Vinafor cần sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển nhanh và bền vững

(BKTO) - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLV) Đỗ Hữu Huy yêu cầu Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) cần quản lý, sử dụng có hiệu quả tài sản, vốn, các nguồn lực để phát triển nhanh và bền vững, trong đó phải có giải pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất kinh doanh từ các ngành nghề chính.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Vinafor, ông Lê Quốc Khánh - Tổng Giám đốc Vinafor cho biết, tổng doanh thu hợp nhất năm 2022 của Tổng công ty đạt 2.496 tỷ đồng.

2(2).jpg
Quang cảnh Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Vinafor. Ảnh: CMSC

Trong năm 2022, hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Vinafor nói riêng bị ảnh hưởng, tác động lớn bởi tình hình kinh tế thế giới và trong nước; thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen.

Theo ông Lê Quốc Khánh, Hội đồng quản trị (HĐQT) Vinafor đã tập trung vào mục tiêu ổn định và phát triển bền vững, phát huy lợi thế, tiềm năng sẵn có; mở rộng quan hệ với các đối tác trong và ngoài Tổng công ty; phối hợp chặt chẽ với cổ đông chiến lược; tăng cường quan hệ với người đại diện theo ủy quyền tại các đơn vị có vốn góp để cùng phát huy lợi thế, hỗ trợ phát triển và cùng chia sẻ lợi ích. Qua đó góp phần giúp Vinafor hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông năm 2022 giao.

Cụ thể, tổng doanh thu Công ty mẹ Vinafor đạt 1.433 tỷ đồng, bằng 128% kế hoạch năm và bằng 130% so với năm 2021; lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ đạt 331 tỷ đồng, tương đương 150% kế hoạch năm, bằng 152% so với năm 2021. Tỷ lệ chi trả cổ tức đạt 8,26%/vốn điều lệ.

Kết quả hợp nhất toàn Tổng công ty, tổng doanh thu đạt 2.496 tỷ đồng, tương đương 106% kế hoạch năm, bằng 108% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt 484 tỷ đồng, tương đương 147% so với kế hoạch năm, bằng 168% so với năm 2021. Kết quả ước thực hiện lâm sinh, chỉ số tạo rừng mới đạt 3.006 ha, khai thác gốc rừng trồng đạt 3.187 ha.

Về công tác sản xuất kinh doanh cây giống, Vinafor đã sản xuất và tiêu thụ được 41,5 triệu cây giống các loại, đạt 124% kế hoạch năm (33,61 triệu cây). Trong đó, cung cấp nội bộ để trồng rừng tại các đơn vị trong Tổng công ty khoảng 5,2 triệu cây, chiếm 12%; bán ra thị trường khoảng 36,3 triệu cây giống. Doanh thu đạt khoảng 44 tỷ đồng, lợi nhuận gộp ước đạt khoảng 14,267 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm 2022 đề ra.

Trong công tác trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ và khai thác rừng, tính đến hết năm 2022, Vinafor đã khảo nghiệm 27 dòng, thí điểm 41 dòng để lựa chọn cây trồng phù hợp đưa vào trồng rừng. Tổng công ty đã thực hiện cấp/cho vay vốn kịp thời cho một số đơn vị lâm nghiệp, giống lâm nghiệp để triển khai thực hiện tốt kế hoạch lâm sinh năm 2022.

Về đầu tư, giám sát tài chính, tái cơ cấu, đổi mới doanh nghiệp, Tổng công ty luôn tập trung đầu tư vốn vào các ngành nghề, hoạt động sản xuất kinh doanh chính, không thực hiện đầu tư ngoài ngành. Tổng vốn đầu tư của Vinafor vào doanh nghiệp khác trên 894 tỷ đồng. Năm 2022, kết quả hoạt động đầu tư vốn vào doanh nghiệp khác của Tổng công ty đã tiếp tục đem lại hiệu quả cao, bảo toàn và phát triển vốn.

