Xây dựng khung khổ pháp lý đối với tài sản số

(BKTO) - Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ người sở hữu tài sản số đứng thứ hai thế giới. Để "lấp khoảng trống” pháp lý trong lĩnh vực này, lần đầu tiên khái niệm “tài sản số” được đề xuất đưa vào Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số nhằm tạo quy định khung để Chính phủ phân loại, quản lý tài sản số phù hợp với điều kiện thực tiễn.

14a-thay.jpeg
Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ người sở hữu tài sản số đứng thứ hai thế giới. Ảnh minh họa: thanhnien.vn

Điểm nổi bật trong Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số là lần đầu tiên có khái niệm về tài sản số. Thực tế, đã có rất nhiều giao dịch liên quan tới tài sản số, nếu chúng ta chưa có khung khổ pháp lý thì giao dịch này trở nên rủi ro, mỏng manh, những người liên quan không được bảo vệ. Khi có khung khổ chính thức thì hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực này mới có thể hình thành và phát triển mạnh mẽ.

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế VCCI

14b.jpg
Xây dựng khung pháp lý về tài sản số là yêu cầu cần thiết. Ảnh minh họa

Xu hướng chung trong phát triển kinh tế số

Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số dành một mục quy định về "tài sản số". Qua thảo luận, các ý kiến nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên khái niệm tài sản số được đề cập trong văn bản pháp lý. Điều này là cần thiết vì đây là xu hướng của thế giới. Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hoàng Minh Hiếu (Đoàn ĐBQH Nghệ An) chỉ rõ, hiện nay các báo cáo nghiên cứu, thống kê cho thấy, Việt Nam đang đứng thứ hai thế giới về tỷ lệ người sở hữu tài sản số, với khoảng 20 triệu người sở hữu tài sản số và hằng năm có khoảng 120 tỷ USD tiền mã hóa được đổ vào Việt Nam. Vì vậy, nếu chúng ta không có khung khổ pháp lý cho hình thức sở hữu này thì sẽ bỏ qua một mảng rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế số.

Đại biểu Hiếu đề nghị cần có sự phân loại cụ thể tài sản số để có những phương án quản lý khác nhau. Đồng thời, Dự Luật cần có các quy định làm rõ trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ tài sản số, qua đó tăng cường việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Theo kinh nghiệm của các nước, đây là nội dung rất quan trọng. Chẳng hạn, pháp luật của Liên minh châu Âu đặt ra những quy định rất cụ thể về trách nhiệm của nhà phát hành tài sản số, như phải đăng ký hoạt động, phải cam kết chịu trách nhiệm pháp lý đối với các sản phẩm được phát hành và các nền tảng giao dịch và lưu trữ tài sản số phải được cấp phép hoạt động và phải duy trì bảo mật thông tin cũng như minh bạch trong quá trình giao dịch.

Đồng quan điểm, đại biểu Bế Trung Anh (Đoàn ĐBQH Trà Vinh) đề nghị Dự thảo Luật cần bổ sung khái niệm “tiền số” để đưa vào quản lý. “Chúng ta đã có xã hội số, có Chính phủ số và đặc biệt có kinh tế số. Muốn có kinh tế số lành mạnh thì các giao dịch kinh tế số phải dựa vào các quy định của pháp luật” - đại biểu nêu quan điểm.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị làm rõ phạm vi quy định về tài sản số, tài sản ảo và tài sản mã hóa như bitcoin vì không thể quy định quá sâu trong luật, cũng không thể “né tránh” khi rõ ràng thực tiễn đã có. "Người dân cũng sử dụng đồng bitcoin trong các giao dịch, thậm chí giao dịch quốc tế. Có thể mua đồng bitcoin ở trong nước rồi ra nước ngoài đổi ra các đồng tiền khác" - ông Thanh nêu thực tế.

