Xử phạt vi phạm hành chính góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán

ĐĂNG KHOA - DIỆU THIỆN | 18/11/2022 18:39

(BKTO) - Tại Hội thảo về Dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước (KTNN) do KTNN tổ chức sáng 18/11, các đại biểu đều khẳng định, việc ban hành Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN là hết sức cần thiết, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN. Đồng thời, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến nhằm đảm bảo tính phù hợp, khả thi của các quy định trong Dự thảo Pháp lệnh.

quang-canh.jpg
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: DIỆU THIỆN

Bảo đảm chế tài đối với hành vi vi phạm ở cấp độ hành chính

Theo ông Vũ Thanh Hải - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (KTNN), từ cơ sở pháp lý, thực tiễn hoạt động kiểm toán của KTNN và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, khuyến cáo của Tổ chức quốc tế các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI); để bảo đảm tính khả thi của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN thì việc ban hành Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực KTNN là hết sức cần thiết, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN, đồng thời có tác dụng giáo dục pháp luật, duy trì trật tự, giữ gìn kỷ cương và tính nghiêm minh của pháp luật.

Từ thực tiễn hoạt động kiểm toán, TS. Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II chỉ rõ, các hành vi vi phạm trong lĩnh vực KTNN có xu hướng gia tăng và mang tính đặc thù nhưng đến nay chưa có đầy đủ quy định về cơ chế bảo đảm thi hành, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm. Do chưa có chế tài cụ thể đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực KTNN ở cấp độ hành chính nên từ khi Luật KTNN có hiệu lực thi hành, chưa có cơ quan chức năng xử lý những hành vi vi phạm này.

Trường hợp xảy ra vi phạm trong hoạt động kiểm toán, KTNN đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật (khoản 6 Điều 11 Luật KTNN). Tuy nhiên, theo hướng này thường thì vi phạm không được xử lý kịp thời; phụ thuộc vào cơ quan, người có thẩm quyền, trong khi đó thời gian của một cuộc kiểm toán thông thường là 60 ngày.

“Trong hầu hết các trường hợp, KTNN chỉ có thể sử dụng những phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ nhằm khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN, tính nghiêm minh của Luật KTNN” - TS. Lê Đình Thăng nêu rõ.

anh-hai.jpg
Ông Vũ Thanh Hải - Vụ trưởng Vụ Pháp chế giới thiệu những nội dung chính của Dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN . Ảnh: DIỆU THIỆN

Xuất phát từ yêu cầu cấp thiết trên, dự kiến Pháp lệnh sẽ quy định về: các hành vi VPHC; đối tượng bị xử phạt; hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả cụ thể trong lĩnh vực KTNN; nguyên tắc xử phạt; thẩm quyền và thủ tục lập biên bản, quy định chi tiết thẩm quyền xử phạt, áp dụng biện pháp khắc phục, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC trong lĩnh vực KTNN.

Trong đó, đối tượng bị xử phạt VPHC trong lĩnh vực KTNN gồm: đơn vị được kiểm toán quy định tại Điều 55 của Luật KTNN và tổ chức, cá nhân thuộc đơn vị được kiểm toán; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán nhà nước quy định tại khoản 1 Điều 1 của Luật số 55/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Hành vi VPHC trong lĩnh vực KTNN được xác định căn cứ vào các quy định của Luật KTNN và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động KTNN khi các tổ chức, cá nhân có vi phạm về nghĩa vụ, trách nhiệm, điều cấm…

Cụ thể là: hành vi vi phạm điều cấm, vi phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán do vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 8; Điều 57; Điều 58 của Luật KTNN; hành vi vi phạm quy định về trách nhiệm, vi phạm điều cấm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động KTNN do vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 8, Điều 58, Điều 68 của Luật KTNN.

Căn cứ quy định của Luật Xử lý VPHC, Dự thảo Pháp lệnh quy định hình phạt chính theo hướng đối với mỗi hành vi vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt hành chính bao gồm phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền.

Về mức phạt tiền cụ thể, căn cứ quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý VPHC thì mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực KTNN là 50 triệu đồng (đối với cá nhân), 100 triệu đồng (đối với tổ chức). Đây là cơ sở để quy định khung tiền phạt đối với các hành vi VPHC, thẩm quyền xử phạt VPHC của từng chức danh có thẩm quyền xử phạt.

“KTNN xây dựng khung phạt theo thứ tự tăng dần từ thấp (nhẹ) đến cao (nặng) dựa trên nguyên tắc bảo đảm mức độ răn đe cao và tính nghiêm minh của pháp luật; bảo đảm tính khả thi, mức độ giáo dục pháp luật và tính hợp lý của việc áp dụng hình thức, mức phạt” - ông Vũ Thanh Hải nêu rõ.

