Vận động bầu cử qua phương tiện thông tin đại chúng

(BKTO) - Vận động bầu cử là vấn đề thách thức, bỡ ngỡ, nhất là đối với những người ứng cử lần đầu. Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, bên cạnh tính toán kỹ để bảo đảm nghiêm ngặt yêu cầu phòng chống dịch bệnh tại các hội nghị tiếp xúc cử tri, cần quan tâm tạo điều kiện thuận lợi nhất để người ứng cử vận động bầu cử thông qua phương tiện thông tin đại chúng.



                
   

Hội nghị gặp mặt những người ứng cử ĐBQH Khóa XV và triển khai công tác TXCT để vận động bầu cử tỉnh Bình Dương. Ảnh: Hồ Văn

   


Bảo đảm nghiêm ngặt yêu cầu phòng dịch

Theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015: ngay sau khi công bố danh sách chính thức những người ứng cử, theo từng đơn vị bầu cử, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam chủ trì, phối hợp với UBND ở đơn vị bầu cử tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri (TXCT). Các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho người ứng cử gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri, vận động bầu cử ở đơn vị bầu cử. Những cơ quan, đơn vị có người lần đầu ứng cử giúp đỡ, hướng dẫn người ứng cử cách thức gặp gỡ, TXCT và làm quen dần với công tác ở cơ quan dân cử.

Bên cạnh đó, Thường trực HĐND, các cơ quan của Quốc hội mời những chuyên gia, người có kinh nghiệm tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng TXCT và hoạt động của đại biểu. UBND nơi tổ chức hội nghị TXCT có trách nhiệm thu xếp vị trí thuận tiện và thông báo về thời gian, địa điểm tổ chức hội nghị để cử tri đến dự đông đủ. Hội nghị TXCT do Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tổ chức, được tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật; các cơ quan thông tin đại chúng đến dự và đưa tin kịp thời, khách quan.

Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, việc tổ chức hội nghị TXCT ở những địa phương chưa có ca bệnh phải được tính toán kỹ để bảo đảm nghiêm ngặt yêu cầu phòng dịch. Cùng với đó, cần chú ý tạo điều kiện thuận lợi nhất để người ứng cử vận động bầu cử thông qua phương tiện thông tin đại chúng. Đây là hình thức vận động bầu cử khả thi, tối ưu và sẽ có kết quả tốt trong điều kiện công nghệ thông tin đã phát triển mạnh mẽ và đang trong mùa dịch bệnh. Các cơ quan thông tin đại chúng ở địa phương tích cực theo sát các ứng cử viên để thu thập, ghi nhận thông tin và tuyên truyền chính xác. Các cơ quan, tổ chức bầu cử chỉ đạo tăng cường, mở rộng trang thông tin điện tử về bầu cử; tạo thuận lợi cho người ứng cử tiếp cận phương tiện thông tin vận động bầu cử. UBND tổ chức đăng tải chương trình hành động của người ứng cử đầy đủ, rõ ràng để cử tri và nhân dân dễ dàng theo dõi.

Thể hiện được năng lực của đại biểu

Vận động bầu cử có ý nghĩa quan trọng, những người ứng cử phải chuẩn bị chương trình hành động khoa học, thiết thực nhất để trình bày trước đông đảo cử tri, trong khoảng thời gian nhất định. Chương trình hành động phải phù hợp với tình hình thực tế điểm tiếp xúc. Chương trình hành động cụ thể khi TXCT trực tiếp tại hội nghị khác với trình bày vận động bầu cử trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ứng cử viên xuất hiện vận động bầu cử trên báo hình khác với nội dung viết ở báo in... Người ứng cử khi đến trước cử tri cần phong cách, chững chạc, ấn tượng với mọi người. Tùy theo năng khiếu, để khi vận động bầu cử có thể “nói vo” tốt nhất vẫn nên chuẩn bị bằng những gạch đầu dòng để nói; hoặc lược ghi ngắn gọn, cô đọng để đọc chậm, mạch lạc, dễ nghe, dễ hiểu cuốn hút được cử tri và nhân dân.

Trong TXCT, điều đáng lưu ý khi người dân nêu ý kiến, đặt những câu hỏi khó để thử sức đối với người ứng cử; có thể nói: rất nhiều đề nghị liên quan đến những vấn đề bức xúc, nổi cộm, gay cấn ở cơ sở, người ứng cử phải hết sức bình tĩnh, lường trước những tình huống bất ngờ; trao đổi nhẹ nhàng nhưng thẳng thắn, cởi mở, tạo không khí ấm cúng, thân tình lúc gặp gỡ để cử tri dễ dàng chia sẻ. Lưu ý không nên hứa hẹn “linh tinh” khi chưa nắm chắc thông tin, nhất là những vấn đề liên quan đến ngân sách, đất đai, hay về nhân sự... Ứng cử viên nên hiểu: trình độ dân trí ngày càng cao, cử tri cũng dễ dàng nhận ra đâu là lời hứa suông cho qua chuyện; như thế càng làm mất sự tín nhiệm đối với cử tri, có thể lại bị mất phiếu! Ứng cử viên phát biểu cụ thể, chân thành, dứt khoát được cử tri tin tưởng, phấn khởi sẽ tăng thêm phiếu bầu.

Vận động bầu cử là vấn đề thách thức, bỡ ngỡ, nhất là những người ứng cử lần đầu. Song dựa vào những quy định của pháp luật và sự hỗ trợ, giúp đỡ của các ngành liên quan; ứng cử viên tích cực tìm hiểu thông tin, tình hình cử tri và nhân dân những nơi đến tiếp xúc; chuẩn bị nội dung trình bày phù hợp, cô đọng, thiết thực đối với người dân; bình tĩnh, vững vàng trao đổi chân tình, thẳng thắn những ý kiến cử tri nêu lên, thu phục được lòng người. Như vậy, sẽ đáp ứng được mong đợi của cử tri và nhân dân; tạo được sự tin tưởng, yên tâm của cơ quan, tổ chức, đơn vị đã lựa chọn, giới thiệu mình ứng cử đại biểu của nhân dân.
         
Quy định về việc vận động bầu cử thông qua các phương tiện thông tin đại chúng
   
   Điều 67 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND quy định:
   
   Người ứng cử đại biểu Quốc hội trình bày với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội khi trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương nơi mình ứng cử và trên trang thông tin điện tử về bầu cử đại biểu Quốc hội của Hội đồng Bầu cử quốc gia.
   
   Người ứng cử đại biểu HĐND trình bày với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu HĐND khi trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương và trên trang thông tin điện tử về bầu cử của Ủy ban Bầu cử (nếu có).
   
   Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Bầu cử có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan quản lý trang thông tin điện tử thực hiện đúng các quy định của pháp luật về việc đăng tải nội dung vận động bầu cử.
   
   UBND cấp tỉnh tổ chức việc đăng tải, thông tin chương trình hành động của người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu HĐND trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.
Cùng chuyên mục
Vận động bầu cử qua phương tiện thông tin đại chúng