Đổi mới hoạt động kiểm soát để tăng cường phát hiện, phòng ngừa rủi ro trong hoạt động kiểm toán

Thực hiện yêu cầu của lãnh đạo Kiểm toán nhà nước (KTNN), công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán (KSCLKT) - với vai trò là công cụ để kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn, phòng ngừa rủi ro, sai sót trong hoạt động kiểm toán tiếp tục được chú trọng. Là người từng có nhiều năm gắn bó với lĩnh vực kiểm soát, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VII Ngô Minh Kiểm đã có chia sẻ với Báo Kiểm toán về những yêu cầu đổi mới hoạt động KSCLKT, cũng như kinh nghiệm thực hiện công tác này tại đơn vị.

a-kiem.jpg
Kiểm toán trưởng Ngô Minh Kiểm phát biểu tại một cuộc họp của Ngành. Ảnh: N.LỘC

Thưa ông, xin ông có thể cho biết rõ hơn về yêu cầu phải thực hiện KSCLKT?

Luật KTNN hiện hành quy định “KTNN có chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công”. Như vậy hoạt động của KTNN cung cấp cho Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan nhà nước và các bên có liên quan những căn cứ đáng tin cậy để đưa ra quyết định quản lý và điều hành NSNN và các hoạt động trong nền kinh tế. Để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, KTNN phải bảo đảm kết quả kiểm toán tin cậy và chất lượng kiểm toán có ý nghĩa quyết định trong việc khẳng định uy tín, hiệu lực, hiệu qủa hoạt động KTNN. Do đó, vai trò, ý nghĩa của công tác KSCLKT là rất lớn.

Đặc biệt, trong bối cảnh KTNN đã và đang thực hiện nhiều nhiệm vụ kiểm toán quan trọng, với nhiều loại hình, nội dung kiểm toán mới và khó đòi hỏi hoạt động KSCLKT cần được đổi mới liên tục để nâng cao chất lượng của báo cáo kiểm toán và phát huy vai trò Kiểm toán trưởng.

Mục tiêu là nhằm đảm bảo việc tuân thủ pháp luật và các quy định của KTNN một cách thống nhất trong quá trình tổ chức, thực hiện các cuộc kiểm toán do đơn vị chủ trì thực hiện; phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm, hạn chế trong tổ chức, thực hiện các cuộc kiểm toán; đảm bảo chất lượng báo cáo kiểm toán và chất lượng, hiệu quả, hiệu lực hoạt động kiểm toán của đơn vị. Ngoài ra công tác KSCLKT còn giúp quản lý chặt chẽ các thành viên tham gia hoạt động kiểm toán, bảo đảm tuân thủ đạo đức công vụ.

Thực tế công tác KSCLKT tại KTNN khu vực hiện nay và những đổi mới trong công tác này được đơn vị tổ chức thực hiện ra sao, thưa ông?

Trong những năm qua, thực hiện Quy chế KSCLKT của KTNN theo quy định tại Quyết định số 558/QĐ-KTNN ngày 22/3/2016 (nay là Quyết định 1694/QĐ-KTNN ngày 27/11/2020), hoạt động KSCLKT tại KTNN khu vực VII được duy trì ở các giai đoạn kiểm toán. Đặc biệt, nhận thức được vai trò quan trọng của hoạt động KSCLKT, thời gian qua công tác này tại KTNN khu vực VII đã được triển khai thực hiện nghiêm túc, bài bản. Đặc biệt, qua thực tiễn triển khai, đơn vị đã đúc rút bài học kinh nghiệm để từ đó từng bước đổi mới hoạt động KSCLKT của Kiểm toán trưởng, với một số điểm mới đáng chú ý.

kiemtoandonvi.jpg
Hoạt động KSCLKT đóng vai trò quan trọng, giúp ngăn ngừa sai sót và nâng cao chất lượng kiểm toán. Ảnh tư liệu

Thứ nhất, kế hoạch KSCLKT các đoàn kiểm toán đã được xây dựng ngay từ đầu năm, tổ trưởng các tổ KSCLKT là các đồng chí phó kiểm toán trưởng cùng với các thành viên tham gia tổ kiểm soát chất lượng là những kiểm toán viên dày dạn kinh nghiệm trong hoạt động kiểm toán và hoạt động kiểm soát chất lượng; số lượng thành viên tham gia tổ KSCLKT không ngừng được bổ sung qua các năm.

Thứ hai, Kiểm toán trưởng tổ chức hoạt động KSCLKT các đoàn kiểm toán theo hình thức kết hợp giữa kiểm soát trực tiếp và kiểm soát đột xuất trên cơ sở rà soát, theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện kiểm toán của các tổ kiểm toán, đoàn kiểm toán, thông qua việc kiểm soát trực tiếp và đột xuất đã giúp Kiểm toán trưởng có những ý kiến chỉ đạo kịp thời đối với các đoàn kiểm toán, tổ kiểm toán trong việc rà soát nội dung thực hiện kiểm toán, đánh giá; cũng như thu thập các bằng chứng kiểm toán cho các đánh giá, kết luận kiểm toán; đồng thời giúp cho kiểm toán viên đảm bảo thực hiện đúng theo quy trình kiểm toán và đạo đức nghề nghiệp.

