Dành nhiều nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng, nhất là trong 2 năm 2020, 2021, Chính phủ liên bang Nigeria đã dành những nguồn lực khổng lồ cho công tác phòng, chống dịch nhằm ngăn chặn những hậu quả của đại dịch tới cộng đồng, hỗ trợ đời sống cho người dân, ổn định, phát triển nền kinh tế. Đặc biệt, khi các lệnh đóng cửa biên giới, giãn cách xã hội được thực hiện để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, Chính phủ đã thực hiện các biện pháp can thiệp, cam kết hỗ trợ hàng tỷ naira giúp những người dân dễ bị tổn thương, các hộ gia đình, doanh nghiệp vượt qua đại dịch.
Bộ Tài chính, Ngân sách và Kế hoạch Nigeria đã xem xét bảng phân tích chi tiêu ngân sách hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ quan, tổ chức công. Theo đó, Chính phủ đã chi 500 tỷ naira (hơn 1,13 tỷ USD) và giải ngân 1.800 tỷ naira khác thông qua các tổ chức tài chính công để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch. Trong 500 tỷ naira, có 126 tỷ narira được sử dụng để xây dựng một hệ thống y tế hiện đại tại Nigeria. Chính phủ đặt ra mục tiêu cải thiện cơ sở hạ tầng y tế bằng cách xây dựng các phòng thí nghiệm tại 52 trung tâm y tế liên bang và các học viện giảng dạy ngành y trên cả nước.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Chính phủ chi những khoản tiền lớn để đối phó với đại dịch, người dân Nigeria lại bày tỏ sự bất bình vì đã chứng kiến nhiều cán bộ, cơ quan sử dụng ngân sách, nguồn lực công lãng phí, không hiệu quả. Văn phòng Tổng Kiểm toán Liên bang (AuGF) đã nhận được những cáo buộc về việc nhiều cán bộ của các cơ quan, tổ chức công lạm chi, biển thủ những khoản tiền lớn từ ngân sách để phục vụ cho việc phòng, chống dịch. Vì vậy, việc kiểm toán để đánh giá công tác quản lý, sử dụng những khoản hỗ trợ này là rất cần thiết nhằm đảm bảo các vấn đề minh bạch và trách nhiệm giải trình trong sử dụng ngân sách.
Cần cung cấp đủ quyền hạn cho Cơ quan Tổng Kiểm toán
Trong những năm qua, AuGF đã thực hiện nhiều cuộc kiểm toán và từng nhiều lần báo động về tình trạng tham nhũng tràn lan trong các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp nhà nước. Tổng Kiểm toán đặc biệt chỉ trích những lỗ hổng trong việc thực hiện trách nhiệm giải trình trong tài chính.
Cựu Tổng Kiểm toán Anthony Ayine cho biết, Cơ quan Tổng Kiểm toán đã tiến hành kiểm toán để xem xét tình hình quản lý, sử dụng ngân sách phòng, chống dịch Covid-19 và dự kiến trình kết quả kiểm toán lên Quốc hội trước khi công khai báo cáo kiểm toán đầu tiên trong tháng 10/2020. Báo cáo sẽ đánh giá việc sử dụng các quỹ để phòng, chống và giải quyết hậu quả của đại dịch. Sau khi báo cáo này được công bố, hằng quý AuGF sẽ tiến hành kiểm toán và công bố các báo cáo định kỳ. Tuy nhiên, đến khi kết thúc nhiệm kỳ vào cuối tháng 10, ông vẫn chưa thực hiện được cam kết.
Nhiều chính trị gia của Nigeria cho rằng, Cơ quan Tổng Kiểm toán của đất nước còn tồn tại nhiều điểm yếu như Đạo luật thành lập Văn phòng Tổng Kiểm toán chưa cung cấp đủ tính độc lập và quyền hạn để AuGF thực thi nhiệm vụ, thực thi các hình phạt vi phạm trong những trường hợp cần thiết. Bên cạnh đó, Báo cáo kiểm toán thường niên được trình lên Quốc hội thường chỉ mang tính khuyến nghị vì cơ quan này thiếu quyền xử phạt các vi phạm tài chính đối với các Bộ, ban ngành, cơ quan và tổ chức công.
Ngoài ra, do một số kẽ hở trong Đạo luật kiểm toán, các tổ chức công thường không coi trọng các truy vấn và khuyến nghị kiểm toán, tình trạng này luôn được nhấn mạnh trong các báo cáo gửi cơ quan lập pháp, tuy nhiên đến nay Chính phủ vẫn chưa có biện pháp giải quyết hiệu quả. Được biết, hiện Chính phủ đã có Dự luật Kiểm toán đề xuất Quốc hội trao quyền nhiều hơn cho AuGF để yêu cầu các tổ chức công nghiêm túc thực hiện khuyến nghị kiểm toán và chịu trách nhiệm về các hành động của tổ chức./.
Từ khi ông Anthony Ayine nắm giữ chức vụ Tổng Kiểm toán đến nay, Nigeria đã có 3 Tổng Kiểm toán lãnh đạo AuGF, tuy nhiên, AuGF hiện vẫn chưa trình Báo cáo kiểm toán về các quỹ phòng, chống dịch Covid-19 lên Quốc hội, do đó báo cáo công chúng mong chờ nhiều năm qua vẫn chưa được công bố.