Thưa ông, hiện nay vẫn còn tình trạng DN tránh thuế, trốn thuế, chuyển giá. Ông lý giải như thế nào về điều này?
Trước hết phải khẳng định rằng, trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, với sự khác biệt về thuế suất và chế độ ưu đãi thuế giữa các quốc gia thì vấn đề chuyển giá, tránh thuế không chỉ xảy ra tại Việt Nam mà còn xảy ra tại nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả các nước đã phát triển.
Việc chuyển giá, tránh thuế trên toàn cầu những năm gần đây có nhiều diễn biến phức tạp hơn, tinh vi hơn, vừa gây thất thu cho ngân sách nhà nước (), vừa gây bất ổn thị trường và tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh. Đây luôn là bài toán, là thách thức mà mọi quốc gia phải đối mặt khi nhà nước thực hiện bảo vệ quyền đánh thuế trong đó có Việt Nam.
Để hạn chế tình trạng lợi dụng chuyển giá nhằm trốn tránh nghĩa vụ thuế của các DN có vốn đầu tư nước ngoài, Tổng cục Thuế đã triển khai các nhóm nhiệm vụ trọng tâm đó là: Hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá; kiện toàn tổ chức bộ máy và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực quản lý giá chuyển nhượng; củng cố và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cho quản lý thuế, trong đó có quản lý giá chuyển nhượng; tăng cường kiểm soát hoạt động chuyển giá thông qua việc đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của từng bộ phận chức năng, nhất là tuyên truyền hỗ trợ, rà soát kê khai và thanh tra - kiểm tra đối với DN có giao dịch liên kết; xây dựng và đẩy mạnh các chương trình hợp tác quốc tế về tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát hoạt động chuyển giá; xây dựng chương trình truyền thông về công tác quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá.
Mặc dù đã có quy định về quản lý thuế và chế tài xử lý, tuy nhiên, trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, với sự khác biệt về thuế suất và chế độ ưu đãi thuế giữa các quốc gia, ưu đãi về thuế suất theo vùng miền, lĩnh vực thì các công ty đa quốc gia vẫn tìm mọi cách để tránh thuế nhằm tối đa hóa lợi nhuận, giảm số thuế phải nộp bằng việc nắm bắt và vận dụng những quy định về ưu đãi thuế để xây dựng và áp dụng một chính sách giá giao dịch nội bộ trong tập đoàn.
Để hạn chế tối đa DN chuyển giá, tránh thuế trong bối cảnh mới, ngành thuế sẽ thực hiện những giải pháp nào, thưa ông?
Để hạn chế tình trạng chuyển giá, tránh thuế, trong thời gian tới, ngoài các giải pháp đã thực hiện, ngành thuế sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, như: Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với DN có giao dịch liên kết theo nguyên tắc đánh giá rủi ro, tập trung vào các DN có rủi ro cao về thuế, áp dụng các phương pháp phân tích rủi ro và công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả công tác. Đồng thời, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin qua các hệ thống quản lý thuế điện tử, hóa đơn điện tử và kê khai thuế qua mạng giúp tăng cường minh bạch và thuận tiện cho người nộp thuế.
Đồng thời, nâng cao năng lực và bổ sung nguồn lực cho công tác thanh tra - kiểm tra, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đã đề ra. Phối hợp với các tổ chức quốc tế, như: Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam (EU), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Jica, IFC, WB để thực hiện đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức chuyên trách quản lý thuế, công chức thực hiện thanh tra - kiểm tra thuế đối với hoạt động chuyển giá.
Tích cực và tăng cường hợp tác quốc tế về thuế, chú trọng việc trao đổi thông tin với cơ quan thuế và các tổ chức nước ngoài phục vụ cho phân tích rủi ro và thanh tra giá chuyển nhượng.
Cùng với đó, đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, hỗ trợ giúp công chức thuế và người nộp thuế dễ dàng tiếp cận, nhanh chóng nắm bắt được các nội dung liên quan đến vấn đề chuyển giá do nội dung này được đánh giá là trừu tượng, khó và phức tạp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tranh thủ sự đồng thuận của các cấp chính quyền, xã hội và cộng đồng DN nhằm nâng cao tính tự giác tuân thủ, hạn chế hành vi chuyển giá.
Thời gian qua, KTNN đã thực hiện kiểm toán công tác quản lý thuế tại cơ quan thuế. Theo ông, KTNN đã góp phần như thế nào để cùng với cơ quan thuế ngăn ngừa tình trạng tránh thuế, trốn thuế, chuyển giá?
KTNN có vai trò quan trọng trong kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua việc giám sát nguồn thu, sử dụng ngân sách và tài sản nhà nước, qua đó bảo đảm việc quản lý các nguồn thu, chi ngân sách và sử dụng tài sản công một cách trung thực, chính xác, đúng pháp luật. Đối với hoạt động kiểm toán thu ngân sách, Luật Quản lý thuế đã quy định rõ vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN trong hoạt động kiểm toán thuế là: Thực hiện kiểm toán hoạt động đối với cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật về KTNN, pháp luật về thuế và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Với chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, KTNN đã thực hiện hoạt động kiểm toán thuế tại các cơ quan quản lý thuế ở các cấp với nội dung kiểm toán chủ yếu việc chấp hành chính sách, chế độ về thu NSNN của cơ quan thuế trong quản lý thu thuế, như: Kiểm toán việc chấp hành chính sách, chế độ về thu NSNN khi kiểm tra, thanh tra thuế, miễn giảm thuế, công tác quản lý nợ thuế… đánh giá việc chấp hành chính sách thuế của người nộp thuế, từ đó kiến nghị phù hợp đối với cơ quan thuế nhằm chấn chỉnh công tác quản lý thu thuế trên từng địa bàn quản lý thuế nói riêng và toàn ngành thuế nói chung.
Từ thực tiễn công tác kiểm toán các cơ quan quản lý thuế ở các cấp, có thể nhận thấy rằng, việc kiểm toán công tác quản lý thuế luôn được các cơ quan kiểm toán các cấp xác định là một trong những nội dung quan trọng trong quá trình kiểm toán. Kết quả kiểm toán nói chung và kết quả kiểm toán công tác quản lý thuế nói riêng của KTNN đã tác động tích cực đến hoạt động quản lý thu ngân sách của các Bộ, ngành, địa phương và ý thức chấp hành pháp luật thuế của người nộp thuế. Hoạt động kiểm toán đã đóng góp tích cực đến công tác quản lý nguồn thu ngân sách, đặc biệt là nguồn thu từ thuế; đóng góp lớn vào việc nâng cao ý thức thực thi pháp luật của người nộp thuế, các cơ quan quản lý và thu thuế; có thể được xem như một công cụ hữu hiệu trong việc quản lý, phát hiện và ngăn ngừa những sai phạm trong việc tuân thủ pháp luật thuế, qua đó góp phần cùng cơ quan quản lý thuế ngăn ngừa tình trạng tránh thuế, trốn thuế, chuyển giá.
Xin trân trọng cảm ơn ông!./.