Thị trường kinh doanh bảo hiểm góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh sưu tầm |
Thị trường bảo hiểm còn kém đa dạng, nhiều rủi ro
Theo đánh giá của các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực bảo hiểm, qua hơn hai năm đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam, nền kinh tế toàn cầu đã chịu những tác động tiêu cực vô cùng lớn, tốc độ tăng trưởng kinh tế của các quốc gia không chỉ bị chững lại, thậm chí nhiều quốc gia đã tăng trưởng âm. Trong bối cảnh đó, ngành bảo hiểm nhân thọ vẫn thể hiện rõ vai trò hỗ trợ người dân, đặc biệt là trong vấn đề an sinh xã hội, hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh…, cùng với các chính sách hỗ trợ khác của Nhà nước góp phần giúp người dân dần ổn định cuộc sống.
Song, theo PGS,TS. Bùi Huy Nhượng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, do nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng chưa thực sự bền vững, chất lượng tăng trưởng, năng suất và sức cạnh tranh còn thấp, cùng với đó là nhận thức của người dân và toàn xã hội về bảo hiểm còn hạn chế, thu nhập của người dân chưa cao nên nhu cầu tham gia bảo hiểm chưa được coi là nhu cầu thiết yếu.
Bên cạnh đó, thị trường bảo hiểm vẫn tồn tại nhiều bất cập, chưa thuyết phục được khách hàng. Đơn cử như sản phẩm bảo hiểm hiện nay tuy nhiều, song chưa đa dạng, đa số sản phẩm được thiết kế cố định, trọn gói, khó điều chỉnh, chia nhỏ theo nhu cầu đa dạng của bên mua bảo hiểm, chủ yếu đáp ứng nhu cầu của bộ phận người có thu nhập cao. Đó là chưa kể tới, năng lực tài chính, khả năng quản trị rủi ro, công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ của các DN bảo hiểm còn yếu, chưa được quan tâm đúng mức.
Trong khi đó, công tác thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức bảo hiểm chưa được thực hiện thường xuyên, dẫn đến khó phát hiện, chấn chỉnh kịp thời các vấn đề phát sinh, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng tham gia bảo hiểm.
Đây cũng là những vấn đề được đặt ra tại Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Vai trò của ngành bảo hiểm đối với sự ổn định xã hội và phát triển nền kinh tế” do trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp tổ chức mới đây. Trên cơ sở nhận diện những bất cập, các chuyên gia cho rằng, để thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển theo đúng tiềm năng đòi hỏi hệ thống cơ chế, chính sách về kinh doanh bảo hiểm cần được xây dựng đầy đủ, minh bạch, bình đẳng và đồng bộ; khuyến khích và hỗ trợ các DN phát triển công nghệ thông tin, đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm, bảo đảm đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức và cá nhân; đồng thời, khuyến khích các sản phẩm bảo hiểm mang tính an sinh xã hội, bảo hiểm liên kết y tế…
Cần bảo đảm an toàn thông tin cá nhân cho người mua bảo hiểm
Cùng với việc đề nghị cơ quan chức năng có những giải pháp để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển thị trường kinh doanh bảo hiểm trong nước, nhiều ý kiến cho rằng cần phát triển các DN bảo hiểm có năng lực tài chính vững mạnh, năng lực quản trị điều hành chuẩn mực, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh tích cực trên thị trường.
Đặc biệt, trước tình trạng ngành bảo hiểm đang tồn tại những lỗ hổng về bảo mật, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng, nhiều ý kiến cũng đề nghị cần siết chặt vấn đề này. Theo lãnh đạo Khoa Bảo hiểm (trường Đại học Kinh tế Quốc dân), các DN cần nâng cao các tiêu chuẩn về quản trị, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ các khâu trong quy trình nội bộ, cũng như giao dịch với khách hàng. Trong quá trình triển khai hệ thống dữ liệu điện tử, cần đặc biệt chú trọng các giải pháp bảo mật trên không gian mạng, tránh tình trạng dữ liệu của khách hàng bị lộ, lọt ra ngoài.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo hiểm cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời tiếp nhận phản ánh của khách hàng để làm rõ và xử lý thỏa đáng, đảm bảo quyền lợi chính đáng của khách hàng khi tham gia bảo hiểm.
Đây cũng là những vấn đề trọng tâm được các đại biểu Quốc hội tập trung làm rõ, khi cho ý kiến Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) hiện đang được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Theo Đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Đoàn Nghệ An), trong dự thảo Luật cần làm rõ mục tiêu của việc xây dựng cơ sở dữ liệu, cân nhắc kỹ lưỡng mục tiêu phục vụ kinh doanh bảo hiểm để đảm bảo sự an toàn thông tin cá nhân của người tham gia bảo hiểm. Đồng thời, cần làm rõ thẩm quyền truy cập cơ sở dữ liệu, đảm bảo thống nhất với quy định trong Điều 38 của Bộ luật Dân sự; bổ sung nguyên tắc các thông tin của người mua bảo hiểm phải không mang tính định danh cá nhân.
Đại biểu Tô Thị Bích Châu (Đoàn TP. HCM) cũng đề nghị: Dự thảo Luật cần có quy định về trách nhiệm của Nhà nước có chính sách bảo vệ đối với người mua bảo hiểm nhân thọ trong quan hệ với các tổ chức hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Đối với quy định tại Điều 22 của dự thảo Luật về trách nhiệm và hậu quả pháp lý do vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin, nhiều đại biểu đề nghị quy định rõ những nội dung cần thiết mà khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, DN bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác và giải thích rõ cho người mua bảo hiểm để bảo đảm tính công khai, minh bạch, chính xác thông tin trước khi giao kết hợp đồng.
NGUYỄN LỘC