Vi phạm bản quyền tác giả trong lĩnh vực nghệ thuật hiện nay rất khó xử lý và không đem lại nhiều kết quả. Ảnh: TS
Vi phạm quyền tác giả và quyền liên quan vốn đã phổ biến và khó xử lý, các vi phạm này xảy ra trong lĩnh vực nghệ thuật thì càng khó xử lý hơn. Theo số liệu từ Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), hiện có tới hơn 400 website tiếng Việt đang công chiếu hàng triệu bộ phim, bài hát trên Internet, đa số là chưa được mua bản quyền, với 90% lượng người sử dụng sản phẩm này thì số tiền bản quyền bị thất thoát hằng năm là rất lớn. Theo Đạo diễn điện ảnh Phan Quang Bình - Chủ tịch Công ty TNHH BHD Việt Nam: không ai khác, các DN hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh chân chính đang là nạn nhân của hành vi vi phạm bản quyền. Bản thân BHD thời gian qua cũng đã phối hợp với các trang điện tử, mạng xã hội tiến hành các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm, song việc hợp tác phức tạp và tốn nhiều thời gian, không đem lại nhiều kết quả.
Những bộ phim mới, hấp dẫn luôn nằm trong nhóm có nguy cơ cao bị vi phạm bản quyền. Trước sức hút hiếm có của “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (năm 2015), nên sau khi bộ phim được công chiếu ít ngày, Cục Điện ảnh đã phải gửi công văn cho các cụm rạp và Cục An ninh Thông tin - Truyền thông, Cục An ninh mạng, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đề nghị kiên quyết ngăn chặn và nghiêm trị mọi hành động vi phạm bản quyền với bộ phim. Tuy nhiên, có mấy bộ phim được ưu ái bảo vệ như vậy? Bộ phim“Dòng máu anh hùng”năm 2007 tuy lập kỷ lục bán vé khi thu về 4 tỷ đồng trong 3 tuần đầu công chiếu nhưng vẫn lỗ do bản quyền bị xâm phạm nghiêm trọng là một ví dụ điển hình.
Trong lĩnh vực điện ảnh, việc xử lý vi phạm bản quyền chưa thể “chỉ mặt, vạch tên” các đối tượng vi phạm cụ thể, thì lĩnh vực âm nhạc vẫn được coi là điểm sáng trong thực thi tác quyền. Theo nhạc sỹ Phó Đức Phương - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), năm 2015 VCPMC thu về tổng số tiền bản quyền là 69 tỷ đồng, tăng 12,9% so với năm 2014. Tuy nhiên, con số này được cho là chỉ phản ánh được 1/10 thực tế. Cũng trong năm qua, VCPMC đã tiến hành nhập liệu, chi trả cho tác giả, chủ sở hữu tác phẩm là hơn 62 tỷ đồng từ số tiền tác quyền thu được.
Loay hoay chống vi phạm tác quyền
Là một nước có nền công nghiệp văn hóa phát triển, Hàn Quốc rất thành công trong việc bảo vệ quyền tác giả và quyền liên quan. Thời gian qua, Hàn Quốc đã tích cực giúp đỡ Việt Nam trong việc xây dựng chính sách pháp luật và thực thi các biện pháp bảo vệ tác quyền, đặc biệt là cách thức quản lý hiệu quả môi trường mạng. Tuy nhiên, trong khi Hàn Quốc đã xây dựng được những cơ chế đặc thù nhằm chống lại tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan, thì tại Việt Nam, nhiều mô hình vẫn trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm.
Lý giải nguyên nhân đưa đến việc học tập kinh nghiệm của Hàn Quốc trong lĩnh vực bảo vệ tác quyền chưa mang lại kết quả, bà Phạm Thị Kim Oanh - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) thừa nhận: Nhận thức về vấn đề tác quyền ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, các chế tài xử phạt vi phạm bản quyền còn quá nhẹ chính là một trong nhiều lý do khiến cho vi phạm bản quyền như một căn bệnh “nhờn thuốc”, khó chữa trị dứt điểm. Thực tế thời gian qua, nhiều trang điện tử vi phạm sẵn sàng đóng cửa trang web đó để mở ra một trang khác và tiếp tục ăn cắp bản quyền. Chưa kể, việc xử lý vi phạm bản quyền trên Internet lại gặp nhiều khó khăn do không xác định được chủ thể của các website, khi các website vi phạm đều đăng ký tên miền quốc tế, hoặc khai báo sai thông tin để tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng.
Là tổ chức phi lợi nhuận duy nhất được Chính phủ cho phép đứng ra chịu trách nhiệm thu tiền bản quyền thay tác giả, thế nhưng, hơn chục năm hoạt động là chừng bấy thời gian VCPMC chịu tai tiếng “đòi nợ thuê” vì vấp phải sự phản ứng của các đơn vị vi phạm tác quyền. Theo Giám đốc VCPMC, nhiều chương trình âm nhạc được đầu tư bài bản, công phu, giá vé bán có khi lên đến hàng triệu nhưng tác giả, chủ sở hữu tác phẩm không được trả tác quyền hoặc nếu có cũng chỉ ở mức tượng trưng. Điều này cũng phản ánh thực tế đa số người dân còn thiếu ý thức tôn trọng quyền sở hữu, tác giả. Điều đáng nói, ngay cả các tác giả, chủ sở hữu đã ủy thác tác quyền cho VCPMC cũng vô tình tiếp tay cho vi phạm khi trực tiếp giao dịch với đơn vị tổ chức nghệ thuật vì “cả nể”... Tất cả những khó khăn đó đang trở thành rào cản và kéo lùi những nỗ lực bảo vệ tác quyền và quyền liên quan hiện nay.
NGUYỄN LỘC