Giải ngân thấp, bố trí vốn chưa đảm bảo
Theo Báo cáo kiểm toán, công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, nguồn dự phòng chung vốn ngân sách trung ương trong nước còn lại của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của Tổng LĐLĐ Việt Nam cơ bản thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân đạt thấp (chỉ đạt 14,29%). Theo báo cáo của đơn vị, nguyên nhân là do dịch Covid-19 kéo dài cùng với một số khó khăn về thủ tục chuẩn bị đầu tư… nên việc chuẩn bị dự án không kịp theo niên độ tài chính.
Trong công tác bố trí vốn, do không tổ chức thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho dự án nên việc bố trí vốn cho dự án chưa đảm bảo tiến độ thực hiện, là một trong những nguyên nhân làm kéo dài thời gian. Điển hình là Dự án Trụ sở Công đoàn y tế Việt Nam, thời gian thực hiện dự án (nhóm C) được phê duyệt từ năm 2017 đến năm 2020 (4 năm) vượt quy định 3 năm. Đến hết năm 2020, tổng vốn bố trí cho Dự án chỉ đạt 83,25% so với tổng mức đầu tư điều chỉnh, trong đó nguồn vốn của Tổng LĐLĐ Việt Nam còn bố trí ngắt quãng (năm 2019, 2020, 2021 không bố trí vốn).
Qua kiểm toán tổng hợp chi đầu tư tại Tổng LĐLĐ Việt Nam và kiểm toán chi tiết 8 dự án cho thấy, quá trình triển khai dự án, các bên chưa tuân thủ các quy định dẫn tới một số sai sót trong quá trình chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư. Điển hình như Dự án Trụ sở Công đoàn thông tin xác định mục tiêu đầu tư cho thuê văn phòng là không đúng quy định về quản lý tài sản nhà nước; tính toán xác định nhu cầu diện tích sử dụng lớn hơn nhiều so với tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.
KTNN cũng chỉ ra, công tác thiết kế và dự toán một số dự án chưa đầy đủ hạng mục đầu tư; hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công chưa nêu đầy đủ chỉ dẫn kỹ thuật áp dụng cho dự án; thiết kế bản vẽ thi công một số dự án còn sai sót, chưa phù hợp với công năng sử dụng, dẫn đến quá trình thực hiện phải điều chỉnh kết cấu, kiến trúc tại một số hạng mục, làm phát sinh chi phí. Dự toán được lập, thẩm định, phê duyệt của một số dự án còn tính thiếu chi phí, tính sai chế độ quy định. Đặc biệt, tại Dự án Trụ sở Công đoàn thông tin và Dự án Trụ sở Công đoàn y tế thiết kế tầng hầm không phù hợp khi chưa tính toán đúng, đủ về lượng mưa tại địa điểm xây dựng dự án dẫn đến ngập lụt khi lượng mưa lớn, tràn vào tầng hầm công trình. Đồng thời, thiết kế vị trí đặt trạm biến áp, máy phát điện trong tầng hầm không đảm bảo an toàn, phải điều chuyển ra ngoài công trình.
Trong công tác lựa chọn nhà thầu, thương thảo, ký kết hợp đồng, kết quả kiểm toán chỉ ra tình trạng không thực hiện lập, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu giai đoạn chuẩn bị đầu tư để làm cơ sở lựa chọn nhà thầu; tổ chức lựa chọn nhà thầu khi chưa lập, trình Tổng LĐLĐ Việt Nam phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; hồ sơ thầu chưa phù hợp quy định của Luật Đấu thầu; tỷ lệ tiết kiệm qua công tác lựa chọn nhà thầu thấp. Cá biệt, tại Dự án Trường Đại học Công đoàn cơ sở 2 (giai đoạn 1) phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, trong đó giá gói thầu không phù hợp với nội dung công việc, làm tăng giá gói thầu gần 4,7 tỷ đồng.
Sớm có giải pháp đưa các công trình vào sử dụng
Qua kiểm toán cho thấy, 7/8 dự án kiểm toán chi tiết bị chậm tiến độ so với chủ trương đầu tư dự án và dự án đầu tư được phê duyệt. Điển hình là: Dự án Trụ sở Công đoàn thông tin chậm 6 năm; Dự án Trụ sở Công đoàn y tế Việt Nam chậm 1 năm và một số tầng chưa được hoàn thiện nhưng đã được phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành; Dự án Trung tâm Văn hóa công nhân Quảng Ngãi chậm 4 năm (đến thời điểm kiểm toán (tháng 10/2022) vẫn chưa hoàn thành); Dự án Yên Bái chậm hơn 2 năm, Dự án Nhà văn hóa Quảng Ngãi chậm 3 năm.
Đến tháng 10/2022, một số dự án chưa được gia hạn thời gian thực hiện kịp thời, hết thời gian thực hiện dự án mới thực hiện điều chỉnh. Một số dự án vẫn chưa hoàn thành, chưa đủ điều kiện đưa công trình vào sử dụng mặc dù đã hết thời gian thực hiện theo quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án. Bên cạnh đó, tiến độ thi công một số gói thầu chậm, đã được gia hạn hợp đồng nhưng các bên chưa xác định nguyên nhân chậm tiến độ và xử lý theo quy định của hợp đồng.
Trong công tác nghiệm thu, thanh toán, quản lý chi phí, KTNN cũng chỉ ra một số sai sót, tồn tại như: Tính sai khối lượng thiết kế, nghiệm thu, tính sai nội dung định mức đối với chi phí tư vấn, tính sai mức thuế giá trị gia tăng… nên qua kiểm toán, KTNN phải giảm trừ chi phí đầu tư, giá trị quyết toán.
Từ kết quả kiểm toán, KTNN kiến nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam chấn chỉnh đối với các tồn tại, sai sót đã được KTNN chỉ ra. Đối với các dự án chưa bàn giao đưa vào sử dụng, các dự án chưa hoàn thiện công trình theo phương án ban đầu, chủ đầu tư cần xác định rõ nguyên nhân, phối hợp với các cơ quan chức năng có giải pháp để sớm đưa công trình vào sử dụng đúng quy định, đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Liên quan đến việc quản lý, theo dõi nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB), qua kiểm toán trên cơ sở báo cáo của đơn vị cho thấy, nợ phải thu tăng lên thành 965,2 triệu đồng; nợ phải trả tăng lên thành 3,407 tỷ đồng do Tổng LĐLĐ Việt Nam không theo dõi đầy đủ số liệu nợ đọng XDCB. KTNN kiến nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam theo dõi đầy đủ, sớm xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng XDCB, báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý kịp thời theo quy định.