
Tài chính toàn diện giúp mọi người dân và doanh nghiệp tiếp cận được những nguồn lực và các dịch vụ tài chính cần thiết cho phát triển, góp phần nâng cao mức sống, thúc đẩy tiết kiệm và đầu tư, từ đó mang lại lợi ích to lớn, tích cực cho xã hội và nền kinh tế, như thúc đẩy tăng trưởng, giảm bất bình đẳng, ổn định tài chính, thúc đẩy phát triển bền vững, đóng góp quan trọng vào việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
Mục tiêu quan trọng của các quốc gia
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tài chính toàn diện có nghĩa là các cá nhân và doanh nghiệp có thể tiếp cận và sử dụng các sản phẩm và dịch vụ tài chính (các giao dịch, thanh toán, tiết kiệm, tín dụng, bảo hiểm) đáp ứng nhu cầu với chi phí hợp lý, được cung cấp có trách nhiệm và bền vững. Còn theo Liên minh Tài chính Toàn diện (AFI), tài chính toàn diện là việc cung cấp cho người sử dụng các dịch vụ tài chính sẵn có với mức chi phí hợp lý, làm cho khách hàng sử dụng các dịch vụ tài chính một cách thường xuyên, đưa ra những dịch vụ tài chính được thiết kế phù hợp với nhu cầu của người sử dụng.
Thực tế cho thấy, tài chính toàn diện giúp cải thiện an sinh xã hội, đặc biệt với người nghèo và các đối tượng dễ bị tổn thương trong nền kinh tế. Việc gia tăng các hình thức tiếp cận các đối tượng này với nhiều dịch vụ tài chính như thanh toán, tiết kiệm, bảo hiểm, tín dụng… là giải pháp hỗ trợ người dân kiểm soát tài chính tốt hơn, mang lại mức sống cao hơn, từ đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Hơn thế, tài chính toàn diện cũng thúc đẩy tiết kiệm và đầu tư, tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn. Bởi vậy, việc thúc đẩy tài chính toàn diện là mục tiêu quan trọng với tất cả các quốc gia.
Đơn cử, Mỹ là một trong những mô hình tiêu biểu về tài chính toàn diện trên thế giới. Quốc gia này đã xây dựng một hệ thống tài chính đa dạng và linh hoạt, bao gồm các ngân hàng truyền thống, công ty tài chính, thị trường tài chính và thị trường vốn. Một trong những yếu tố quan trọng đằng sau sự phát triển mạnh mẽ của tài chính toàn diện tại Mỹ là sự đổi mới trong công nghệ tài chính với việc áp dụng rộng rãi internet, di động và Blockchain. Chính sách tài chính linh hoạt và mở cửa của Mỹ đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các công ty tài chính và thị trường tài chính. Đáng nói, nước này cũng đặt sự quan tâm vào việc quản lý rủi ro và bảo vệ người tiêu dùng. Cục Bảo vệ người tiêu dùng tài chính sẽ thiết lập các quy tắc, giám sát các công ty và thực thi pháp luật nhằm loại bỏ các hành vi gian lận, lừa đảo và lạm dụng…
Hay tại Singapore, Chính phủ nước này đã thành lập Quỹ Công nghệ và Khởi nghiệp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp; triển khai chương trình Sandbox - cho phép các doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới mà không phải tuân thủ ngay các quy định hiện hành; thúc đẩy hợp tác công - tư trong phát triển công nghệ tài chính. Singapore cũng là một trong những quốc gia thành viên của APEC, ASEAN - những tổ chức quốc tế quan trọng thúc đẩy hợp tác tài chính toàn cầu. Các ưu đãi thuế và quy định mở cửa đã thu hút nhiều công ty tài chính quốc tế đến đặt trụ sở tại Singapore, biến quốc gia này thành một trung tâm tài chính toàn cầu…
Lồng ghép vào các chương trình, kế hoạch phát triển
Tại Việt Nam, xác định rõ tầm quan trọng của tài chính toàn diện đối với sự phát triển bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Kết quả triển khai Chiến lược này 5 năm qua cho thấy, khung khổ pháp lý không ngừng được hoàn thiện với 8 luật, 11 nghị định và 10 quyết định được ban hành. Mạng lưới các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính tiếp tục được phát triển đa dạng, bao phủ rộng khắp trên cả nước với tỷ lệ hơn 15 chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng/100.000 dân, hơn 32% xã, thị trấn có điểm cung ứng dịch vụ tài chính; đặc biệt hướng tới địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn. Các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản, hướng đến những đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện được cải thiện tích cực; giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng hơn 34%, trong đó nhiều khu vực công thanh toán trực tuyến, không dùng tiền mặt đạt 100%. Cơ sở hạ tầng tài chính tiếp tục được hoàn thiện và tăng hiệu quả sử dụng, nhất là hạ tầng công nghệ thông tin, dữ liệu khách hàng…
Tuy nhiên, hiện nay, tình hình thế giới diễn biến nhanh chóng, khó lường, xu hướng phát triển dựa vào khoa học, công nghệ ngày càng rõ; mô hình quản lý, phương thức cung cấp tài chính cũng chuyển đổi; kèm theo đó, tội phạm trên không gian mạng khiến rủi ro gia tăng… Theo đó, các ý kiến đề xuất tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, thích ứng với xu thế, tình hình thế giới và phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước hiện nay; hướng tài chính vào các lĩnh vực, khu vực ưu tiên; ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, nhất là trí tuệ nhân tạo, phát triển cơ sở dữ liệu trong thực hiện tài chính toàn diện; thúc đẩy thanh toán, giao dịch không dùng tiền mặt; phát triển mạng lưới cung cấp tài chính rộng rãi hơn, tăng tiếp cận tín dụng cho các đối tượng; cùng với đó, có giải pháp phòng, chống hiệu quả tội phạm mạng…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, tài chính toàn diện cần được thực hiện thông qua nền tảng kỹ thuật số và công nghệ tài chính, trong đó có các công nghệ như Blockchain, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn. Bên cạnh các nguồn lực trong nước, cần tiếp tục huy động các nguồn lực và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, học hỏi kinh nghiệm các quốc gia đi trước, tích cực hội nhập, tham gia sâu rộng các khuôn khổ hợp tác nhằm nâng cao năng lực triển khai các sáng kiến, áp dụng các thực tiễn tốt, hỗ trợ thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Đặc biệt, Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục lồng ghép các tiêu chí về tài chính toàn diện vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương./.