Số tiền hỗ trợ lãi suất đạt 78 tỷ đồng
Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ NSNN đối với khoản vay của doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, hộ kinh doanh (Nghị định 31) có hiệu lực từ ngày 20/5/2022. Vốn hỗ trợ lãi suất lên tới 40.000 tỷ đồng, được kỳ vọng sẽ là nguồn hỗ trợ không nhỏ giúp DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch.
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 31, ngành ngân hàng đã rất tích cực triển khai nhiều giải pháp để đẩy nhanh thực hiện chính sách.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư hướng dẫn, Chỉ thị chỉ đạo và nhiều văn bản đôn đốc các ngân hàng thương mại (NHTM) và chi nhánh NHNN 63 tỉnh, thành phố; thành lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Các NHTM chủ động rà soát để nắm bắt nhu cầu, thông báo, hướng dẫn khách hàng về hồ sơ, thủ tục.
Ngành ngân hàng cũng đã tổ chức các hội nghị toàn quốc và các hội nghị kết nối ngân hàng - DN tại địa phương. NHNN đã tổ chức 4 hội nghị toàn quốc, trong đó có 1 hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương và NHTM do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì. Công tác truyền thông chính sách được đẩy mạnh.
Trong quá trình triển khai, NHNN đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan để khảo sát liên ngành nắm bắt tình hình thực tế nhằm đôn đốc triển khai gói hỗ trợ, xử lý khó khăn, vướng mắc một cách kịp thời.
“Thực tế cho thấy, chưa có một chính sách nào mà ngành ngân hàng triển khai đồng bộ với tinh thần quyết liệt và khẩn trương như chính sách hỗ trợ lãi suất này. Tuy nhiên, kết quả hỗ trợ lãi suất còn thấp, chưa như kỳ vọng do nhiều nguyên nhân” - báo cáo của NHNN cho biết.
Chia sẻ cụ thể hơn về kết quả triển khai gói hỗ trợ, Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, NHNN - bà Hà Thu Giang - cho biết: Đến cuối tháng 11/2022, chương trình hỗ trợ lãi suất 2% mới đạt doanh số cho vay gần 30 nghìn tỷ đồng với dư nợ gần 23 nghìn tỷ đồng và số tiền hỗ trợ lãi suất đạt 78 tỷ đồng…
2 vướng mắc lớn khiến gói hỗ trợ khó giải ngân
Theo bà Giang, khó khăn, vướng mắc lớn nhất khiến việc triển khai chính sách hỗ trợ chưa được như kỳ vọng là do tâm lý e ngại của khách hàng, nhất là khách hàng DN.
Nhiều DN e ngại khi tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất sẽ phải tuân thủ thủ tục liên quan đến hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán. DN cân nhắc giữa lợi ích của việc được hỗ trợ lãi suất 2% với chi phí bỏ ra để theo dõi hồ sơ, chứng từ phục vụ cho công tác kiểm tra sau này. Trong trường hợp bị thu hồi khoản hỗ trợ, DN sẽ rất khó xử lý, bởi việc hạch toán và chia lợi nhuận, cổ tức đã thực hiện thì sẽ khó thu lại.
Mặt khác, để có thể được hỗ trợ lãi suất, khách hàng phải đáp ứng điều kiện có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi. DN và ngân hàng đều thấy rằng việc đánh giá DN có khả năng phục hồi trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức là rất khó. DN lo ngại nếu tại thời điểm thanh tra, kiểm toán, DN không có khả năng phục hồi thì sẽ bị thu hồi số tiền đã được hỗ trợ và bị cho là trục lợi chính sách.