Vinafor cũng tiếp tục rà soát, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn tại các đơn vị thành viên để tập trung nguồn lực cho các đơn vị có tiềm năng phát triển, đồng thời tìm giải pháp hỗ trợ các đơn vị hoạt động chưa hiệu quả, xử lý, tái cơ cấu đối với các đơn vị hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ. Tổng công ty đã thoái vốn thành công tại Công ty Cổ phần Forprodex, đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả cao.

Tại Đại hội đồng cổ đông Vinafor năm 2023, các đại biểu đã biểu quyết thông qua một số các nội dung quan trọng, tạo động lực cho sự phát triển mạnh mẽ của Tổng công ty, bao gồm: Báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 và Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023; Báo cáo của HĐQT về kết quả hoạt động năm 2021 và kế hoạch hoạt động năm 2022; Báo cáo thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ban kiểm soát năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ năm 2022; Báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán; Tờ trình phân phối lợi nhuận sau thuế năm 2022; Tờ trình lựa chọn Công ty kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2023; Tờ trình thông qua tiền lương, thù lao HĐQT, Ban kiểm soát năm 2023.

Phát biểu tại Đại hội, Phó Chủ tịch UBQLV Đỗ Hữu Huy nhấn mạnh, trong năm 2022, Vinafor cũng như các doanh nghiệp khác của UBQLV đều gặp những khó khăn ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.

Tuy nhiên, kết quả sản xuất kinh doanh trong năm 2022 của Vinafor với một số chỉ tiêu chủ yếu chính vượt kế hoạch thể hiện sự quyết tâm và làm việc có trách nhiệm, hiệu quả của Ban lãnh đạo, sự đoàn kết, nỗ lực của tập thể cán bộ, nhân viên của Tổng công ty và các đơn vị thành viên.

Góp phần quan trọng vào kết quả này còn có sự phối hợp chặt chẽ, sự tin tưởng lẫn nhau giữa các cổ đông để cùng phát huy lợi thế, hỗ trợ lẫn nhau và cùng chia sẻ lợi ích vì sự phát triển của Tổng công ty.

Theo Phó Chủ tịch UBQLV Đỗ Hữu Huy, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến rất phức tạp, nhanh chóng, khó đoán định. Trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức. Do đó, trong năm 2023, Vinafor cần phải có những giải pháp đồng bộ, linh hoạt để vượt qua những khó khăn, tiếp tục bảo toàn, phát triển vốn của doanh nghiệp, trong đó có vốn của cổ đông nhà nước.

Do đó, Người đại diện phần vốn nhà nước tại Vinafor cần phối hợp với HĐQT thực hiện đầy đủ, kịp thời ý kiến chỉ đạo của Ủy ban, tăng cường vai trò trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ; chủ động đánh giá, dự báo thị trường trong và ngoài nước để có phương án kinh doanh linh hoạt, phù hợp và có hiệu quả, giảm thiểu rủi ro; có giải pháp đảm bảo thu hút nguồn lao động cho các đơn vị; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tổng công ty.

Về phía Vinafor, trên cơ sở kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 được Đại hội thông qua, Tổng công ty cần tổ chức triển khai tốt việc giao, giám sát kế hoạch 2023 của các đơn vị thành viên; đồng thời xây dựng các giải pháp quyết liệt, tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện tốt, có hiệu quả kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023.

Vinafor cần tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng công tác quản lý, bảo vệ và khai thức rừng cũng như quản lý, sử dụng đất nông nghiệp để nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổng công ty và các đơn vị thành viên; chủ động phối hợp, đề xuất với các địa phương trong công tác quy hoạch sử dụng đất nông lâm nghiệp nhằm bảo toàn, phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai của doanh nghiệp, đồng thời tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương theo đúng quy hoạch và quy định pháp luật hiện hành.

Ngoài ra, Vinafor cần chủ động trong hợp tác, liên kết, tiêu thụ sản phẩm dịch vụ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp trong UBQLV nhằm phát huy lợi thế của nhau, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Cùng chuyên mục
Vinafor cần sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển nhanh và bền vững