Trụ sở Viện Phim Việt Nam. Ảnh: Bình Minh
Nguy cơ thất thoáttài sản công
Theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật này, ĐVSNCL được phép cho thuê, liên doanh, liên kết sử dụng tài sản, đất đai trong trường hợp tài sản được giao chưa sử dụng hết công suất. Để thực hiện cho thuê, liên doanh, liên kết, ĐVSNCL phải lập đề án sử dụng tài sản công và được cơ quan có thẩm quyền cho phép cũng như tuân thủ một số quy trình, thủ tục theo quy định nhằm tránh nguy cơ thất thoát tài sản công.
Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các ĐVSNCL lĩnh vực VH,TT&DL vẫn tổ chức cho thuê, hoặc liên doanh, liên kết mà chưa thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Năm 2018, qua kiểm toán, KTNN đã chỉ ra nhiều ĐVSNCL lĩnh vực VH,TT&DL có vi phạm trong liên doanh, liên kết, như: Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia Mỹ Đình, Trung tâm Hỗ trợ sáng tác... Các hoạt động liên kết, cho thuê địa điểm chưa thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 23/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại ĐVSNCL.
Một trong những điều kiện để thực hiện liên doanh, liên kết, đó là lĩnh vực liên doanh, liên kết, cho thuê phải phù hợp với chức năng của ĐVSNCL. Tuy nhiên, theo kết quả kiểm toán, 21 đơn vị được kiểm toán đều sử dụng tài sản liên kết kinh doanh sai mục đích (nhà hàng, cafe, dịch vụ phụ trợ). Đến nay, các hoạt động vi phạm này vẫn tồn tại, đơn cử như tại Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia Mỹ Đình, việc kinh doanh dịch vụ nhà hàng, giải trí vẫn rất lộn xộn; tại Viện Phim Việt Nam, hàng trăm mét vuông đất công được giao cho Viện quản lý vẫn được cho thuê để kinh doanh cafe sai mục đích... Đáng chú ý, cũng tại Viện Phim Việt Nam, việc sử dụng đất công để kinh doanh sai mục đích diễn ra nhiều năm qua chỉ dựa trên một văn bản đồng ý về mặt chủ trương của Bộ VH,TT&DL từ năm 2017 là không đúng quy định, bởi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Theo ông Vũ Nguyên Hùng - quyền Viện trưởng Viện Phim Việt Nam, hoạt động liên doanh, liên kết sử dụng tài sản công của Viện chỉ có thời hạn 1 năm và Viện chủ động gia hạn, nếu Bộ không có chỉ đạo dừng hoặc phải điều chỉnh theo quy định mới.
Bên cạnh đó, theo quy định, các đơn vị có nhu cầu liên doanh, liên kết, cho thuê phải thực hiện lập đề án sử dụng tài sản công, tuy nhiên, hầu hết các ĐVSNCL vẫn thực hiện cho thuê, liên kết kinh doanh khi chưa lập hoặc đang trong quá trình lập đề án.
Vướng mắc từ quy địnhpháp luật
Thực tế cho thấy, việc thực hiện liên doanh, liên kết, cho thuê tài sản công tại các ĐVSNCL lĩnh vực VH,TT&DL đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây thất thoát và cần được chấn chỉnh nghiêm túc theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, nhiều ĐVSNCL cho rằng, việc thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định số 151/2017/NĐ-CP khi liên doanh, liên kết, cho thuê tài sản công đang gặp khó khăn.
Theo một cán bộ công tác tại Vụ Kế hoạch, tài chính (Bộ VH, TT&DL), nhằm đảm bảo cho các ĐVSNCL có thêm nguồn thu trong lộ trình thực hiện tự chủ, giảm gánh nặng cho NSNN, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công cho phép các ĐVSNCL được liên doanh, liên kết, cho thuê tài sản. Tuy nhiên, khung khổ pháp lý của hoạt động này vẫn còn những khoảng trống làm nảy sinh nhiều vướng mắc khi thực hiện, đơn cử như việc góp vốn liên doanh, liên kết bằng giá trị thương hiệu cũng cần được làm rõ hơn, đặc biệt là cách xác định giá trị thương hiệu để đảm bảo quyền lợi của các bên, cũng như không vi phạm quy định của pháp luật.
Còn theo đại diện Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, đơn vị cũng đang trong quá trình thực hiện lập đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê. Theo Nghị định số 151/2017/NĐ-CP, đơn vị phải gửi các cơ quan chức năng cho ý kiến thẩm định, tuy nhiên, thời gian thẩm định lại không được xác định, dẫn đến gây khó khăn cho đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ.
Đại diện các ĐVSNCL cũng cho rằng, một số quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định số 151/2017/NĐ-CP còn chung chung, dẫn đến khó thực hiện. Do đó, nhiều ý kiến cũng đề nghị trong quá trình các đơn vị thực hiện lập đề án, các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính cần có sự hướng dẫn kịp thời, cụ thể hơn để giúp đỡ các ĐVSNCL thực hiện theo đúng quy định, cũng như đảm bảo sự thuận tiện trong các quy trình lập đề án.
PHỐ HIẾN
Theo Báo Kiểm toán số 40 ra ngày 03-10-2019