Năm 2022, Kiểm toán nhà nước (KTNN) chuyên ngành VII đã kiểm toán lồng ghép Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội tại cuộc kiểm toán Báo cáo tài chính của NHNN Việt Nam. Kết quả kiểm toán cũng cho thấy, các NHTM gặp khó khăn trong việc xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất đối với tiêu chí “có khả năng phục hồi” và trong trường hợp khách hàng hoạt động sản xuất kinh doanh đa ngành. Khách hàng có tâm lý e ngại khi tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất sẽ phải làm việc với cơ quan có thẩm quyền. Nhiều hộ gia đình không đăng ký kinh doanh nên không thuộc đối tượng hỗ trợ. NHTM có tâm lý e ngại khi triển khai thực hiện do một số chương trình hỗ trợ lãi suất trước đây vẫn chưa được quyết toán.
Ngoài ra, theo bà Giang, thực trạng trên còn do một số nguyên nhân khác như: Một số nhóm khách hàng, hộ kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, một số khách hàng vay USD nên không thuộc đối tượng của gói hỗ trợ. Một số khách đã được hưởng hỗ trợ lãi suất bằng nguồn ngân sách địa phương nên không được hưởng gói hỗ trợ này theo quy định.
Mặt khác, theo đánh giá của NHTM, DN kinh doanh đa ngành nghề, có ngành nghề được hỗ trợ, có ngành nghề không cần hỗ trợ. Tuy nhiên, việc bóc tách ngành nào được hỗ trợ, ngành nào không được hỗ trợ khó khả thi.
“Trong những vướng mắc nêu trên, 2 vướng mắc chủ yếu là tâm lý e ngại của chính khách hàng khi tham gia chương trình và cơ chế chính sách liên quan đến tiêu chí đánh giá khả năng phục hồi của DN” - đại diện NHNN cho biết.
Đề xuất điều chuyển nguồn vốn sang nhiệm vụ chi khác
Để khơi thông gói hỗ trợ lãi suất 2%, việc tháo gỡ những vướng mắc là hết sức quan trọng. Theo bà Hà Thu Giang, việc tháo gỡ nút thắt liên quan đến cơ chế chính sách bằng cách hướng dẫn cụ thể hơn về tiêu chí đánh giá khả năng phục hồi của DN sẽ giúp cho khả năng hấp thụ chính sách có thể tăng lên. Tuy nhiên, bà Giang lo ngại thị trường khó có thể hấp thụ hết gói 40.000 tỷ đồng, vì tâm lý e ngại của khách hàng vẫn là rào cản lớn.
Trên cơ sở những nhận định, đánh giá trên, NHNN đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về quá trình triển khai và có Tờ trình đề xuất sửa đổi Nghị định 31.
Theo đó, NHNN đề xuất điều chuyển nguồn vốn này sang nhiệm vụ chi khác có khả năng hấp thụ tốt hơn, ví dụ chương trình giải ngân qua Ngân hàng Chính sách xã hội, chương trình cho vay giải quyết việc làm.
Theo đề xuất, nguồn hỗ trợ của chương trình cũng có thể được chuyển sang các biện pháp hỗ trợ DN như miễn giảm thuế bởi thực tế cho thấy, DN cần nhu cầu vốn hơn là hỗ trợ lãi suất, bản thân DN mong muốn các chính sách hỗ trợ trực tiếp trong điều kiện hiện nay.
NHNN cũng đề xuất sửa đổi tiêu chí đánh giá khả năng phục hồi của khách hàng theo hướng khách hàng có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi là khách hàng đáp ứng điều kiện cho vay theo quy định hiện hành.
Trong khi chờ ban hành chính sách mới, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai hỗ trợ lãi suất 2%/năm như hiện hành. Theo đó, ngoài việc kết nối với các DN, hiệp hội để tuyên truyền chính sách này, NHNN chỉ đạo các NHTM cân đối nguồn vốn để tiếp tục triển khai gói hỗ trợ một cách quyết liệt./.
Theo Kế hoạch kiểm toán năm 2023, KTNN sẽ kiểm toán Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, trong đó có đánh giá về việc triển khai Nghị định 31. Theo yêu cầu của lãnh đạo KTNN, KTNN chuyên ngành VII sẽ phải có báo cáo đánh giá đảm bảo chất lượng, yêu cầu của Quốc hội về nội dung này.