Xu hướng tích cực trong “bức tranh” doanh nghiệp nửa đầu năm

(BKTO) - Số liệu của cơ quan chức năng cho thấy “bức tranh” doanh nghiệp (DN) trong nửa đầu năm đã có những tín hiệu tích cực hơn. Tuy vậy, những khó khăn đối với DN vẫn còn hiện hữu, đòi hỏi cần có những giải pháp đồng bộ cả từ hai phía Chính phủ và cộng đồng DN, để các DN có thể “về đích” kế hoạch sản xuất kinh doanh của năm 2024.

12.jpg
Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang có những tín hiệu tích cực. Ảnh: ST

Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp dần tốt hơn

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2024, số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt gần 120 nghìn DN, là mức cao nhất trong cùng kỳ giai đoạn 2019-2023, chỉ số này cao hơn 1,3 lần trung bình cùng kỳ giai đoạn 2019-2023 và gấp 1,8 lần số lượng DN rút lui khỏi thị trường. Trong đó, tính riêng số DN thành lập mới, con số này đạt trên 80 nghìn DN, vượt qua mức trung bình cùng kỳ của hai năm gần đây (76 nghìn DN).

Ở chiều ngược lại, mặc dù số DN rút lui khỏi thị trường trong 6 tháng là 110,31 nghìn DN, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2023, song DN rút lui khỏi thị trường chủ yếu tập trung vào tháng 1/2024 (chiếm 48,8%); trong các tháng tiếp theo, tổng số DN rút lui khỏi thị trường đều thấp hơn tổng số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường. Theo đó, trung bình mỗi tháng có 18,4 nghìn DN rút lui khỏi thị trường. Con số này đã giảm so với mức bình quân DN rút lui khỏi thị trường trong một tháng của 5 tháng đầu năm 2024 (19,5 nghìn DN) và 4 tháng đầu năm 2024 (21,6 nghìn DN).

Theo kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Tổng cục Thống kê, dự kiến, quý III/2024, có 40,7% DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý II/2024; có 42,2% DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 17,1% DN dự báo khó khăn hơn.

Cùng với đó, theo kết quả khảo sát nhanh hoạt động DN trong 6 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy có 73,5% DN nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh quý II đã tốt hơn và giữ ổn định hơn so với quý I, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ 26,5% DN đánh giá hoạt động sản xuất khó khăn hơn trong quý II. Tương tự, kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng cho thấy, trong quý II, có 79% DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và tốt hơn so với quý I…

Theo các chuyên gia, những tín hiệu tích cực về tình hình hoạt động của cộng đồng DN có được là do Chính phủ đã chủ động, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN đã được đề ra tại các nghị quyết của Chính phủ. Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ DN, nhất là các chính sách về tài khóa, tín dụng, tiếp tục là những “trợ lực” tiếp sức, hỗ trợ cho cộng đồng DN nỗ lực vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất kinh doanh và trụ vững trên thị trường. Ngoài ra, kinh tế toàn cầu đang có những tín hiệu phục hồi, đặc biệt là ở các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, khu vực Đông Nam Á… cũng là những yếu tố thuận lợi, tạo ra những cơ hội kinh doanh cho DN, giúp tình hình hoạt động, sản xuất kinh doanh của DN ngày càng khởi sắc hơn.

Song khó khăn vẫn còn hiện hữu…

Các chuyên gia đánh giá, mặc dù có nhiều tín hiệu cho thấy khu vực DN đang có sự phục hồi tích cực, tuy nhiên vẫn còn những chỉ số cho thấy các DN vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn. Đơn cử, theo số liệu của cơ quan chức năng, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt gần 1,54 triệu tỷ đồng, giảm 7,7% so với cùng kỳ năm 2023. Số vốn đăng ký tăng thêm giảm 17,3% so với cùng kỳ năm 2023, chỉ đạt 792,88 nghìn tỷ đồng, là mức thấp nhất trong cùng kỳ giai đoạn 2019-2023… Theo các chuyên gia, những tín hiệu không mấy tích cực này phản ánh mức độ lạc quan của DN về kế hoạch mở rộng quy mô kinh doanh vẫn đang ở mức thấp. Đặc biệt, số vốn đăng ký tăng thêm của các DN đang hoạt động giảm là dấu hiệu đáng lưu ý vì các DN này đang hoạt động, họ chưa nhìn thấy các cơ hội kinh doanh nên còn thận trọng khi bỏ vốn để mở rộng quy mô đầu tư, kinh doanh.

Bên cạnh đó, một kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, phần lớn DN vẫn gặp khó khăn cả ở đầu vào và đầu ra. Cụ thể, về đầu ra, nhu cầu thị trường trong nước thấp và tính cạnh tranh của hàng hóa trong nước thấp là hai yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Riêng đối với DN xây dựng, trong nửa đầu năm có gần 47% DN gặp khó khăn do không có hợp đồng xây dựng mới… Về các yếu tố đầu vào cho sản xuất, theo số liệu thống kê, trong quý II, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tiếp tục tăng 0,93% so với quý trước và tăng 3,09% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu tăng 2,16% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, các chi phí khác như chi phí vận chuyển, kho bãi, các chi phí dịch vụ cũng tăng cao… làm gia tăng sức ép cho DN.

Từ thực tế những khó khăn đối với cộng đồng DN vẫn hiện hữu, chuyên gia kinh tế PGS,TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục ưu tiên đẩy mạnh tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc, nhất là về pháp lý và khơi thông nguồn vốn cho DN; đồng thời, tăng cường các giải pháp nhằm giảm gánh nặng chi phí nguyên vật liệu đầu vào nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Đối với vấn đề về thị trường, cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ DN tận dụng hiệu quả cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu; hỗ trợ DN trong thông quan hàng hóa và đáp ứng các tiêu chuẩn mới của thị trường xuất khẩu…

Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, theo ông Nguyễn Bích Lâm - Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, bản thân DN cũng cần tích cực chủ động, năng động trong nắm bắt tín hiệu thị trường, tìm kiếm đơn hàng, để có thể giữ được những thị trường truyền thống, nhiều tiềm năng, cũng như tiếp cận được thêm các thị trường mới. Bên cạnh đó, DN cần khẩn trương nắm bắt, hiểu đúng, đầy đủ những nội dung gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN và tiền thuê đất trong năm 2024 quy định tại Nghị định số 64/2024/NĐ-CP của Chính phủ để tính toán nguồn vốn có được do Nhà nước gia hạn để tái đầu tư, tận dụng hiệu quả sự hỗ trợ từ chính sách tài khoá để nỗ lực phục hồi, mở rộng sản xuất kinh doanh./.

Cùng chuyên mục
Xu hướng tích cực trong “bức tranh” doanh nghiệp nửa đầu năm