Chính phủ phân loại tài sản số để quản lý

Trước những ý kiến khác nhau liên quan đến quy định tài sản số tại Dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - cơ quan thẩm tra Dự án Luật - cho biết, sau khi làm việc với các cơ quan chuyên môn, thấy rằng tài sản số là vấn đề mới, phức tạp, phát triển, thay đổi nhanh chóng. Hiện nay, trên thế giới cũng chưa có khung pháp lý quy định đầy đủ về vấn đề này và vẫn còn có quan điểm khác nhau. Do đó, cơ quan thẩm tra thống nhất quy định khung về vấn đề này; đồng thời giao Chính phủ quy định phân loại, thẩm quyền, nội dung quản lý tài sản số, cung ứng dịch vụ tài sản số phù hợp với điều kiện thực tiễn. “Các quy định về tài sản số trong Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý, không chồng chéo, mâu thuẫn với pháp luật hiện hành; không phải sửa đổi Bộ luật Dân sự, Luật Giao dịch điện tử và Luật Chứng khoán” - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ.

Làm rõ thêm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương cho biết, khoảng 6-7 năm trước, Chính phủ giao cho Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, trong đó Bộ Tư pháp xây dựng cơ sở pháp lý để quản lý tiền ảo như bitcoin, song "vẫn chưa ra". Khi xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, nhận thấy đây là vấn đề mới, quan trọng, cần hành lang, khung khổ pháp lý nên đã đề xuất đưa vào Dự thảo Luật để quy định.

Theo đó, Dự thảo Luật quy định, tài sản số là tài sản theo quy định tại Bộ luật Dân sự, được thể hiện dưới dạng dữ liệu số, được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực bởi công nghệ số trên môi trường điện tử; được pháp luật bảo hộ như quyền tài sản phù hợp với quy định pháp luật dân sự, sở hữu trí tuệ và pháp luật khác có liên quan. Dự thảo Luật cũng quy định, tài sản ảo là một loại tài sản số được giao dịch hoặc chuyển giao và có thể được dùng cho mục đích thanh toán hoặc đầu tư. Tài sản ảo không bao gồm chứng khoán, các dạng số của tiền pháp định và tài sản tài chính khác theo quy định pháp luật. Tài sản mã hóa được dự luật quy định là một loại tài sản số được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực bằng công nghệ chuỗi khối, công nghệ sổ cái phân tán hoặc công nghệ số khác tương tự.

Với sự phát triển mạnh mẽ của tài sản số, tiền số, việc xây dựng khung pháp lý là một trong những hành động nằm trong kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng chống rửa tiền, phòng chống tài trợ khủng bố và các hoạt động phi pháp khác. Các chuyên gia khẳng định, việc xây dựng khung khổ pháp lý đối với tài sản số, một mặt nhằm bảo đảm công tác quản lý nhà nước, đồng thời thúc đẩy phát triển lĩnh vực này và cũng là cách bảo vệ những chủ thể tham gia thị trường./.

Cùng chuyên mục
  • Nghiên cứu rút ngắn quy trình thẩm định dự án PPP
    19 giờ trước Pháp luật
    (BKTO) - Văn phòng Chính phủ có văn bản số 996/VPCP-CN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
  • Đẩy mạnh phân cấp, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương
    hôm qua Pháp luật
    (BKTO) - Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) đã thể chế hoá quan điểm chỉ đạo của Đảng, quy định của Hiến pháp về đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, tạo sự chủ động cho chính quyền địa phương theo nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, qua đó nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương các cấp.
  • Hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong gia nhập, rút lui khỏi thị trường
    hôm qua Pháp luật
    (BKTO) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) (Dự thảo). Góp ý cho Dự thảo này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị cơ quan soạn thảo xem xét, cân nhắc một số quy định liên quan đến việc gia nhập, rút lui khỏi thị trường theo hướng tạo thuận lợi, an toàn, minh bạch cho doanh nghiệp (DN).
  • Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật trong kỷ nguyên mới
    hôm qua Pháp luật
    (BKTO) - Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) là một trong 4 dự án luật quan trọng sẽ được trình Quốc hội thảo luận và thông qua tại Kỳ họp bất thường thứ 9, Quốc hội khoá XV. Từ góc độ Cơ quan chủ trì soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh đã chia sẻ với báo chí những điểm đáng chú ý của Dự thảo Luật này.
  • Sửa quy định thủ tục lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt
    5 ngày trước Pháp luật
    (BKTO) - Chính phủ ban hành Nghị định 17/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu.
Xây dựng khung khổ pháp lý đối với tài sản số