Xếp hạng công ty hàng đầu ngành xây dựng, hạ tầng - công nghiệp và cơ điện

(BKTO) - Sáng 28/3, danh sách xếp hạng Top 10 Công ty xây dựng, Top 10 Nhà thầu xây dựng hạ tầng - công nghiệp và Top 10 Nhà thầu cơ điện năm 2024 đã được Vietnam Report công bố.

Theo đó, đạt vị trí quán quân của Top 10 Nhà thầu xây dựng năm 2024 là Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons. Tiếp đó là Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) và Công ty CP Đầu tư xây dựng Ricons lần lượt đứng vị trí thứ hai và thứ ba.

1.jpg

Đối với Bảng xếp hạng Top 10 Nhà thầu xây dựng hạ tầng - công nghiệp năm 2024, vị trí dẫn đầu thuộc về Tổng công ty CP Công trình Viettel. Lọt vào Top 2 và Top 3 của Bảng xếp hạng là Tổng công ty Xây dựng số 1 và Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương.

2.jpg

Trong Bảng xếp hạng Top 10 Nhà thầu cơ điện năm 2024, lần lượt các Công ty CP Dịch vụ và Kỹ thuật cơ điện REE, Công ty CP Hawee Cơ điện, Công ty CP Searefico được vinh danh Top 3 nhà thầu cơ điện hàng đầu.

3(2).jpg

Đây là kết quả nghiên cứu độc lập của Vietnam Report, được xây dựng dựa trên nguyên tắc khoa học và khách quan nhằm ghi nhận và tôn vinh những doanh nghiệp trụ cột (key player) của ngành xây dựng đã và đang nỗ lực hết sức để đạt nhiều thành tựu trong việc cung cấp sản phẩm cho khách hàng, tạo dựng được hình ảnh ấn tượng trong mắt công chúng và nhà đầu tư.

Các doanh nghiệp được vinh danh thể hiện bản lĩnh vững vàng với năng lực tài chính ổn định, sức chống chịu tốt khi phải đối mặt với khó khăn chồng chất từ sự suy giảm nguồn cung bắt đầu từ năm 2019, hệ lụy của đại dịch cho tới những bất ổn địa chính trị trên thế giới, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, biến động giá nguyên vật liệu… trong suốt 3 năm vừa qua.

Ông Vũ Đăng Vinh - Tổng Giám đốc Vietnam Report

Các doanh nghiệp được chọn lọc dựa trên cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp Việt Nam trong các nghiên cứu xếp hạng của Vietnam Report thuộc ngành xây dựng với dữ liệu tài chính cập nhật đến ngày 31/12/2023 kết hợp sử dụng phương pháp Media Coding (mã hóa dữ liệu báo chí trên truyền thông), khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan nhằm đưa ra đánh giá tổng hợp, khách quan và đầy đủ nhất về doanh nghiệp xuyên suốt giai đoạn khó khăn vừa qua.

Các doanh nghiệp xây dựng bước vào năm 2023 khi những tín hiệu kém tích cực phủ sóng trên khắp thị trường. Tăng trưởng kinh tế không như kỳ vọng, niềm tin thị trường suy yếu, bất động sản “bất động” khiến nguồn cung công việc giảm, vấn đề nợ đọng, thiếu vốn thêm nhức nhối, cơn khát tiền diễn ra trầm trọng.

Áp lực trích lập dự phòng phải thu gia tăng, lợi nhuận sụt giảm trên mức nền so sánh thấp cùng kỳ năm trước, nợ vay và chi phí lãi vay cao… là câu chuyện chung của không ít doanh nghiệp trong ngành.

Theo kết quả thống kê của Vietnam Report, hơn một nửa số doanh nghiệp niêm yết ngành xây dựng có doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm 2023 đi xuống so với năm trước. Tỷ lệ doanh nghiệp giảm sút về doanh thu và lợi nhuận trước thuế đều tăng so với kết quả thống kê cách đây một năm.

Lăng kính truyền thông cũng phản ánh rõ nét sự chững lại của thị trường xây dựng trong năm qua. Kết quả phân tích truyền thông của Vietnam Report cho thấy, bối cảnh khó khăn chung của thị trường và tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh kém khả quan đã kéo mức độ "an toàn" thông tin (tỷ lệ chênh lệch thông tin tích cực và tiêu cực trong tổng số thông tin được mã hóa) của các doanh nghiệp ngành xây dựng sụt giảm so với năm trước. Tỷ trọng tin tích cực đi xuống so với các năm trước và có những thời điểm bị áp đảo bởi tỷ trọng tin tiêu cực trên thị trường (tháng 2, tháng 5 và tháng 7 năm 2023).

Top 5 chủ đề được nhắc đến nhiều nhất trong giai đoạn từ tháng 2/2023 đến tháng 1/2024 bao gồm Tài chính/Kết quả kinh doanh (22%), Cổ phiếu (17,7%), Hình ảnh/PR/Scandal (8,3%) và Quản trị (6,1%). Đây là năm thứ hai liên tiếp chứng kiên chủ đề Tài chính/Kết quả kinh doanh chiếm tỷ trọng lượng thông tin nhiều nhất trong tổng số thông tin được mã hóa.

Theo ông Phùng Hoàng Cơ - Phó Chủ tịch HĐQT Vietnam Report, thông tin về doanh thu, lợi nhuận, lãi suất, cổ tức và các chỉ số tài chính khác, phản ánh hiệu suất và “sức khỏe” của doanh nghiệp đều là những chủ đề thu hút sự quan tâm từ cả nhà đầu tư, công chúng và thị trường tài chính, đặc biệt là trong bối cảnh chung còn nhiều khó khăn như hiện nay.

Bên cạnh đó, chủ đề Cổ phiếu cũng phủ sóng và ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ về lượng thông tin. Sự biến động của thị trường tạo nên nhiều yếu tố gây ảnh hưởng đến giá cổ phiếu và hoạt động giao dịch cùng với các sự kiện liên quan đến trái phiếu, đáo hạn trái phiếu làm tăng lượng thông tin được truyền tải tới công chúng - ông Phùng Hoàng Cơ cho biết.

Đại diện của Vietnam Report cũng chia sẻ, hai nhà thầu thu hút truyền thông nhiều nhất trong năm 2023 là Hòa Bình và Coteccons tiếp tục ghi nhận sự gia tăng mạnh về tần suất xuất hiện trên truyền thông. Độ phủ thông tin của hai nhà thầu này trên các trang báo có ảnh hưởng hiện vẫn vượt trội so với những nhà thầu còn lại. Trong khi đó, xét về mức độ an toàn thông tin, các nhà thầu Newtecons, UDIC, Centralcons và Delta là những đơn vị nổi bật với lượng tin tích cực chiếm tỷ trọng cao trong năm qua.

Theo đánh giá của các chuyên gia nghiên cứu, trong quý cuối năm 2023, tín hiệu phục hồi dù còn chậm khi doanh thu và tỷ suất lợi nhuận chưa có nhiều đột phá song đã nhen nhóm xuất hiện khi một số doanh nghiệp đã có thể dứt lỗ, báo lãi trở lại. Nhìn chung, phần lớn nhà thầu xây dựng dù đối diện với hàng loạt thách thức nhưng vẫn đang nỗ lực đẩy mạnh quá trình phục hồi.

Bất cứ chu kỳ kinh doanh nào cũng có giai đoạn chững lại và mỗi lần “sóng gió” cũng là cơ hội để kiểm chứng, làm sáng tỏ giá trị và năng lực của những doanh nghiệp đủ sức trụ vững qua “màng lọc” khắc nghiệt của thị trường./.

Cùng chuyên mục
  • Nhận diện cơ hội đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp
    7 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Theo các chuyên gia, bối cảnh vĩ mô dần tốt lên đem lại nhiều cơ hội đầu tư, kinh doanh mới cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần có chiến lược bài bản, tận dụng cơ hội từ các chính sách và quá trình cải cách môi trường kinh doanh để tăng nội lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư.
  • Cần bổ sung cơ chế, chính sách để Hà Nội bứt phá
    7 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Với quan điểm “đô thị đặc biệt phải có chính sách đặc biệt”, thảo luận về Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận, đề xuất bổ sung các cơ chế, chính sách để giải quyết những bất cập nội tại của Thủ đô và phát triển bứt phá.
  • Tìm giải pháp tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp
    7 tháng trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Hiện nay, thanh khoản của các ngân hàng rất dồi dào nhưng tăng trưởng tín dụng ghi nhận đang ở mức khá thấp, cho thấy khả năng tiếp cận tín dụng và hấp thụ vốn của doanh nghiệp (DN) còn khá hạn chế. Chính vì vậy, làm thế nào để tăng khả năng hấp thụ vốn của DN đang là một bài toán khó, cần các giải pháp đồng bộ từ nhiều phía.
  • Lạng Sơn: Sẽ kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn
    7 tháng trước Địa phương
    (BKTO) - Chuyển đổi vị trí công tác và kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn,…là những nội dung quan trọng trong Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024 của tỉnh Lạng Sơn
  • Đồng yen rơi xuống mức thấp của 34 năm
    7 tháng trước Tài chính
    (BKTO) - Trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt, đồng yen đã giảm giá mạnh, chạm mức thấp nhất trong 34 năm qua tại thị trường Tokyo, gây ra sự chú ý đặc biệt từ cộng đồng quốc tế và người dân Nhật Bản. Điều này đã gây ra các phản ứng khác nhau từ các nhà đầu tư và chính sách tiền tệ, trong khi chứng khoán Nhật Bản lại được hưởng lợi từ diễn biến này.
Xếp hạng công ty hàng đầu ngành xây dựng, hạ tầng - công nghiệp và cơ điện