứng cử viên vận động bầu cử qua các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài ra, một hình thức khá hiệu quả đang được nhiều địa phương vận dụng là vận động qua mạng xã hội.

Ủy ban bầu cử TP. Đà Nẵng cũng đã ban hành công văn về việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri trực tuyến để vận động bầu cử. Trong đó nêu rõ, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để bảo đảm hiệu quả công tác phòng, chống dịch trong quá trình tiếp xúc cử tri vận động bầu cử của người ứng cử ĐBQH khóa XV và người ứng cử đại biểu HĐND thành phố khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026; căn cứ đề nghị của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, Ủy ban bầu cử thành phố thống nhất chủ trương tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri vận động bầu cử bằng hình thức trực tuyến.

Ủy ban bầu cử thành phố đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng phương án, bố trí trang thiết bị, kỹ thuật nhằm bảo đảm tín hiệu đường truyền được kết nối từ điểm thành phố (điểm cầu chính, nơi các ứng cử viên trình bày chương trình hành động của mình) đến cơ sở (điểm cầu tại các quận, huyện và phường, xã, nơi cử tri được mời dự nghe chương trình hành động của các ứng cử viên) an toàn và thông suốt.

Tối ngày 6/5, Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An đã đề nghị tạm dừng tất cả các cuộc tiếp xúc cử tri của các ứng cử viên ĐBQH và đại biểu HĐND tỉnh từ ngày 7/5 cho đến khi có kế hoạch thay thế. Trước mắt, địa phương này sẽ tăng cường vận động bầu cử thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, đọc trên loa phát thanh tiểu sử tóm tắt và chương trình hành động của các ứng cử viên và niêm yết thêm chương trình hành động của các ứng cử viên tại các điểm bầu cử.
                
   

Ứng viên đại biểu HĐND tỉnh khóa XIX tham gia tiếp xúc cử tri
   tại hội nghị vận động bầu cử được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
   Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Phú Thọ

   

Còn tại tỉnh Phú Thọ, ngày 7/5, các ứng viên đại biểu HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026 tại một số đơn vị bầu cử đã tham gia tiếp xúc cử tri tại hội nghị vận động bầu cử được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Tại hội nghị, các quy trình cần thiết vẫn được diễn ra theo đúng quy định, như đại diện Ủy ban MTTQ địa phương trình bày tiểu sử tóm tắt của ứng cử viên đại biểu HĐND tỉnh khóa XIX được bầu. Các cử tri cũng đã nghe các ứng cử viên trình bày chương trình hành động nhằm thực hiện trách nhiệm đại biểu nếu được bầu làm đại biểu HĐND tỉnh khóa XIX. Các ứng cử viên đều khẳng định, sẽ thực hiện tốt các nhiệm vụ trên cương vị công tác và đại biểu dân cử nếu trúng cử để góp phần xây dựng tỉnh Phú Thọ ngày càng phát triển; luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri, nhân dân, truyền tải ý kiến của người dân tới cơ quan chức năng để giải quyết kịp thời…

Đ.KHOA
Cùng chuyên mục
Vận động bầu cử: Linh hoạt để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh Covid-19