“Vua” các loại trái cây mang về doanh thu 2,3 tỷ USD cho Việt Nam

(BKTO) - Năm 2023 được đánh giá là năm thắng lớn của sầu riêng với mốc kỷ lục mới được thiết lập khi kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 2,3 tỷ USD, trong đó riêng tại thị trường Trung Quốc đạt 2 tỷ USD.

410356624-733323915384382-8976-4666-6760-1702607983.jpg
Thị trường Trung Quốc chiếm đến 99% tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam năm 2023, với hơn 2 tỷ USD. Ảnh: ST

Năm 2023, xuất khẩu nhóm hàng rau quả đạt con số kỷ lục 5,6 tỷ USD, tăng tới 66,7% (tương ứng tăng 2,24 tỷ USD) so với năm trước. Trong đó, riêng xuất khẩu sầu riêng - mặt hàng được ví là "vua" của các loại trái cây, thu về 2,3 tỷ USD, chiếm 41% kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước.

Sầu riêng của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc với kim ngạch đạt 2,03 tỷ USD, chiếm 99,4% tổng kim ngạch xuất khẩu loại trái cây này của cả nước. Năm qua, Cộng hòa Séc cũng chi gần 10 triệu USD mua sầu riêng Việt, tăng 28 lần so với năm 2022 và là thị trường chứng kiến mức tăng trưởng mạnh nhất trong số các quốc gia nhập khẩu sầu riêng của Việt Nam. 

Ngay từ đầu năm 2024, mặt hàng sầu riêng tiếp tục đón nhận nhiều đơn hàng mới, báo hiệu một năm hứa hẹn nhiều kết quả cho xuất khẩu sầu riêng. Đặc biệt, với việc Trung Quốc đang mở cửa thị trường cho nông sản Việt, mặt hàng sầu riêng được kỳ vọng sẽ có những bứt phá mạnh mẽ. 

vuon-sau-rieng-can-tho-05-min-1068x712.png
Các nhà vườn cần chú trọng chất lượng sầu riêng, từ khâu chăm sóc đến thu hoạch, bảo quản nhằm tạo dựng thương hiệu cho sầu riêng Việt. Trong ảnh là sầu riêng được trồng tại nhà vườn huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ. Ảnh: N.Lộc

Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, cơ hội xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc nói riêng và các thị trường khác nói chung còn rất lớn. Sầu riêng Việt Nam có lợi thế sản lượng dồi dào, thu hoạch rải vụ quanh năm, trong khi Thái Lan - quốc gia cạnh tranh thị trường xuất khẩu sản phẩm sầu riêng với Việt Nam chỉ thu hoạch theo mùa vụ.

Về lâu dài, Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng các nhà vườn, doanh nghiệp phải tập trung đầu tư để nâng cao chất lượng, mẫu mã cũng như xây dựng thương hiệu sầu riêng Việt, chú ý từ khâu trồng, thu hoạch, bảo quản, chế biến.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), hiện diện tích trồng sầu riêng cả nước ước đạt 110.000 ha, tăng hơn 24% mỗi năm, là tỷ lệ tăng cao nhất trong các loại cây trồng chủ lực hiện nay. Diện tích cho thu hoạch 54.400 ha, năng suất 16,5 tấn/ha, sản lượng 849.100 tấn.

Hiện, ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh phát triển các vùng chuyên canh sầu riêng, đảm bảo nguồn cung cho xuất khẩu.

Hướng đến phát triển bền vững cho mặt hàng này, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đề nghị các địa phương cần định hướng, hỗ trợ các nhà vườn nắm bắt thông tin, tránh tình trạng phát triển nóng, gây mất cân đối, thiếu kiểm soát. 

Ngành hàng sầu riêng nói riêng, các ngành hàng khác nói chung phải tổ chức lại cấu trúc ngành hàng bền vững. Trong đó, phải có sự hiện diện của cả sản xuất và tiêu thụ, nghĩa là có nông dân và doanh nghiệp. Tổ chức lại sản xuất không đơn thuần chỉ là cải tiến kỹ thuật gieo trồng mà là tạo ra không gian để nông dân, doanh nghiệp cùng hợp tác với nhau.

Năm 2023 kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt 2,3 tỷ USD. Với những tín hiệu tích cực từ thị trường trọng điểm là Trung Quốc, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng được dự báo đạt khoảng 3,5 tỷ USD.

Cùng chuyên mục
“Vua” các loại trái cây mang về doanh thu 2,3 tỷ USD cho Việt Nam