Vì sao mô hình tăng trưởng chưa có sự đột phá?

(BKTO) - TS. Võ Trí Thành - Nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã nêu vấn đề như vậy tại “Diễn đàn đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam” do Tạp chí Tài chính doanh nghiệp vừa tổ chức.

quang-canh-dmst.jpg
Quang cảnh “Diễn đàn đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam”. Ảnh: Minh Thúy

Mô hình tăng trưởng chưa có sự đột phá

Theo ông Thành, vấn đề đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã được đặt ra từ hơn 10 năm nay. Năm 2012, Quốc hội đã thông qua chương trình tái cấu trúc nền kinh tế ở 3 lĩnh vực, tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp (DN) nhà nước và tái cơ cấu các các tổ chức tín dụng.

Sau đó, nước ta đã “bắt kịp” cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 vào năm 2015 rồi đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Tiếp đó, thực hiện dịch chuyển các chuỗi cung ứng, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi kép...

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm, bức tranh tổng thể về mô hình tăng trưởng của chúng ta vẫn vậy, chưa có sự đột phá. Vì sao như vậy?

Còn PGS. TS. Bùi Quang Tuấn - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - cho rằng, mô hình tăng trưởng của Việt Nam vẫn dựa vào lao động giá rẻ, vẫn tồn tại nền kinh tế nhị nguyên (nước ngoài và trong nước), sự lan tỏa của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài còn hạn chế, nhất là năng lực công nghệ. Đóng góp của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng còn ít. Năng suất lao động chưa cải thiện nhiều, giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 5,8%/năm, 2011 - 2015 tăng 4,3%…

Mô hình tăng trưởng chưa xanh như năng lượng tái tạo chưa đóng góp nhiều cho phát triển bền vững, còn ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính…; kinh tế tuần hoàn mới manh nha, chưa phát triển; kinh tế biển xanh còn ở dạng tiềm năng là chính…

Cũng theo ông Tuấn, đầu tư cho khoa học công nghệ còn hạn chế, thể chế cho khoa học công nghệ và đổi mới còn bất cập, chưa đột phá, DN tư nhân đầu tư cho nghiên cứu phát triển (R&D) vẫn thấp...

Phải vừa chạy, vừa làm và đột phá từ cơ chế

Theo ông Thành, chúng ta muốn thu hẹp khoảng cách, muốn “đi cùng thời đại”, muốn thực hiện được mục tiêu: phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số... phải vừa chạy, vừa làm bởi từ nay đến năm 2030 chỉ còn 6 năm.

Ông Thành cho rằng thể chế là động lực, là công cụ thay đổi hành vi của công chức. Việc xây dựng chính sách, xây dựng một khung pháp lý hoàn chỉnh trong thời gian ngắn là không thể. Vì vậy, Việt Nam phải vừa học hỏi, vừa xây dựng chính sách chứ không thể chờ một thể chế, một khung pháp lý hoàn chỉnh mới triển khai.

Thực tế cho thấy có những sáng kiến hay được bắt đầu từ DN trước khi khung chính sách được ban hành và đã mang lại hiệu quả, hấp dẫn nhiều nhà đầu tư. Chẳng hạn, Vinamilk, FPT... có rất nhiều đổi mới sáng tạo, sáng kiến bắt đầu từ chính DN. Sáng kiến hay nhất của các DN này là “Khu công nghiệp sinh thái” đã thu hút được các nhà đầu tư. Những sáng kiến này được triển khai trước khi các cơ quan chức năng hoàn chỉnh thể chế và đến nay có thành công nhất định. Trước đây, quá trình đổi mới nông nghiệp cũng bắt đầu từ hợp tác xã, từ nông dân (khoán 10)... Điều quan trọng là cơ quan chức năng hỗ trợ các sáng kiến như thế nào.

Thời điểm này, chuyển đổi xanh, chuyển đổi sáng tạo là cơ hội vàng cho Việt Nam. Cơ hội lần này rất đặc biệt khi cả thế giới cũng mới bắt đầu. Cuộc CMCN lần này sẽ kéo dài, có thay đổi nhanh nên phải lựa chọn, thậm chí “đánh cược” để thay đổi chính sách cho phù hợp - ông Thành nêu quan điểm.

td.jpg
Quang cảnh Diễn đàn. Ảnh: Minh Thúy

GS,TS. Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội - cho rằng, việc đổi mới mô hình tăng trưởng truyền thống (dựa vào lao động giá rẻ và tài nguyên) sang đổi mới khoa học công nghệ hay đổi mới tăng trưởng dựa vào xu thế mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… đều phải thay đổi toàn bộ cái cũ.

Đổi mới sáng tạo không chỉ dừng ở khu vực sản xuất kinh doanh mà đổi mới sáng tạo phải đột phá từ cơ chế để mở đường. Nếu cơ chế quản lý không thúc đẩy, không công nhận, bảo vệ con người đổi mới sáng tạo thì khó có thể thành công trong đổi mới sáng tạo

GS,TS. Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

Theo ông Cường, chi ngân sách cũng cần đổi mới theo hướng hỗ trợ đổi mới sáng tạo, hỗ trợ các xu thế mới. Nhà nước nên chăng thực hiện cơ chế đặt hàng hoặc đầu tư “mồi” đối với một số lĩnh vực hiện nay cần khuyến khích như sản xuất xanh, sản xuất sạch hay đón đầu các dòng đầu tư mới về khoa học công nghệ, AI hoặc sản xuất vi mạch bán dẫn. Theo ông Cường, chỉ khi có vốn nhà nước mới có thể tạo ra những trụ cột lớn.

Để đổi mới mô hình tăng trưởng, PGS.TS Bùi Quang Tuấn đề xuất một số giải pháp: Đột phá ở khâu khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng và gắn kết với đổi mới sáng tạo nhằm tạo ra năng suất lao động cao hơn, đi nhanh, đi thông minh; tìm cách tiếp cận hệ sinh thái xanh, hệ sinh thái số, đổi mới sáng tạo; tạo ra mối liên kết chủ thể trong hệ sinh thái đảm bảo các điều kiện của hệ sinh thái; hoàn thiện thể chế, chính sách, có thí điểm, đặc thù, đột phá; sáng tạo trong huy động nguồn lực, đặc biệt ngoài nhà nước...

Cùng với đó, đầu tư cho kết cấu hạ tầng trong đó có hạ tầng số, nền tảng số, ứng dụng số như AI, blockchain… để tạo ra những sản phẩm số thương hiệu của Việt Nam. Có cơ chế khuyến khích đầu tư cho khoa học công nghệ và R&D ở các DN, trang trại; chia sẻ và kết nối cơ sở dữ liệu và tài nguyên số, ứng dụng trong quản trị, điều hành; liên kết vùng, liên kết chuỗi, cụm ngành...

Ngoài ra, theo ông Tuấn cần chú ý tới chiều cạnh xã hội như yếu tố gap trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và môi trường như quản lý tài nguyên và ô nhiễm, phát thải... cần thể chế thí điểm, đặc thù cho chuyển đổi kép (xây dựng và thí điểm các mô hình ngân hàng số, fintech, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn...), tạo lập nền tảng văn hoá sáng tạo cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi kép, tiêu dùng bền vững, văn hóa sống xanh.../.

Cùng chuyên mục
Vì sao mô hình tăng trưởng chưa có sự đột phá?