Đẩy mạnh phân cấp, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương

(BKTO) - Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) đã thể chế hoá quan điểm chỉ đạo của Đảng, quy định của Hiến pháp về đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, tạo sự chủ động cho chính quyền địa phương theo nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, qua đó nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương các cấp.

Chiều 12/02, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

202502121417154610_z6310523548330_abb45230ded1706aaa3f52d6792cab4b.jpg
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: VPQH

Tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương

Trình bày tóm tắt Tờ trình Dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Dự thảo Luật gồm 7 chương, 50 điều, giảm 93 điều so với Luật hiện hành, với các nội dung cơ bản về: phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa chính quyền địa phương các cấp; nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp; mô hình tổ chức chính quyền địa phương; cơ cấu tổ chức và hoạt động của HĐND, UBND các cấp; tổ chức đơn vị hành chính, thành lập, giải thể, nhập chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, thực hiện nguyên tắc “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm” và tránh quy định chồng chéo, trùng lặp nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cấp chính quyền địa phương và giữa các cơ quan của chính quyền địa phương, Dự thảo Luật quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND ở mỗi đơn vị hành chính theo hướng phân định nhiệm vụ, quyền hạn giữa HĐND và UBND; phân định nhiệm vụ, quyền hạn của tập thể UBND và cá nhân Chủ tịch UBND nơi tổ chức cấp chính quyền địa phương theo hướng tăng nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm cho cá nhân Chủ tịch UBND.

202502121411479838_z6310487985378_6169fce749551d660c77887949846309.jpg
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình Dự án Luật. Ảnh: VPQH

Về cơ cấu tổ chức và hoạt động của HĐND, UBND các cấp, nhằm bảo đảm tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND, UBND; tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, dự thảo Luật quy định nguyên tắc xác định số lượng đại biểu HĐND trên cơ sở quy mô dân số, đặc điểm vùng miền và điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa bàn; giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định số lượng đại biểu HĐND, khung số lượng đại biểu chuyên trách của HĐND, khung số lượng các Ban của HĐND; giao thẩm quyền cho HĐND quyết định thành lập các Ban và quyết định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND bảo đảm phù hợp với thực tiễn của địa phương; giao Thường trực HĐND được quyết định biện pháp để giải quyết các công việc đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; điều chỉnh dự toán, phân bổ tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách hàng năm và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất; sửa đổi, bổ sung các quy định về hoạt động của HĐND để phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Đối với UBND, Dự thảo Luật cơ bản kế thừa các quy định về cơ cấu tổ chức của UBND theo quy định của Luật hiện hành và giao Chính phủ quy định khung số lượng Phó Chủ tịch UBND các cấp, số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện; UBND ở cấp chính quyền địa phương hoạt động theo chế độ tập thể kết hợp với trách nhiệm cá nhân của Chủ tịch UBND và từng thành viên UBND; quy định rõ các nhiệm vụ của UBND phải thảo luận và quyết định tập thể; các nhiệm vụ, quyền hạn của UBND được ủy quyền cho Chủ tịch UBND thực hiện; quy định theo hướng mở rộng nhiệm vụ, thẩm quyền riêng của Chủ tịch UBND.

Bảo đảm tính đồng bộ, thông suốt trong phân cấp, ủy quyền

Thẩm tra Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết sửa đổi, phạm vi, tên gọi và bố cục của Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) với những lý do như đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa chính quyền địa phương các cấp (Chương III), cơ quan thẩm tra tán thành với việc tiếp tục hoàn thiện các quy định về phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương nhằm cụ thể hóa chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp theo tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

202502121447168600_z6310623840583_4889984f25f4e56e809f7bb961cd3d86.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra Dự án Luật. Ảnh: VPQH

Để tiếp tục hoàn thiện các quy định về nguyên tắc phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền, Ủy ban Pháp luật đề nghị tiếp tục rà soát để bảo đảm sự thống nhất giữa quy định của Dự thảo Luật với quy định có liên quan trong Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) về cách thức quy định các nguyên tắc về phân định thẩm quyền, về phân quyền, phân cấp, ủy quyền cũng như bảo đảm tính đồng bộ, thông suốt cả về chủ thể phân cấp, ủy quyền, đối tượng nhận phân cấp, ủy quyền, phương thức và điều kiện bảo đảm thực hiện.

Liên quan đến quy định về nguyên tắc hoạt động và chế độ làm việc của UBND (Điều 37), ông Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành việc tiếp tục quy định về nguyên tắc hoạt động của UBND như Luật hiện hành song cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND, từng thành viên UBND.

Một số ý kiến đề nghị, về lâu dài, cần tiếp tục nghiên cứu, đổi mới cơ chế hoạt động của UBND theo hướng là cơ quan hành chính, làm việc theo chế độ thủ trưởng để đề cao tính chủ động và trách nhiệm của Chủ tịch UBND, phù hợp với yêu cầu cải cách, đổi mới một cách mạnh mẽ tổ chức bộ máy và hoạt động của các cơ quan nhà nước, bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đơn giản hóa nền hành chính.

Cùng chuyên mục
Đẩy mạnh phân cấp, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương