Tăng trưởng xanh là mục tiêu hướng tới của Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Ảnh: dangcongsan.vn |
Hiện nay, bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi, Việt Nam đang tiếp tục đà đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, chất lượng và hiệu quả, phục hồi hiệu quả sau Covid-19.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tạo ra những cơ hội chưa từng có cho Việt Nam, song cũng đặt áp lực không nhỏ đến tất cả các khía cạnh kinh tế - xã hội cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển hướng sang kinh tế xanh và triển khai thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh để vượt qua những thách thức, đồng thời phát huy tiềm lực, tận dụng cơ hội, đưa đất nước trở thành quốc gia tăng trưởng xanh, phục hồi xanh, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới và đạt được các cam kết với cộng đồng quốc tế. Theo đó, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 cần được xây dựng phù hợp với bối cảnh mới - Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nêu rõ.
Cụ thể hóa Chiến lược tăng trưởng xanh, ông Lê Việt Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường (Bộ KH&ĐT) cho biết, Dự thảo Kế hoạch hành động được xây dựng gồm 9 chủ đề tổng thể và 10 chủ đề theo nhóm với 70 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 224 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể. Kèm theo đó là định hướng tiếp cận, huy động hiệu quả nguồn lực nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội hài hòa với môi trường, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, nâng cao năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu.
Cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam cũng được cập nhật vào Dự thảo Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh, thể hiện chủ yếu thông qua các nhóm nhiệm vụ, hoạt động về năng lượng, công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, nông nghiệp, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, huy động tài chính và đầu tư xanh. |
Việc triển khai thực hiện Kế hoạch hành động sẽ được điều phối bởi Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh nhằm đảm bảo tính hiệu quả và khả thi trong chỉ đạo, tham mưu và điều hành, hướng đến mục tiêu trọng tâm là đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng xanh, góp phần thực hiện đồng thời các mục tiêu thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và bình đẳng về xã hội.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã bày tỏ sự nhất trí cao với cách tiếp cận và nội dung Dự thảo, cũng như có nhiều ý kiến đóng góp nhằm xây dựng một Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh bao trùm, toàn diện; đồng thời thể hiện rõ quyết tâm triển khai Kế hoạch hành động khi chính thức được ban hành.
Thời gian tới, Bộ KH&ĐT sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc họp tham vấn với các bên liên quan ở miền Bắc và miền Nam để hoàn thiện dự thảo Kế hoạch hành động trình Thủ tướng Chính phủ trong quý II/2022./.