Chấp hành chưa nghiêm kỷ luật, kỷ cương tài chính
Báo cáo quyết toán NSNN năm 2021, tại phiên họp sáng 12/5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2021, các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã nghiêm túc thực hiện các giải pháp; thực hiện chi ngân sách bám sát mục tiêu, dự toán được giao; rà soát, cắt giảm mạnh các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai, tập trung nguồn lực chi cho phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng nhìn nhận, trong thực hiện, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp; việc tổ chức triển khai thực hiện một số chính sách đảm bảo an sinh xã hội còn chậm; số chuyển nguồn kinh phí sang năm sau còn lớn; một số Bộ, ngành, địa phương chấp hành chưa nghiêm kỷ luật, kỷ cương tài chính nhà nước trong quản lý, sử dụng ngân sách, thực hiện quyết toán ngân sách và gửi về Bộ Tài chính thẩm định, tổng hợp còn chậm và chưa đúng quy định.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng chỉ rõ, kỷ luật, kỷ cương trong lập, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN năm 2021 chưa nghiêm.
Trong đó, nhiều tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm, việc chậm quyết toán NSNN đã nêu trong các nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH chưa được khắc phục.
Tình trạng điều chỉnh thông tin, số liệu quyết toán sau thời gian chỉnh lý, tổng hợp quyết toán NSNN không phù hợp theo quy định Luật NSNN cũng chậm được khắc phục.
“Thông tin, số liệu quyết toán thu, chi, bội chi NSNN năm 2021 nêu tại Báo cáo quyết toán thay đổi khá lớn so với số liệu Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện NSNN năm 2021, trong đó có các khoản tăng thu ngân sách trung ương rất lớn chưa báo cáo UBTVQH xem xét phương án sử dụng trong năm 2022” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà nhấn mạnh.
Cũng theo cơ quan thẩm tra, việc theo dõi, tổng hợp, hạch toán thông tin, số liệu đánh giá, quyết toán thu, chi NSNN không sát, điều chỉnh nhiều thông tin, số liệu sau thời gian chỉnh lý quyết toán, thậm chí tiếp tục điều chỉnh sau thời gian tổng hợp báo cáo quyết toán ảnh hưởng rất lớn trong dự báo, lập, đánh giá dự toán NSNN, huy động nguồn vốn bù đắp bội chi, trả nợ gốc lãi trong năm và các năm sau và công tác thẩm tra quyết toán NSNN.
Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, quyết toán chi NSNN (bao gồm cả số chi chuyển nguồn) rất thấp là do công tác lập dự toán chi không sát, giải ngân đầu tư công thấp, chậm tổ chức triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
“Việc hủy bỏ dự toán, chuyển nguồn lớn, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách kinh tế, chính sách an sinh xã hội của Nhà nước” - Báo cáo thẩm tra chỉ rõ.
Không phê chuẩn quyết toán các khoản thu, chi không đúng quy định
Để khắc phục tồn tại, hạn chế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, các Bộ, ngành, địa phương rút kinh nghiệm trong việc lập, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN năm 2021.
Đồng thời làm rõ trách nhiệm đối với các Bộ, ngành, địa phương chậm lập, gửi báo cáo quyết toán NSNN năm 2021, quyết toán các khoản thu, chi NSNN còn nhiều sai sót, hạch toán không đầy đủ… ảnh hưởng đến công tác thẩm định, thẩm tra, tổng hợp quyết toán NSNN năm 2021; xác định lộ trình xử lý dứt điểm các tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm.
Đáng chú ý, để tăng cường kỷ luật, kỷ cương quản lý, sử dụng NSNN và tăng cường việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị UBTVQH báo cáo Quốc hội, từ quyết toán NSNN niên độ năm 2022, Quốc hội không phê chuẩn quyết toán các khoản thu, chi NSNN trong niên độ đã phát hiện không đúng quy định; các khoản chi phải hủy nguồn, thu hồi về NSNN trong niên độ và các năm trước nhưng chưa thực hiện thu hồi và các kết luận, kiến nghị KTNN yêu cầu xử lý tài chính trong niên độ quyết toán NSNN (bao gồm cả các trường hợp HĐND các cấp đã phê chuẩn quyết toán).
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chỉ rõ, câu chuyện thực hiện kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách từ khâu lập, thi hành dự toán, đến quyết toán còn chậm, thiếu chính xác, phải điều chỉnh là những vấn đề đã cũ. “Tại sao những tồn tại, hạn chế được nhận diện, kéo dài nhiều năm nhưng chưa được xử lý triệt để?” - ông Thanh đặt câu hỏi.
Liên quan đến nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng chỉ rõ, qua báo cáo KTNN, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách và ý kiến của UBTVQH cho thấy còn nhiều bất cập trong quản lý, điều hành, sử dụng ngân sách kéo dài nhiều năm chưa được khắc phục. Do đó, đề nghị Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt để xử lý.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu các báo cáo cần làm rõ, nêu rõ địa chỉ cụ thể, kiến nghị kịp thời để giải quyết các vấn đề đã nêu như việc sửa đổi các văn bản pháp luật, rõ trách nhiệm người đứng đầu, các vấn đề về chỉ đạo việc thực hiện các kết luận của kiểm toán./.