Xác định đúng mục tiêu, bản chất của kiểm toán công nghệ thông tin

Kiểm toán công nghệ thông tin (CNTT) là nhiệm vụ khó nhưng không thể vì khó mà không làm. Kiểm toán nhà nước (KTNN) chuyên ngành VII phải xác định đúng mục tiêu, bản chất của kiểm toán CNTT trong giai đoạn hiện nay để tổ chức thực hiện tốt...

3.jpg
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Huy Thành

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung đã đặt ra yêu cầu trên đối với KTNN chuyên ngành VII tại Hội nghị tổng kết công tác Đảng, tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2023 diễn ra vào chiều 07/12.

Tham dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc cùng tập thể lãnh đạo, công chức KTNN chuyên ngành VII.

anh-sau.jpg
Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VII Lê Thế Sáu trình bày Báo cáo tổng kết công tác năm 2022 và chương trình công tác năm 2023 của KTNN chuyên ngành VII. Ảnh: Huy Thành

Theo báo cáo tổng kết công tác năm 2022 và chương trình công tác năm 2023 của KTNN chuyên ngành VII do Phó Kiểm toán trưởng Lê Thế Sáu trình bày, đến ngày 30/11, KTNN chuyên ngành VII đã hoàn thành 10/10 cuộc kiểm toán, đảm bảo 100% về tiến độ, thời gian, nội dung, phạm vi, trọng tâm kiểm toán theo quy định.

Qua kiểm toán, KTNN chuyên ngành VII đã có nhiều phát hiện nổi bật, kiến nghị xử lý tài chính và đưa ra nhiều kiến nghị khác liên quan đến công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2021.

Đáng lưu ý, KTNN chuyên ngành VII đã kiến nghị các cơ quan có liên quan xem xét nghiên cứu và sửa đổi bổ sung đối với 2 Nghị định, 3 Thông tư  và 21 quy định, quy chế quản lý nội bộ của đơn vị được kiểm toán.

Năm 2022, qua kiểm toán, KTNN chuyên ngành VII đã kiến nghị sửa đổi chính sách quản lý thị trường vàng tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 1623/2012/QĐ-NHNN nhằm đảm bảo tính cạnh trạnh, công bằng giữa các thương hiệu vàng; kiến nghị sửa đổi Nghị định số 146/2018/NĐ-CP để khắc phục vướng mắc trong quy định đối tượng đóng bảo hiểm y tế và việc thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh…

Cũng trong năm 2022, KTNN chuyên ngành VII đã kiểm toán lồng ghép Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại cuộc kiểm toán Báo cáo tài chính của Ngân hàng nhà nước Việt Nam. Qua đó, Đoàn kiểm toán đánh giá việc thực hiện gói cho vay hỗ trợ lãi suất 2% bằng nguồn ngân sách nhà nước gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Công tác phối hợp giữa KTNN chuyên ngành VII với các đơn vị trong và ngoài Ngành năm 2022 không ngừng được cải thiện.

Trong năm, KTNN chuyên ngành VII đã tham mưu cho Ban Cán sự Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước tham gia ý kiến một cách chất lượng, có chiều sâu và kịp thời đối với nhiều vấn đề trọng yếu trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, được Quốc hội và Chính phủ đặc biệt quan tâm.

KTNN chuyên ngành VII đã phối hợp và cung cấp kịp thời hồ sơ cho Đoàn kiểm tra số 4 - Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Năm 2022, KTNN chuyên ngành VII đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Tin học trong việc cung cấp hồ sơ của các đoàn kiểm toán để số hóa dữ liệu hồ sơ kiểm toán, đáp ứng việc quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu; tự tổ chức số hóa đối với các hồ sơ kiểm tra kiến nghị năm 2022; tham gia Tổ công tác CNTT để xây dựng phần mềm dữ liệu phục vụ lập KHKT năm của KTNN; tham gia thẩm định/thẩm tra quyết toán các gói thầu/dự án CNTT khác nhau của KTNN.

