Vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp hiện nay đang rất cấp thiết. Ảnh: T.K
Năm 2013 - 2014, tổng quy mô đào tạo các trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học ở nước ta là 2.061.641 người, trong đó gồm 599.802 sinh viên cao đẳng, 1.461.839 sinh viên đại học và trên đại học, bằng 107% so với năm học 2009 - 2010 và gấp 1,5 lần so với năm học 2004 - 2005. Bên cạnh đó, quy mô tuyển sinh dạy nghề cũng có sự gia tăng đáng kể.
Cụ thể, năm 2012, cả nước tuyển sinh được 1.493.379 người; năm 2013 tổng số học viên tuyển vào các trình độ đào tạo nghề là 1.732.016 người. Nhờ đó, tỉ lệ người lao động đã qua đào tạo tham gia thị trường lao động được nâng lên, góp phần đáng kể vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của đất nước.
Tuy nhiên trên thực tế, theo số liệu thống kê về lao động và việc làm hàng năm thì tỉ lệ người lao động tốt nghiệp các trình độ đào tạo (từ sơ cấp nghề đến sau đại học) đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân còn rất thấp. Cụ thể, năm 2011 là 15,6%; năm 2012 là 16,8% và năm 2013 là 18,2%. Cùng với tỉ lệ người lao động đã qua đào tạo tăng lên rất chậm như vậy thì cơ cấu lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật ở nước ta hiện nay vẫn chưa hợp lý.
Số lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên chủ yếu đảm nhiệm các vị trí công việc làm công ăn lương (chiếm khoảng 22,86% tổng số lao động làm công ăn lương), tập trung nhiều nhất trong các ngành thương mại, dịch vụ… trong khi đó có rất ít người làm việc trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp hay khoa học, kĩ thuật…
Theo Báo cáo kết quả điều tra lao động và việc làm do Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thực hiện thì tổng số người thất nghiệp trong cả nước năm 2011 là hơn 1.046.400 người, trong đó tỉ lệ thất nghiệp có trình độ chuyên môn, kỹ thuật chiếm 23,4%. Năm 2012, tỉ lệ người thất nghiệp có trình độ chuyên môn kỹ thuật chiếm 29,1% trong tổng số hơn 925. 600 người thất nghiệp. Năm 2013, cả nước có hơn 1.037.800 người thất nghiệp, trong đó người có trình độ chuyên môn kỹ thuật chiếm 35,7%.
Ngày 24/4 vừa qua, Chính phủ đã có phiên giải trình trước Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội về việc thực hiện Luật Giáo dục đại học và vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp. Có đại biểu Quốc hội đã ví rằng: “Đào tạo của ta gần giống với sản xuất nông nghiệp, làm ra mà không tiêu thụ được”!
Giải pháp nào tháo gỡ?
Mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách cụ thể về hỗ trợ việc làm và giải quyết việc làm, tuy nhiên chưa có văn bản pháp quy nào quy định, điều chỉnh trực tiếp về vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp. Cùng với đó là do bị ảnh hưởng của suy thoái kinh tế dẫn đến hàng chục ngàn DN giải thể, phá sản, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm nên nhu cầu nhân lực giảm mạnh… làm cho việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp lại càng khó khăn.
Để giải quyết tình trạng này, lãnh đạoBộ Giáo dục và Đào tạocho biết, trong thời gian tới, Bộsẽ đẩy mạnh việc thực hiện xây dựng Đề án giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ở trong và ngoài nước nhưng chưa có việc làm; Sửa đổi, bổ sung Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng đến năm 2020 để phù hợp với Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020; Phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng kế hoạch đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho từng đơn vị; Đẩy mạnh công tác phân luồng, định hướng giáo dục tiếp cận nghề nghiệp cho học sinh ngay từ cấp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông để góp phần hình thành đội ngũ nhân lực theo quy mô, cơ cấu nghề nghiệp, trình độ đào tạo đáp ứng nhu cầu cơ cấu nhân lực cần sử dụng của thị trường lao động.
Mặt khác, cần phải có sự gắn kết giữa đào tạo nguồn nhân lực và nhu cầu của xã hội. Phải xác định rõ các DN, nhà tuyển dụng cần gì, để hướng tới mục tiêu đào tạo. Thiết lập cơ chế phối hợp giữa Nhà nước, DN, cơ sở đào tạo và người học trong việc nắm bắt nhu cầu sử dụng; trước mắt áp dụng cơ chế đặt hàng đào tạo cung ứng cho các Khu công nghiệp, Khu kinh tế lớn sau đó sẽ áp dụng đồng bộ tại các ngành, địa phương trên phạm vi cả nước.
Một vấn đề cũng không kém phần quan trọng là phải đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người học và xã hội về cách lựa chọn ngành nghề, trình độ đào tạo phù hợp với khả năng và nhu cầu của thị trường. Thực tế là nhờ những cảnh báo về tình trạng dôi dư nguồn nhân lực trong nhóm ngành Kinh tế nên năm 2013, số hồ sơ đăng ký dự thi đại học nhóm ngành Kinh tế đã giảm 10,5%, trong khi đó ngành Khoa học - Sức khoẻ tăng 1,7%.
Việc làm là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia nói chung và đối với cuộc sống của mỗi cá nhân, gia đình nói riêng. Vì vậy vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp hiện nay đang rất cấp thiết, đòi hỏi sự chung tay của nhiều Bộ, Ban, ngành liên quan nhằm phát huy thế mạnh cơ cấu dân số trẻ để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước dựa trên lợi thế và tiềm năng của nguồn nhân lực.
DIỆU HUYỀN