Thứ ba, tăng cường kiểm tra hồ sơ kiểm toán, bằng chứng kiểm toán ngay trong quá trình kiểm toán và hồ sơ đưa vào lưu trữ theo quy định. Theo đó, ngay sau khi kết thúc thời gian kiểm toán theo kế hoạch kiểm toán được duyệt, các tổ kiểm toán phải gửi hồ sơ kiểm toán về cho tổ kiểm soát thực hiện kiểm soát theo quy định; tổ KSCLKT tiếp tục thực hiện kiểm soát hồ sơ kiểm toán của đoàn kiểm toán cho đến khi trình phát hành báo cáo kiểm toán, đây là hoạt động kiểm tra, đánh giá việc tuân thủ các chính sách, chế độ kiểm toán, nhằm nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán.

Thứ tư, đổi mới phương pháp kiểm soát, thực hiện kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm: Tập trung vào kiểm soát tuân thủ, quy trình, quy chế, hồ sơ mẫu biểu; Phát hiện các trường hợp kiểm toán viên bỏ sót kết quả kiểm toán; kiểm soát việc thu thập bằng chứng kiểm toán đầy đủ, thích hợp; chú trọng kiểm soát các vấn đề nhạy cảm (đầu tư, đối chiếu thuế,...).

Thứ năm, phối hợp chặt chẽ với tỉnh ủy, HĐND, UBND trong việc giám sát, quản lý hoạt động kiểm toán; thiết lập đường dây nóng để đơn vị có thể thông tin phản ánh kịp thời các hành vi nhũng nhiễu, vi phạm quy chế kiểm toán của các kiểm toán viên tại các đoàn kiểm toán để chấn chỉnh, xử lý kịp thời.

Ông có thể cho biết những kết quả nổi bật từ việc đổi mới công tác KSCLKT của đơn vị thời gian qua?

Thông qua những đổi mới trong kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán của Kiểm toán trưởng tại KTNN khu vực VII đã mang lại nhiều hiệu quả.

Thứ nhất, việc tổ chức xây dựng kế hoạch KSCLKT ngay từ đầu năm, trong đó cụ thể thành viên tổ kiểm soát, tổ trưởng tổ kiểm soát và được lấy ý kiến trong cơ quan trước khi ban hành thực hiện, qua đó tạo được sự đồng thuận cao trong lãnh đạo cũng như trong toàn thể cơ quan; đồng thời đảm bảo sự chủ động trong việc kiểm soát từ các giai đoạn kiểm toán, từng bước nâng cao chất lượng kiểm toán.

Thứ hai, việc tổ chức thực hiện kết hợp kiểm soát trực tiếp và kiểm soát đột xuất đã góp phần hạn chế những sai sót, kịp thời khắc phục những tồn tại trong hoạt động kiểm toán của đoàn kiểm toán, tổ kiểm toán, từ đó góp phần nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán.

Thứ ba, việc tăng cường kiểm tra hồ sơ kiểm toán của đoàn kiểm toán, tổ kiểm toán sau khi phát hành báo cáo kiểm toán cũng có ý nghĩa lớn, giúp các đoàn kiểm toán rà soát, đánh giá bằng chứng theo kết quả kiểm toán và những thay đổi kết quả trong quá trình lập, thẩm định và phát hành báo cáo kiểm toán để đưa hồ sơ vào lưu trữ theo quy định.

Qua những đổi mới hoạt động KSCLKT của Kiểm toán trưởng đã mang lại nhiều hiệu quả, đảm bảo mục tiêu nhằm đảm bảo việc tuân thủ pháp luật và các quy định của KTNN một cách thống nhất trong quá trình tổ chức, thực hiện các cuộc kiểm toán do đơn vị chủ trì thực hiện, kỷ cương được giữ vững; phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm, hạn chế trong tổ chức, thực hiện các cuộc kiểm toán; đảm bảo chất lượng báo cáo kiểm toán và chất lượng, hiệu quả, hiệu lực hoạt động kiểm toán; tăng cường các phát hiện kiểm toán; hạn chế các trường hợp khiếu nại từ phía đơn vị được kiểm toán.

Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác KSCLKT được xác định là một trong những giải pháp quan trọng đang được KTNN khu vực VII và các đơn vị liên quan trong toàn Ngành chú trọng thực hiện, từ đó đáp nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán, đặc biệt là tuyệt đối không để xảy ra sai sót trong hoạt động kiểm toán, trong bối cảnh yêu cầu đặt ra cho hoạt động kiểm toán ngày càng cao.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Cùng chuyên mục
Đổi mới hoạt động kiểm soát để tăng cường phát hiện, phòng ngừa rủi ro trong hoạt động kiểm toán