Xúc tiến du lịch lẹt đẹt vì thiếu tiền, Quỹ du lịch dư dả không tiêu đến

(BKTO) - Trong khi ngành du lịch thiếu ngân sách cho hoạt động xúc tiến, quảng bá, thì lại đang tồn tại nghịch lý khi nguồn Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch với nhiệm vụ hỗ trợ cho hoạt động xúc tiến du lịch và các hoạt động phát triển du lịch lại có tỷ lệ giải ngân rất thấp, dù nguồn khá dồi dào…

_dsc2649.jpg
Cần nâng cao hiệu quả của Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch để hỗ trợ công tác xúc tiến du lịch. Ảnh TL

Kinh phí cho xúc tiến, quảng bá du lịch gặp khó

Sau giai đoạn chịu ảnh hưởng nặng của đại dịch Covid-19, thị trường du lịch đang có sự phục hồi trở lại, với lượng khách quốc tế đến Việt Nam tương đương với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm trước khi xảy ra đại dịch. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam dù tăng trưởng nhanh nhưng chưa ổn định, chưa tương xứng với tiềm năng.

Một trong những nguyên nhân chính do hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch còn hạn chế, chưa chuyên nghiệp, trong đó có cả rào cản về vấn đề nguồn lực cho xúc tiến, quảng bá du lịch.

Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - VH,TT&DL), khi so sánh tăng trưởng du lịch của Việt Nam với các quốc gia khác, cần đánh giá dựa trên nhiều thông số. Trong đó, riêng ngân sách dành cho công tác xúc tiến, quảng bá du lịch của Việt Nam hiện khá lép vế so với các quốc gia khác, khi chỉ chi khoảng 2 triệu USD/năm, thấp hơn rất nhiều so với mức đầu tư trên dưới 100 triệu USD/năm của các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia…

Trong khi đó, theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, chính sách trích ngân sách cho quảng bá, xúc tiến còn hạn chế. Thông tư số 12/2022/TT-BTC, ngày 22/02/2022 của Bộ Tài chính hướng dẫn nội dung và mức chi từ ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ xúc tiến, quảng bá không áp dụng cho các cơ quan xúc tiến du lịch địa phương.

“Đây là rào cản, gây khó khăn cho các đơn vị quảng bá, xúc tiến du lịch tại địa phương” - bà Hiếu nêu; đồng thời cho biết, nguồn kinh phí xúc tiến hiện chủ yếu dựa vào công tác xã hội hóa, phụ thuộc vào chính doanh nghiệp. 

Có thể nói, Bộ VH,TT&DL đã đặt kỳ vọng vào việc triển khai Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch để qua đó thúc đẩy hoạt động du lịch phát triển. Ý tưởng là vậy, tuy nhiên, sau nhiều năm thành lập, nguồn Quỹ này vẫn chưa cho thấy hiệu quả, cũng như chưa đáp ứng được kỳ vọng của ngành du lịch.

dl.jpg
Giới thiệu, xúc tiến, quảng bá du lịch là nhiệm vụ rất quan trọng để đưa hình ảnh du lịch Việt đến thế giới, song công tác này đang gặp khó khăn do thiếu kinh phí. Ảnh: N.Lộc

Theo Vụ Kế hoạch, Tài chính (Bộ VH,TT&DL), Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, do Bộ VH,TT&DL là đại diện chủ sở hữu.

Một trong những chức năng chính của Quỹ là bố trí kinh phí tổ chức triển khai hoạt động xúc tiến du lịch và hỗ trợ các hoạt động phát triển du lịch theo quy định của Luật Du lịch, phù hợp với chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam.

Mặc dù vậy, trên thực tế, sự hỗ trợ của Quỹ cho các hoạt động này đang rất hạn chế. Đại biểu Trần Chí Cường (Đoàn Đà Nẵng) nêu vấn đề: Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình phục hồi đã bố trí 300 tỷ đồng cho Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch. Tuy nhiên, cho đến nay số kinh phí này vẫn chỉ nằm trong tài khoản tiền gửi ngân hàng và số tiền lãi được dùng chi cho hoạt động thường xuyên và bộ máy hành chính quản lý quỹ.

Nhìn nhận việc nguồn lực không được khai thác hiệu quả, nhiều doanh nghiệp cho rằng, đây chính là một sự lãng phí. “Trong khi ngành du lịch liên tục kêu về việc thiếu ngân sách cho công tác xúc tiến, quảng bá, thì lượng kinh phí rất lớn từ Quỹ chưa được dùng đến” - một doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch băn khoăn cho biết.

Để không còn cảnh “có tiền không tiêu được”…

Câu chuyện về quản lý, sử dụng nguồn Quỹ cho hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch là một trong những vấn đề làm “nóng” nghị trường vừa qua, khi các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL về lĩnh vực văn hóa, du lịch.

Trước thực trạng quản lý, sử dụng Quỹ không thực sự hiệu quả, đại biểu Hoàng Ngọc Định (đoàn Hà Giang) đề nghị làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi không triển khai nguồn vốn điều lệ Quỹ và đưa kinh phí vào hỗ trợ phát triển du lịch.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, số tiền 300 tỷ đồng của Quỹ là vốn điều lệ, theo quy định không được dùng cho hoạt động xúc tiến và hỗ trợ phát triển du lịch.

