Bao năm qua, ngành Đường sắt “một mình, một chợ” khai thác hệ thống đường sắt, đội tàu, nhà ga...sẵn có mà không có bước phát triển gì đáng kể. Ảnh: T.K
Những năm qua, vận tải đường sắt ngày càng bị “lép vế” trước sự phát triển chung của toàn ngành. Phá thế độc quyền trong kinh doanh đường sắt được xem là bước đi không thể chậm trễ hơn, vì bao năm qua, ngành đường sắt một mình khai thác hệ thống đường sắt, đội tàu, nhà ga... sẵn có mà không có bước phát triển gì đáng kể. Nhiều chuyên gia nhận định, nguyên nhân dẫn đến tình trạng hiện nay của đường sắt chính là hạ tầng cơ sở của ngành này đã quá cũ và lạc hậu, giá vé và giá cước vận chuyển hàng hóa thiếu cạnh tranh, thời gian di chuyển chậm, chất lượng dịch vụ kém. Do đó, việc phát triển và đổi mới đường sắt là yêu cầu cấp thiết.
Để giảm gánh nặng cho NSNN, thời gian qua, Bộ GTVT đã thực hiện nhiều giải pháp để kêu gọi xã hội hóa (XHH), huy động mọi nguồn lực tham gia đầu tư xây dựng KCHT giao thông đường sắt như: rà soát, sắp xếp KCHT đường sắt hiện có, giao cho các DN kinh doanh KCHT đường sắt quản lý; tăng hiệu quả kinh doanh, khai thác tương xứng với quy mô, giá trị khối tài sản và lợi thế thương mại của các công trình hỗ trợ vận tải này; đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt đối xử trong hoạt động kinh doanh vận tải đường sắt; khuyến khích các DN kinh doanh, các tổ chức công nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư hoặc liên doanh, liên kết đầu tư sản xuất mới phương tiện đầu máy, toa xe và khai thác, kinh doanh.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT đang tổ chức rà soát, đánh giá tình hình, mục đích sử dụng đất dành cho đường sắt hiện nay và lập kế hoạch sử dụng quỹ đất dành cho các công trình đường sắt, đất đang giao cho các DN đường sắt quản lý; lập quy hoạch hệ thống ga hành khách, ga hàng hóa để tận dụng mặt bằng các bãi hàng không sử dụng trong phạm vi đất dành cho đường sắt; đưa ra danh mục kêu gọi đầu tư cho các công trình này...
Ông Trần Ngọc Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết: Cần phải XHH, chuyển nhượng quyền khai thác một số tuyến đường sắt, nâng cao chất lượng chạy tàu. Thời gian qua, VNR đã phối hợp với một số DN có nhu cầu đầu tư khai thác bãi hàng tại một số ga đường sắt để nghiên cứu đầu tư theo hình thức XHH. Trong giai đoạn tiếp theo, VNR sẽ tiến hành mời gọi các nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất hợp tác đầu tư đối với hệ thống kho, bãi hàng tại một số ga của VNR. Để làm được điều này, trước tiên phải rút ngắn thời gian hành trình. Cụ thể tuyến Hà Nội - Lào Cai đang chạy 7,5 giờ với vận tốc 50km/h dự kiến sẽ rút xuống còn khoảng 5,5 giờ; tàu Thống Nhất từ TP.HCM đi Nha Trang hiện là 4,5 giờ sẽ rút còn khoảng dưới 4 giờ; tuyến Hà Nội - Đồng Đăng từ 5 giờ, rút xuống dưới 5 giờ.
Nhiều nhà đầu tư quan tâm
Tại cuộc họp bàn về các dự án XHH trong lĩnh vực đường sắt được Bộ GTVT tổ chức mới đây, đại diện Tập đoàn SunGroup cho biết, DN này đang muốn đầu tư vào những đoàn tàu chạy tuyến Hà Nội - Đà Nẵng, Sài Gòn - Đà Nẵng, Hà Nội - Lào Cai. Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn - đơn vị khai thác cảng container hàng đầu Việt Nam quan tâm đến phát triển logistic đường sắt. Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng mong muốn được đầu tư vào tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát 7km, không ảnh hưởng đến tuyến đường sắt Bắc - Nam theo phương thức chuyển nhượng quyền khai thác tối đa.
Các chủ DN đã kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT tháo gỡ về mặt cơ chế, thủ tục để các dự án XHH đường sắt sớm trở thành hiện thực và kiến nghị ban hành cơ chế ưu tiên DN về thời gian chạy tàu. Về nhà ga, các nhà đầu tư mong muốn Bộ GTVT thực hiện XHH bằng hình thức chuyển nhượng quyền khai thác, cần có cơ chế minh bạch, thông thoáng, cho thuê lâu dài để các nhà đầu tư yên tâm.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, cần phải để nhiều DN tham gia đầu tư mới tránh được độc quyền trong kinh doanh và DN mới có điều kiện tiếp cận các dịch vụ tốt nhất. VNR là một DN, do đó mọi hoạt động sản xuất kinh doanh phải bình đẳng, không được phép độc quyền. Vì vậy, cần phải đổi mới từ thể chế, chính sách Nhà nước quản lý để hạn chế thấp nhất cơ chế xin - cho. Bộ trưởng Thăng yêu cầu rà soát lại Luật hiện hành, các Nghị định, Thông tư đối với đường sắt.
Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về XHH đường sắt để đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc nhượng quyền, có thể làm thí điểm để việc nhượng quyền khả thi. Mục tiêu hết quý II/2015 sẽ XHH một số dự án như các ga: Yên Viên (Hà Nội), Đồng Đăng (Lạng Sơn), Sóng Thần (Bình Dương) phục vụ logistic. Bên cạnh đó, VNR tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, cổ phần hóa; tập trung xây dựng hoàn chỉnh các đề án để công khai minh bạch các dự án kêu gọi đầu tư.
LÊ HÒA