Xác định giá trị DN trước cổ phần hóa: Định giá tài sản cố định còn nhiều hạn chế, sai sót

(BKTO) - Nhiều hạn chế, sai sót trong xác định giá trị tài sản cố định khi định giá DN và xử lý các vấn đề tài chính trước cổ phần hóa đã được các chuyên gia của KTNN phân tích và minh chứng bằng kết quả kiểm toán. Đồng thời, KTNN đã đưa ra những đề xuất, khuyến nghị để việc định giá tài sản cố định của DN được chính xác hơn.



Kiểm toán phát hiệnnhiều sai phạm

Theo ông Trần Khánh Hòa - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - KTNN đã phát hiện nhiều sai phạm tại các đơn vị được kiểm toán như: tập hợp thừa hoặc thiếu tài sản cố định khi tiến hành cổ phần hóa; không xác định giá trị thị trường đối với hàng hóa, vật tư công cụ và nguyên vật liệu tồn kho; xác định sai nguyên giá của tài sản cố định, đánh giá sai giá trị còn lại của tài sản, máy móc của DN.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI - cũng cho biết, trong khâu kiểm kê tài sản cố định, tình trạng kiểm kê sót tài sản hoặc phân loại tài sản để xử lý chưa đầy đủ vẫn còn.

Còn ông Lê Huy Trọng - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành V - nêu rõ: Việc kiểm kê tài sản là hiện vật của DN còn hình thức, chưa nêu rõ hiện trạng, tình trạng của tài sản dẫn đến tổ chức tư vấn định giá chưa chính xác giá trị tài sản. Thậm chí có trường hợp không kiểm kê thực tế dẫn đến sót tài sản, nhất là các tài sản đã phân bổ hết giá trị và khấu hao hết nguyên giá nhưng vẫn còn sử dụng được.

Trong khi đó, theo bà Lăng Trịnh Mai Hương - Phó Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán: “Giá trị các DN cổ phần hóa thường rất lớn, khó xác định, trong khi sự sai sót về giá trị có ảnh hưởng trọng yếu đến nguồn thu và tài sản của Nhà nước, làm suy giảm lòng tin của xã hội vào sự minh bạch tài chính quốc gia và sự lãnh đạo, điều hành của một số cơ quan nhà nước”.

Cũng qua thực tế kiểm toán, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, việc định giá tài sản là nhà cửa, vật kiến trúc của DN thường không tuân thủ quy định ưu tiên áp dụng đơn giá xây dựng cơ bản, suất đầu tư xây dựng cơ bản tại thời điểm gần nhất với thời điểm định giá nên giá trị tài sản được xác định thường bị thấp hơn quy định.

Kết quả kiểm toán cũng cho thấy, còn một số tài sản chưa được định giá hoặc đã định giá nhưng chưa đủ cơ sở để xác nhận giá trị. Có tài sản cố định chưa thu hồi đủ vốn nhưng tổ chức tư vấn định giá xác định giá trị còn lại thấp hơn 30% so với chất lượng của tài sản cùng loại đầu tư xây dựng mới. Một số loại tài sản cố định được xác định theo nguyên giá tài sản ghi sổ kế toán “do không có tài sản mới hoặc tương đương để so sánh theo Thông tư 127/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính” nhưng không có tài liệu xác định là không có tài sản mới hoặc tương đương để được áp dụng quy định này.

Cần củng cố hành langpháp lý

Ông Lưu Trường Kháng - Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành V - chỉ ra rằng, một trong những bất cập lớn nhất khi xác định giá trị tài sản là chưa có quy định yêu cầu phải xác định giá trị thị trường của tài sản tương đương và tỷ lệ còn lại của tài sản để so sánh với giá trị thị trường và tỷ lệ còn lại do tổ chức tư vấn định giá đưa ra.

Vì thế, có trường hợp giá trị tính vào giá trị DN cổ phần hóa bị đánh giá thấp hơn so với giá trị thị trường của tài sản. Có tổ chức tư vấn định giá đã vận dụng phương pháp nội suy để định giá một số loại tài sản chưa có hướng dẫn cụ thể, như vườn cây, khu du lịch sinh thái, nhà xưởng cao tầng, kho chứa...

"Vấn đề đặt ra là cần hoàn thiện các văn bản pháp lý theo hướng tăng cường năng lực tổ chức định giá, minh bạch thông tin; kiểm soát chặt chẽ khâu thẩm định, phê duyệt kết quả định giá. Bên cạnh đó, cần rà soát hoàn chỉnh hướng dẫn để có cơ sở pháp lý cho hoạt động định giá DN" - Kiểm toán trưởng KTNN khu vực IV Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.

Còn ông Phạm Thanh Sơn - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VII - đề xuất: Cần có chế tài xử lý các vi phạm trong lĩnh vực thẩm định giá của tổ chức thẩm định, thẩm định viên.

Song song với kiến nghị nâng cao trình độ cán bộ thẩm định, nhiều ý kiến cho rằng, cần siết chặt công tác quản lý, ban hành tiêu chí xếp hạng các tổ chức định giá để DN có thể dễ dàng lựa chọn tổ chức có uy tín, đảm bảo chất lượng; kiên quyết loại bỏ các tổ chức định giá yếu kém, thắt chặt việc lựa chọn các tổ chức định giá đủ điều kiện. Đồng thời, cần bổ sung quy định tổ chức định giá tham gia cùng quá trình kiểm kê tài sản của DN; bổ sung quy định hội đồng kiểm kê của DN phải đưa ra giá trị thị trường tài sản tương đương và tỷ lệ còn lại của tài sản để so sánh với kết quả định giá của tổ chức định giá.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến nghị, tổ chức định giá trong nước cần tăng cường năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, kết hợp với tổ chức định giá nước ngoài để nâng cao trình độ nhằm tham gia định giá các DN phức tạp, khó định giá.

HỒNG THOAN
Theo Báo Kiểm toán số 46 ra ngày 15/11/2017
Cùng chuyên mục
Xác định giá trị DN trước cổ phần hóa: Định giá tài sản cố định còn nhiều hạn chế, sai sót