Đơn vị cũng đã đi đầu trong toàn Ngành về ứng dụng CNTT trong công tác lập kế hoạch kiểm toán và thực hiện kiểm toán, bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực.

cac-dai-bieu-tham-du.jpg
Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: Huy Thành

Phát huy những kết quả đạt được, năm 2023, KTNN chuyên ngành VII sẽ đẩy mạnh phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu; cải cách hành chính và tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ CNTT vào hoạt động kiểm toán để giảm thời gian và nâng cao chất lượng hiệu quả kiểm toán; quyết tâm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được Tổng Kiểm toán nhà nước giao, góp phần hoàn thành mục tiêu chung của KTNN.

Để thực hiện mục tiêu trên, KTNN đề ra một số giải pháp: Bám sát và triển khai có hiệu quả các chỉ thị, hướng dẫn của KTNN liên quan đến công tác thực hiện kiểm toán năm 2023. Xây dựng Kế hoạch kiểm toán đối với tất cả các cuộc kiểm toán đảm bảo  trọng tâm, trọng yếu và mục tiêu kiểm toán theo đúng hướng dẫn của KTNN.

Tiếp tục đổi mới phương pháp khảo sát kiểm toán để rút ngắn thời gian thực hiện khảo sát tại đơn vị. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, điều hành và hoạt động kiểm toán...

chi-dung-2.png
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung đặt ra cho KTNN chuyên ngành VII một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2023. Ảnh: Huy Thành

 Theo báo cáo tổng kết công tác Đảng năm 2022, Đảng ủy bộ phận KTNN chuyên ngành VII đã lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị hoàn thành toàn diện, xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Kỷ luật, kỷ cương được giữ vững, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng được tăng cường; vai trò vị trí của tổ chức đảng và đảng viên được thể hiện rõ nét trong từng hoạt động của đơn vị và các tổ chức đoàn thể.

Chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được của KTNN chuyên ngành VII trong năm 2022.

Năm 2023, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung yêu cầu KTNN chuyên ngành VII tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, nêu cao tính gương mẫu của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt trong chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Ban Chấp hành Đảng bộ KTNN chuyên ngành VII và lãnh đạo đơn vị bàn bạc thống nhất, xây dựng kế hoạch công tác một cách đồng bộ, tạo sự chủ động cho công chức, kiểm toán viên trong thực hiện nhiệm vụ.

Đảng bộ cần làm tốt công tác tư tưởng để đảng viên, công chức, kiểm toán viên nhận thức rõ về các yêu cầu trong tình hình mới của Ngành và đơn vị, từ đó xác định rõ trách nhiệm cụ thể từng cấp, từng cá nhân. Quan tâm phát triển đảng viên và phát triển năng lực cho đội ngũ công chức, kiểm toán viên.

Đặc biệt, về hoạt động chuyên môn, đối với một số nội dung kiểm toán liên quan đến chủ đề, chuyên đề mà Quốc hội yêu cầu KTNN như: Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, công tác mua sắm sử dụng phần mềm CNTT,  Quỹ Bảo hiểm xã hội, KTNN chuyên ngành VII phải có báo cáo đảm bảo chất lượng, đúng thời hạn.

Trong tổ chức thực hiện kiểm toán, KTNN chuyên ngành VII cần xây dựng nội dung trọng tâm, trọng điểm của từng cuộc kiểm toán.

Với lĩnh vực kiểm toán CNTT, ngoài nội dung nhấn mạnh nêu trên, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung còn yêu cầu KTNN chuyên ngành VII cần đưa ra các đề bài về ứng dụng CNTT để Trung tâm Tin học có giải pháp hỗ trợ. Đồng thời, đơn vị cần có giải pháp để góp phần lan tỏa việc ứng dụng CNTT trong toàn Ngành.

Ngoài ra, KTNN chuyên ngành VII cần lưu ý tới công tác bố trí kiểm toán viên; rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của đơn vị; làm tốt hơn công tác phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Ngành.

cuong-2.jpg
Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VII Vũ Văn Cường tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung. Ảnh: Huy Thành

Thay mặt lãnh đạo đơn vị, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VII Vũ Văn Cường trân trọng tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung, đồng thời khẳng định tập thể đơn vị sẽ đoàn kết, nỗ lực phấn đấu với quyết tâm cao để hoàn thành toàn diện kế hoạch công tác năm 2023./.

Cùng chuyên mục
Xác định đúng mục tiêu, bản chất của kiểm toán công nghệ thông tin