Năm 2014, các DN FDI đã đánh giá tích cực hơn về triển vọng đầu tư khi có tới 16,3% cho biết đã tăng hoạt động đầu tư và 65,1% đã tuyển thêm lao động mới. Ảnh: T.S
Tính đến thời điểm hiện tại, các DN FDI hoạt động tại Việt Nam vẫn chủ yếu là các DN quy mô nhỏ, tập trung cho sản xuất xuất khẩu và có mức lãi tương đối thấp. Xét theo tiêu chuẩn quốc tế, DN FDI tại Việt Nam có quy mô tương đối nhỏ với khoảng 77% DN có dưới 300 lao động và khoảng 30% trong số này có quy mô ít hơn 50 lao động. Khi điều tra phân loại quy mô DN, chỉ khoảng 90 DN tham gia khảo sát có trên 1.000 lao động; nếu phân loại theo quy mô vốn, các DN FDI có vốn đầu tư trung bình khoảng 1,2 triệu USD và 62% DN FDI trong mẫu điều tra được cấp giấy phép đầu tư với số vốn dưới 2,5 triệu USD, chỉ có 6% DN được cấp phép đầu tư trên 25 triệu USD.
Kết quả điều tra chỉ rõ, dường như xu thế liên kết nội địa đang tăng lên bởi có tới 88% DN FDI cho biết đã sử dụng dịch vụ, hàng hóa trung gian của các nhà cung cấp trong nước; trong khi năm 2011, con số này chỉ là 42%. Tuy nhiên, nguồn cung ứng nước ngoài vẫn đóng vai trò quan trọng khi 8,1% DN FDI mua hàng hóa, dịch vụ đầu vào thông qua công ty mẹ, 54% mua một số mặt hàng từ nước xuất xứ và 34% mua từ nhà cung cấp nước thứ ba.
Với câu hỏi liên quan đến vấn đề cân nhắc địa điểm đầu tư, 83% DN đã chọn Việt Nam thay vì chọn các quốc gia khác, nhưng chỉ có 17% DN đầu tư vào Việt Nam như một phần của chiến lược đầu tư đa quốc gia. Các DN đã chia sẻ 4 điểm mạnh khi so sánh Việt Nam với các quốc gia cạnh tranh khác, gồm thuế suất, rủi ro thu hồi tài sản, khả năng tác động chính sách và ổn định chính sách.
Đáng chú ý, 94% nhà đầu tư nước ngoài đánh giá nền chính trị Việt Nam ổn định hơn các quốc gia cạnh tranh tiềm năng. Về rủi ro bị thu hồi tài sản, nhà đầu tư cảm thấy tự tin hơn nhiều nếu đầu tư tại Việt Nam so với các nước khác; về mức độ ảnh hưởng chính sách, các DN FDI tại Việt Nam cho biết họ có “tiếng nói” hơn trong quá trình xây dựng, thực thi pháp luật liên quan đến hoạt động của mình so với các quốc gia cạnh tranh khác.
Đồng thời, các DN FDI cũng đánh giá chính sách của Việt Nam ổn định và dễ đoán hơn hầu hết các quốc gia cạnh tranh. Điều này chứng tỏ các DN FDI luôn coi trọng khả năng dự báo chính sách trong tương lai để từ đó xây dựng chiến lược dài hạn của DN.
Theo cảm nhận của nhà đầu tư dựa trên so sánh với mức thuế suất thực tế tại các quốc gia cạnh tranh của Việt Nam thì Việt Nam thuộc nhóm nước có mức thuế thấp. Đây chính là một điểm mạnh khi tiếp cận môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Với nỗ lực giảm gánh nặng thuế cho các nhà đầu tư chiến lược, Việt Nam đã thử nghiệm cơ chế ưu đãi thuế mục tiêu cho các DN hoạt động trong những ngành hoặc khu vực mà Chính phủ khuyến khích.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương còn áp dụng thêm các chương trình giảm phí sử dụng đất và các loại phí dịch vụ khác. Khoảng 62% DN FDI tham gia trả lời điều tra cho biết họ được hưởng ít nhất một hình thức ưu đãi thuế khi đầu tư lần đầu và 61% DN cho biết họ vừa được giảm, vừa được ân hạn thuế. Nổi bật hơn, 62% nhà đầu tư nước ngoài trả lời rằng họ sẽ vẫn đầu tư vào địa phương hiện tại ngay cả trong trường hợp không có các ưu đãi về thuế, vì các yếu tố khác như địa điểm, quy mô thị trường, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực mới đóng vai trò quan trọng đối với các kế hoạch chiến lược của DN.
Tuy nhiên, các DN FDI cho biết cảm nhận chung là môi trường kinh doanh của Việt Nam kém hấp dẫn hơn do nạn tham nhũng và các chi phí không chính thức cũng như chất lượng dịch vụ hành chính công và chất lượng của cơ sở hạ tầng còn hạn chế. Chia sẻ về 2 chỉ tiêu phác họa gánh nặng quy định mà DN FDI phải đối mặt là thời gian DN bỏ ra để tuân thủ các thủ tục hành chính và số lượt thanh tra, kiểm tra. Năm 2014 có 70% DN trả lời rằng họ đã phải dành hơn 5% thời gian để hiểu rõ và thực hiện tốt các thủ tục hành chính.
Con số này tuy giảm đáng kể so với 2 năm trước nhưng vẫn còn cao so với mức thấp lịch sử 56% của năm 2010. Các DN cho biết, phiền hà nhất là các thủ tục về thuế, bao gồm cả quy định về hóa đơn VAT, thủ tục cấp phép xây dựng, thủ tục hải quan và thủ tục cấp giấy phép đầu tư. Đối với đại đa số các DN FDI, các đợt thanh tra, kiểm tra không phải là một gánh nặng quá lớn, nhưng có một bộ phận nhỏ chia sẻ bị phiền hà quá mức. Mức độ phiền hà không khác nhau nhiều giữa các ngành, nhưng tập trung vào những DN vừa và lớn.
PHÚC KHANG