Nghị quyết của Chính phủ về thuế giá trị gia tăng, uỷ quyền giá đất

(BKTO) - Chính phủ vừa ban hành 2 Nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) và việc uỷ quyền quyết định giá đất cụ thể.

2.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 72/NQ-CP về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế GTGT.

Cụ thể, Chính phủ quyết nghị thông qua dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế GTGT như đề nghị của Bộ Tài chính. Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết theo đúng quy định; chịu trách nhiệm về các nội dung, số liệu báo cáo, đề xuất.

Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tài chính, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, ký Tờ trình báo cáo Quốc hội về dự thảo Nghị quyết nêu trên theo quy định, bảo đảm tiến độ, chất lượng; chủ động báo cáo, giải trình với Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội theo quy định.

Theo dự thảo Nghị quyết, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% đến hết ngày 31/12/2023.

Việc giảm thuế GTGT cho từng loại hàng hóa, dịch vụ quy định nêu trên được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại.

Về mức giảm thuế GTGT, cơ sở kinh doanh được áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 8% đối với hàng hóa, dịch vụ quy định nêu trên.

Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT.

Theo Bộ Tài chính, để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, đồng thời cân nhắc, tính toán phù hợp với điều kiện thực tế, ngoài các giải pháp đã và đang được triển khai thực hiện cho năm 2023 (gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; giảm tiền thuê đất; giảm thuế BVMT đối với các mặt hàng xăng, dầu), việc tiếp tục thực hiện giảm thuế GTGT như đã áp dụng năm 2022 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân là cần thiết.

Dự kiến số giảm thu NSNN khoảng 5,8 nghìn tỷ/tháng, nếu áp dụng trong 06 tháng cuối năm thì tương đương khoảng 35 nghìn tỷ đồng.

Việc giảm thuế GTGT sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2023.

Đối với người dân, đây là đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này, việc giảm thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 10% sẽ góp phần giảm giá bán, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế GTGT thuế suất 10% sẽ được hưởng lợi khi chính sách được ban hành. Việc giảm thuế GTGT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh.

1.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: VGP

UBND tỉnh ủy quyền cho UBND huyện quyết định giá đất cụ thể

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 73/NQ-CP về việc uỷ quyền quyết định giá đất cụ thể.

Nghị quyết nêu rõ: UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị và tình hình thực tế của địa phương thực hiện uỷ quyền cho Uỷ ban nhân dân cấp huyện:

Quyết định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất; thu tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư; tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân; xác định giá đất đối với diện tích vượt hạn mức khi nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở cho hộ gia đình, cá nhân; xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân.

Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định giá đất, thành viên Hội đồng bao gồm: Chủ tịch UBND cấp huyện làm chủ tịch hội đồng và lãnh đạo cơ quan tài chính cấp huyện làm thường trực Hội đồng; lãnh đạo cơ quan tài nguyên và môi trường, các cơ quan chuyên môn cấp huyện có liên quan và lãnh đạo UBND cấp xã nơi có đất; tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất hoặc chuyên gia về giá đất và các thành viên khác do UBND cấp huyện quyết định. Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện giúp UBND cấp huyện trong việc tổ chức xác định giá đất.

Nghị quyết cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải bảo đảm điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và điều kiện cần thiết khác để Uỷ ban nhân dân cấp huyện thực hiện việc quyết định giá đất cụ thể được uỷ quyền theo quy định trên; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã uỷ quyền và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình uỷ quyền; tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và lợi dụng chính sách để trục lợi cá nhân.

Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành (6/5/2023) và thực hiện đến khi Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua thay thế Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành./.

Cùng chuyên mục
Nghị quyết của Chính phủ về thuế giá trị gia tăng, uỷ quyền giá đất