Theo đó, vốn điều lệ phải được bảo toàn, phát triển bằng cách gửi ngân hàng, chỉ có phần lãi phát sinh sẽ được chi dùng cho tổ chức bộ máy, hoạt động quản lý chung. Đối với các hoạt động xúc tiến du lịch được trích từ phần trăm thu được từ phí, vé tham quan... Tuy vậy, việc giải ngân cho hoạt động xúc tiến cũng rất hạn chế; nguồn này thường xuyên dôi dư song cũng không được chuyển nguồn sang năm sau. 

thu-thu-7163.jpg
Việc khơi thông nguồn quỹ, hỗ trợ hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch là yêu cầu bức thiết hiện nay

Về việc chi từ nguồn Quỹ cho hoạt động xúc tiến du lịch gặp vướng, theo Bộ trưởng Hùng là có nhiều lí do. Trong đó, Quỹ hoạt động theo mô hình doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp công lập, hai loại hình này rất khó trong hoạt động cho nên cũng có những vướng mắc. Bên cạnh đó, bộ máy của Quỹ hoạt động chưa hiệu quả, cần tiếp tục hoàn thiện.

Bộ sẽ quyết liệt hơn, sắp xếp lại bộ máy quản lý Quỹ. Nếu cần thiết sẽ báo cáo đánh giá tác động để xem xét đề xuất sửa đổi quyết định của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và phê duyệt điều lệ hoạt động của Quỹ này, phục vụ tốt hơn hoạt động quảng bá du lịch

Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng

Hiện Bộ VH,TT&DL đã chỉ đạo để củng cố, kiện toàn đội ngũ quản lý Quỹ, tiếp tục đề xuất cơ quan có thẩm quyền phối hợp để rà soát, sửa đổi hoạt động của Quỹ cho phù hợp hơn, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Nhiều chuyên gia đánh giá, việc nguồn Quỹ dư dả, trong khi ngành du lịch thiếu nguồn lực để tổ chức hoạt động là một nghịch lý. Do đó, đồng tình với trả lời chất vấn của người đứng đầu ngành văn hóa, song nhiều đại biểu Quốc hội và các chuyên gia cũng cho rằng, điều dư luận mong chờ, đó không chỉ là việc nhận diện khó khăn hay nhận lỗi, mà hơn hết, ngành du lịch cần phải quyết liệt thực hiện các giải pháp để khai thác hiệu quả nguồn lực này cho hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch.

“Hơn bao giờ hết ngành du lịch cần được đảm bảo các nguồn lực tốt nhất để đẩy mạnh phục hồi nhanh, bền vững. Việc khơi thông nguồn Quỹ, hỗ trợ hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch là yêu cầu bức thiết hiện nay” - Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn (Đoàn Hà Nội) cho biết. 

Cùng chuyên mục
  • PV GAS đón chuyến tàu LNG thứ 5 về Việt Nam
    5 tháng trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Vào lúc 10h00 ngày 12/6/2024, tàu LNG mang tên AMANI đã cập bến Kho cảng LNG Thị Vải – tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, ghi nhận sự kiện Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đón chuyến tàu LNG thứ 5 đến Việt Nam, tiếp tục phát triển chuỗi cung ứng LNG duy nhất tại Việt Nam cho đến thời điểm hiện nay, góp phần quan trọng đảm bảo ninh kinh tế và an ninh năng lượng quốc gia.
  • PVFCCo tri ân khách hàng theo cách đặc biệt
    5 tháng trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Trong tháng 4 và 5/2024, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) đã phối hợp với đơn vị thành viên tổ chức các chương trình tham quan đặc biệt tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ và NPK Phú Mỹ.
  • THACO: Phát triển đội ngũ nhân sự công nghiệp thế hệ mới
    5 tháng trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Nguồn nhân lực chất lượng cao trong sản xuất công nghiệp là một bài toán khó trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo phát triển mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực. Trước xu hướng đó, THACO với tầm nhìn là tập đoàn công nghiệp đa ngành, đã tập trung phát triển đội ngũ nhân sự công nghiệp thế hệ mới hướng đến chiến lược phát triển bền vững của Tập đoàn.
  • Tập trung phát triển ngành kinh tế mũi nhọn du lịch
    5 tháng trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Khẳng định du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, trong quá trình phát triển du lịch sẽ khó tránh được những rào cản, vướng mắc. Điều quan trọng là các cơ quan phải cùng vào cuộc, với tinh thần trách nhiệm cao nhất, vì mục tiêu chung là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
  • Phát động Chương trình đánh giá, công bố doanh nghiệp bền vững
    5 tháng trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Chương trình đánh giá, công bố doanh nghiệp (DN) bền vững tại Việt Nam năm 2024 (Chương trình CSI 2024) lần thứ 9 đã chính thức được phát động. Chương trình nhằm ghi nhận, biểu dương các DN thực hiện tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh bền vững trên các khía cạnh toàn diện: hiệu quả kinh tế - quản trị DN - xã hội - môi trường.
Xúc tiến du lịch lẹt đẹt vì thiếu tiền, Quỹ du lịch dư dả không tiêu đến