Doanh nghiệp giải thể tăng cao
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong quý I/2023, cả nước có gần 57.000 DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2022; bình quân một tháng có gần 19.000 DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Trong khi đó, số DN rút lui khỏi thị trường là 60.200 DN, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có gần 20.100 DN rút lui khỏi thị trường. Số liệu trên cho thấy, số lượng DN rút lui khỏi thị trường đang cao hơn và tăng nhanh hơn so với số DN gia nhập thị trường.
Bình luận về thực trạng trên, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết, việc DN ra đời hoặc rút lui khỏi thị trường là bình thường theo quy luật cạnh tranh, nhưng nếu tỷ lệ DN rút lui khỏi thị trường tăng cao, thậm chí cao hơn so với số lượng DN gia nhập thị trường thì đó là dấu hiệu cho thấy “sức khỏe” của cộng đồng DN đang quá yếu, là thực trạng đáng lo ngại hiện nay.
Về nguyên nhân dẫn đến số lượng DN rời khỏi thị trường tăng cao, lãnh đạo VCCI cho rằng, trong những tháng đầu năm 2023, trên bình diện chung, sự tăng trưởng chậm lại ở những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: Hoa Kỳ, Trung Quốc và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã phần nào ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu của các DN Việt Nam. Theo đó, nhiều DN trong các ngành hàng đã bị sụt giảm, thậm chí không có đơn hàng xuất khẩu, hoạt động kinh doanh gặp không ít khó khăn. Thêm vào đó, DN cũng gặp khó khăn do giá xăng dầu liên tục biến động, chi phí logistics, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao… Thực tế đó buộc nhiều DN phải thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh hoặc tạm dừng hoạt động.
Bên cạnh khó khăn về thị trường, theo bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, DN vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bà Minh cho biết, khoảng 97% DN Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ, do đó các DN này gặp nhiều hạn chế trong việc tiếp cận các nguồn tài chính chính thức. Trong khi đó, những khó khăn trên thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu trong những tháng đầu năm đã làm giảm đáng kể khả năng tiếp cận vốn của các DN thông qua các kênh này. Đối với kênh tín dụng ngân hàng, mặt bằng lãi suất còn khá cao cùng với các điều kiện vay vốn khắt khe, nhất là các yêu cầu về tài sản đảm bảo cũng khiến DN khó tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng. Thậm chí, ngay cả đối với chương trình hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ lãi suất trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, khả năng tiếp cận của DN cũng rất hạn chế. Thực trạng thiếu vốn, không thể cân đối được bài toán tài chính khiến nhiều DN phải rút lui khỏi thị trường.
Cần triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Theo các chuyên gia, dự báo, trong quý II cũng như thời gian còn lại của năm 2023, nền kinh tế và DN có thể sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, cùng với từ thực trạng về “sức khỏe” của cộng đồng DN hiện nay, Chính phủ, các Bộ, ngành cần triển khai kịp thời, đồng bộ các giải pháp hỗ trợ DN, để giúp DN có thể trụ vững trên thị trường và tiếp tục phát triển.
Theo đó, về tín dụng, ngành ngân hàng cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của DN theo quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Song song với đó, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại nỗ lực tối đa tiết giảm chi phí hoạt động để có dư địa phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Ngoài ra, ngành ngân hàng cần tăng cường kết nối giữa ngân hàng và DN nhằm kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về vốn của DN…
Về chính sách tài khóa, Chính phủ cần tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ về thuế trong năm 2023, nhất là chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, nhằm tạo động lực cho DN tiếp tục đà phục hồi, khi Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã hết hiệu lực thi hành.
Liên quan đến chính sách tài khóa, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ tổng hợp phản ánh kiến nghị của hơn 30 hiệp hội DN trong quý I, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) đưa thêm kiến nghị, ngành thuế cần đẩy nhanh việc thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng cho DN. Bởi theo phản ánh của các DN ở nhiều ngành nghề, quy trình hoàn thuế giá trị gia tăng hiện đang kéo rất dài và không có thời hạn cụ thể khiến DN bị động, số tiền thuế chờ hoàn của các DN cộng dồn từ năm 2020 lên đến hàng trăm tỷ đồng, trở thành điểm nghẽn, tạo ra áp lực về dòng tiền đối với DN. Do đó, cơ quan chức năng cần khẩn trương giải quyết tình trạng này để hạn chế việc DN khó khăn về dòng tiền phải tuyên bố phá sản.
Đặc biệt, về mặt thể chế, theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, Chính phủ và các Bộ, ngành cần phải nỗ lực tối đa đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm chi phí, thủ tục hành chính cho DN, đồng thời tháo gỡ các rào cản ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của DN.
Cùng với sự đồng hành của Nhà nước, về phía DN, các chuyên gia cho rằng cộng đồng DN cũng cần chủ động nắm bắt tốt hơn các tín hiệu của nền kinh tế cả trong và ngoài nước để có những dự báo về thị trường nội địa và xuất khẩu, từ đó điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh linh hoạt và phòng ngừa các rủi ro kinh doanh tốt hơn, qua đó hạn chế việc DN phải tạm dừng hoạt động, rút lui khỏi thị trường./.
Theo Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo do Tổng cục Thống kê thực hiện, dự kiến, quý II/2023, có 44,1% số DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý I/2023; có 35,3% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 20,6% số DN dự báo khó khăn hơn.