Ngoài ra, Dự thảo Pháp lệnh cũng quy định về thẩm quyền lập biên bản, thủ tục và thẩm quyền xử phạt, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả và thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC; thẩm quyền và thủ tục lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, áp dụng biện pháp khắc phục và thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Cần quy định cụ thể, rõ ràng, đảm bảo khả thi trong triển khai thực hiện

Góp ý cụ thể vào nội dung Dự thảo Pháp lệnh, tại Hội thảo, bà Nguyễn Thanh Hà - Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý VPHC và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng, một số nội dung trong Dự thảo Pháp lệnh cần tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung.

ba-ha.jpg
Bà Nguyễn Thanh Hà - Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý VPHC và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) góp ý vào Dự thảo Pháp lệnh. Ảnh: DIỆU THIỆN

Cụ thể, đối với quy định về một số hành vi vi phạm hành chính, cần mô tả một cách rõ ràng, đầy đủ, cụ thể hơn để người có thẩm quyền có thể xác định và xử phạt được trong thực tiễn. Đơn cử như các hành vi: “từ chối giải trình”, “từ chối gửi báo cáo tài chính”, “đe doạ thành viên Đoàn kiểm toán”, “cản trở công việc của KTNN và kiểm toán viên nhà nước”.

Về mức xử phạt, đại diện Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thêm về khung tiền phạt đối với hành vi đưa hối lộ tại Dự thảo Pháp lệnh để đảm bảo phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về khung tiền phạt đối với tội đưa hối lộ.

Bên cạnh đó, để bảo đảm tính tổng thể của Pháp lệnh và tính hệ thống trong quy định về biện pháp khắc phục hậu quả, theo bà Hà, cơ quan soạn thảo nên bổ sung một điều riêng quy định về các biện pháp khắc phục hậu quả dự kiến được quy định và áp dụng đối với các hành vi vi phạm hành chính.

Bà Vũ Thùy Linh - Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng góp ý, về đối tượng bị xử phạt, để đảm bảo sự chính xác, rõ ràng, cần làm rõ các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan là những chủ thể nào để phân biệt với các cơ quan, tổ chức, cá nhân được quy định cụ thể trong Dự thảo Pháp lệnh; đồng thời cơ quan soạn thảo cũng nên bổ sung quy định về mức xử phạt VPHC với các đối tượng này để đảm bảo đầy đủ.

Bà Linh cũng đề nghị Dự thảo Pháp lệnh cần bổ sung thêm các nội dung về quyền khiếu nại, tố cáo và khởi kiện đối với quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực KTNN để bảo đảm quyền và lợi ích của người bị xử lý VPHC.

Đề cập đến vấn đề về xử phạt, ông Trần Minh Khương - Kiểm toán trưởng KTNN khu vực XIII nêu rõ, về thời hạn xử phạt, do thời gian kiểm toán tại các đơn vị được kiểm toán, hoặc đơn vị kiểm tra, đối chiếu thường tương đối ngắn (phổ biến là từ 7 - 10 ngày), nên thời gian phát hiện hành vi vi phạm và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính cần quy định cụ thể.

“Đối với các hành vi vi phạm có biện pháp khắc phục hậu quả thì cần thực hiện trước khi kết thúc kiểm toán tại đơn vị. Bởi vì việc xử phạt sau khi đã kết thúc kiểm toán, hết thời gian kiểm tra, đối chiếu tại đơn vị thường chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà không phát huy tác dụng, hiệu quả đối với hoạt động kiểm toán” - ông Khương đề xuất.

Về thủ tục xử phạt, theo quy định tại Điều 13 Dự thảo Pháp lệnh, thủ tục xử phạt và thi hành quyết định xử phạt VPHC trong lĩnh vực KTNN được thực hiện theo quy định của Luật Xử lý VPHC. Theo đó, đối với trường hợp người vi phạm không có mặt hoặc không ký tên, thì yêu cầu phải có chữ ký của đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm hoặc chữ ký của 2 người chứng kiến.

Theo ông Khương, nếu xử lý theo hướng dẫn của Luật Xử lý VPHC sẽ rất khó thực hiện, do đó, cần nêu rõ trong Dự thảo Pháp lệnh cách thức xử lý khi người vi phạm không có mặt hoặc không ký biên bản để có cơ sở pháp lý triển khai thực hiện trong thực tế.

Ngoài ra, ông Khương cũng đề nghị bổ sung thêm quy định về hành vi tái phạm và mức xử phạt, khắc phục hậu quả đối với hành vi tái phạm trong Dự thảo Pháp lệnh./.

Cùng chuyên mục
Xử phạt vi phạm hành chính góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán