![w1-min-2.jpeg](http://files.auditnews.vn/2025/01/28/w1-min-2.jpeg)
Trao đổi với Báo Kiểm toán, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, kết quả này là động lực, song cũng đặt ra những thách thức ngành nông nghiệp cần nỗ lực để vượt qua những giới hạn của năm 2024.
Xin Thứ trưởng cho biết về kết quả xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong năm 2024 ?
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do xung đột giữa các quốc gia, khu vực trên thế giới; chi phí vận tải tăng cao,… nhưng nhờ đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển tốt thị trường và một số nghị định thư được ký mới với các thị trường lớn nên kết quả xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2024 đã “về đích” với mức cao nhất từ trước tới nay.
Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt mức cao kỷ lục 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023; xuất siêu tiếp tục đạt mức kỷ lục mới 17,9 tỷ USD, tăng 46,8%. Trong đó, xuất khẩu nông sản chính đạt 32,8 tỷ USD, tăng 22,4%; chăn nuôi đạt 533,6 triệu USD, tăng 6,5%; lâm sản chính đạt 17,28 tỷ USD, tăng 19,4%; thủy sản đạt 10,07 tỷ USD, tăng 12,2%. Có 7 hàng/nhóm mặt hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD.
Điều đáng mừng là hiện nay, Việt Nam ngày càng mở rộng thị trường xuất khẩu, với hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ; nhiều thị trường có tiềm năng rất lớn và nông sản Việt Nam hoàn toàn có cơ hội khẳng định mình.
Năm vừa qua, châu Á tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông, lâm, thủy sản Việt Nam với thị phần chiếm 48,2%.
Các thị trường ở châu Mỹ và châu Âu chứng kiến sự tăng trưởng mạnh về giá trị xuất khẩu. Chẳng hạn, xuất khẩu nông sản sang châu Mỹ tăng 23,6%, trong khi xuất khẩu sang châu Âu tăng 30,4% so với năm 2023.
Xét thị trường theo quốc gia, Hoa Kỳ và Trung Quốc tiếp tục là hai thị trường lớn nhất của Việt Nam, với thị phần lần lượt là 21,7% và 21,6%. Các thị trường này đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ năm qua.
![nn-2.jpg](http://files.auditnews.vn/2025/01/28/nn-2.jpg)
Trong năm nay, chúng ta vẫn còn dư địa nâng cao kim ngạch xuất khẩu. Việc Việt Nam từng bước chinh phục thị trường yêu cầu cao, nhiều tiềm năng như Halal và mở rộng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc sẽ gỡ khó cho xuất khẩu nông sản trong thời gian tới.
Thưa Thứ trưởng, xin ông có thể cho biết những yếu tố nào góp phần mang lại kết quả xuất khẩu nông sản đạt kỷ lục trong năm qua?
Năm 2024 đã qua với nhiều khó khăn thách thức, nhưng với sự quan tâm của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, sự nỗ lực của lãnh đạo Bộ cùng sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, bà con nông dân, và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành đã đưa ngành nông nghiệp đạt nhiều thắng lợi vượt bậc, đạt dấu ấn đáng tự hào.
Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ ra một số yếu tố hỗ trợ chính góp phần vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của xuất khẩu nông sản Việt Nam trong năm qua.
Thứ nhất, tình hình thuận lợi tại các thị trường lớn, giá nhiều mặt hàng nông sản tăng mạnh đã tạo ra cơ hội cho Việt Nam mở rộng xuất khẩu.
Năm qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt bình quân 626 USD/tấn, tăng 10,6% so với năm 2023. Đặc biệt, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam luôn đứng ở vị trí cao nhất khi so sánh với sản phẩm cùng loại của các đối thủ. Kết quả này một phần là nhờ việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tẻ thường đã để lại “khoảng trống” cho gạo Việt mở rộng thị trường; xung đột trên thế giới khiến nhiều quốc gia hạn chế xuất khẩu lương thực…
Thứ hai, sự chuyển mình của ngành nông nghiệp Việt Nam nhờ quá trình tái cơ cấu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, chế biến.
Trong đó, việc chuyển hướng đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, như rau quả và thủy sản chế biến, đã giúp nâng cao giá trị xuất khẩu tổng thể.
Thứ ba, việc chú trọng phát triển vùng nguyên liệu gắn kết với chế biến và mở rộng thị trường xuất khẩu đã tạo động lực cho ngành phát triển bền vững.
Trong đó sản lượng lúa đạt 43,5 triệu tấn, tăng 1,4%, đặc biệt năng suất lúa tăng 3 tạ/ha, không những cung cấp đủ thực phẩm cho người dân trong nước mà còn xuất khẩu, đóng vai trò rất quan trọng cho an ninh lương thực thế giới.
Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi với quy mô rất lớn, trị giá 33 tỷ USD; sữa 1,2 triệu tấn, tăng 6%; trồng trọt tăng 1,8%. Sản lượng thủy sản lần đầu tiên cán mốc 9,6 triệu tấn, tăng gần 4%; dịch vụ môi trường rừng 3.400 tỷ đồng tăng hơn 3% so với năm 2023...
Thứ tư, việc ký kết hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã tạo nền tảng vững chắc, giúp thúc đẩy kim ngạch song phương giữa các bên tăng trưởng đột phá.
Năm 2024, cán cân thương mại ngành nông, lâm, thủy sản đạt thặng dư 17,9 tỷ USD, tăng 46,8% so với năm 2023. Trong đó, nhóm lâm sản xuất siêu 13,05 tỷ USD, tăng 18,7%; nhóm thủy sản xuất siêu 6,88 tỷ USD, tăng 17,5%; nhóm nông sản xuất siêu 4,72 tỷ USD, tăng 3,1 lần so với năm 2023.
Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn của Việt Nam, chiếm tới 21,5%. Với việc ký thêm 3 nghị định thư mới về sầu riêng đông lạnh, dừa tươi và sản phẩm cá sấu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang quyết liệt xúc tiến mạnh để xuất khẩu các sản phẩm trên sang Trung Quốc.
![z6106202576372_3cb8c7b524d93eee9f5e5980ab00ce95.jpg](http://files.auditnews.vn/2025/01/28/z6106202576372_3cb8c7b524d93eee9f5e5980ab00ce95.jpg)
Với kết quả xuất khẩu ấn tượng trong năm 2024, ngành nông nghiệp Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ và vững chắc. Các FTA sẽ tiếp tục tạo cơ hội mới cho xuất khẩu các sản phẩm nông sản Việt Nam, nhất là các mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn, thủy sản và các sản phẩm động vật.
Đặc biệt, nhiều cơ hội đang mở ra cho xuất khẩu nông sản Việt Nam tại các thị trường mới, đặc biệt là thị trường Halal tại khu vực Trung Đông…
Năm 2025, ngành nông nghiệp được giao mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu cao hơn mức kỷ lục của năm qua, Bộ đã có kế hoạch triển khai công việc ra sao để đạt được mục tiêu này, thưa ông?
Năm 2025 sẽ là năm tăng tốc, bứt phá về đích cho mục tiêu Kế hoạch phát triển ngành 5 năm 2021-2025, đặc biệt là mục tiêu là tăng trưởng toàn ngành đạt từ 3,3 - 3,4%, tương đương tổng kim ngạch xuất khẩu vào khoảng 64 - 65 tỷ USD.
Để đạt được mục tiêu này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xác định một số giải pháp để thúc đẩy sự tăng trưởng xuất khẩu nông sản năm 2025.
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; phấn đấu vượt mục tiêu tăng trưởng ở mức cao nhất.
Thứ hai, phát triển mạnh thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản. Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng đối với từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo chuỗi cung ứng thị trường trong nước.
Thứ ba, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, kết nối hệ thống tiêu thụ toàn cầu.
![z6074105425310_0e78c76b4f20c928ddb40f79eebfdff8.jpg](http://files.auditnews.vn/2025/01/28/z6074105425310_0e78c76b4f20c928ddb40f79eebfdff8.jpg)
Thứ tư, thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ sạch vào sản xuất; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về công nghệ; chủ động hội nhập quốc tế để mở cửa thị trường. Trong đó, tập trung ứng dụng công nghệ cao tại các vùng trồng nông sản chủ lực, coi ứng dụng công nghệ mới là giải pháp đột phá để tạo nguồn nguyên liệu đảm bảo, chất lượng, có giá trị cao trước khi đưa đến thị trường.
Thứ năm, phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và quản lý hiệu quả vốn đầu tư xây dựng cơ bản; bảo vệ và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thủy lợi và phòng, chống thiên tai.
Trong năm 2024 Việt Nam đã xảy ra 1.340 trận thiên tai với 21/22 loại hình thiên tai. Sau những tháng đầu năm hạn hán tại các tỉnh phía Nam do ảnh hưởng của hiện tượng Elnino thì tiếp theo đó là bão mạnh, mưa lũ lớn, sạt lở đất, lũ quét trên diện rất rộng tại Bắc Bộ; mưa lũ lớn ở Trung Bộ.
Riêng trận bão số 3 (Yagi), đã gây thiệt hại gần 83.746 tỷ đồng, gấp tới 9 lần thiệt hại về vật chất do thiên tai cả năm 2023, chủ yếu là thiệt hại trong nông nghiệp.
Do đó, việc đảm bảo tốt hạ tầng nông nghiệp và thực hiện tốt phòng, chống thiên tai sẽ giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra, từ đó hạn chế ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu cho xuất khẩu, tiêu dùng trong nước.
- Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Tổng kim ngạch đạt 62,5 tỷ USD, không chỉ vượt xa mục tiêu (55-57 tỷ USD) mà còn lập nên kỷ lục mới. Điều này là minh chứng cho sự chuyển mình mạnh mẽ trong chiến lược xuất khẩu của nông sản Việt Nam, từ việc đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường đến việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.