10 sự kiện, hoạt động nổi bật của Kiểm toán nhà nước năm 2022

Báo Kiểm toán bình chọn | 07/01/2023 15:57

(BKTO) - 10 sự kiện, hoạt động nổi bật của Kiểm toán nhà nước năm 2022 (Báo Kiểm toán bình chọn)

1. Quốc hội bầu đồng chí Ngô Văn Tuấn giữ chức Tổng Kiểm toán nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026

1-2-.jpg

Ngày 21/10/2022, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, Quốc hội đã bầu đồng chí Ngô Văn Tuấn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự, Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách Kiểm toán nhà nước (KTNN) giữ chức Tổng Kiểm toán nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026 với tỷ lệ tán thành rất cao.

Ngày 28/10/2022, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã trao Nghị quyết số 66/2022/QH15 của Quốc hội về bầu Tổng Kiểm toán nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026 đối với đồng chí Ngô Văn Tuấn. Phó Chủ tịch Quốc hội mong đồng chí Ngô Văn Tuấn tiếp tục cùng tập thể Ban cán sự đảng, Đảng ủy, Ban lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động KTNN thực hiện tốt hơn nữa vai trò là công cụ quan trọng trong kiểm tra tài chính công, tài sản công; phục vụ hiệu quả các hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời hỗ trợ, đóng góp tích cực vào đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

2. Thực hiện cuộc kiểm toán chuyên đề với quy mô lớn nhất

Năm 2022, KTNN đã hoàn thành đúng thời hạn cuộc kiểm toán Chuyên đề “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ”. Đây là chuyên đề có quy mô, phạm vi rộng nhất từ trước tới nay (tại 9 Bộ, cơ quan trung ương và 32 địa phương) theo yêu cầu của Quốc hội.

2-.jpg

Kết quả kiểm toán ghi nhận, tổng nguồn lực toàn xã hội đã huy động cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 đến ngày 31/12/2021 là 376.217,681 tỷ đồng (nguồn lực ngân sách nhà nước (NSNN) chiếm 130.551,8 tỷ đồng; nguồn viện trợ nước ngoài gần 11.468,6 tỷ đồng; các chính sách hỗ trợ gần 140.589,3 tỷ đồng và huy động khác 93.608 tỷ đồng). Ngoài ra, Nhà nước còn xuất từ kho dự trữ 66.557,7 tấn gạo và sử dụng NSNN mua 75.459,6 tấn gạo để hỗ trợ cho hơn 10 triệu người ở các địa phương. Tổng nguồn phân bổ, sử dụng năm 2020, 2021 là 351.177,656 tỷ đồng. Trong đó, chi từ nguồn NSNN là 114.440,2 tỷ đồng; chi hết toàn bộ nguồn viện trợ nước ngoài; chi từ nguồn huy động khác 85.096,4 tỷ đồng…

Dựa trên những phát hiện kiểm toán, KTNN đã kiến nghị xử lý tổng số tiền là 6.789,74 tỷ đồng, trong đó kiến nghị xử lý tài chính 3.431,23 tỷ đồng và kiến nghị xử lý khác 3.358,51 tỷ đồng. Đồng thời, KTNN kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung kiểm tra, rà soát để chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những hạn chế hoặc xử lý theo quy định đối với những sai phạm được KTNN chỉ ra; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách còn bất cập…

3. Tích cực phối hợp và đóng góp hiệu quả vào công cuộc phòng, chống tham nhũng và tiêu cực

3.jpg

Năm 2022, KTNN đã tích cực tham gia Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực. KTNN đã phối hợp, tham gia với các cơ quan có liên quan trong việc chỉ đạo rà soát để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về PCTN, tiêu cực; chỉ đạo tham mưu xây dựng, thực hiện nghiêm quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, PCTN, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

KTNN đã xây dựng “Đề án quy định về kiểm soát quyền lực để PCTN, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán”; phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương xây dựng Dự thảo Đề án và quy định của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán; hoàn thành Báo cáo chuyên đề “Kiểm soát quyền lực, phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật thuộc lĩnh vực KTNN” gửi Ủy ban Tư pháp của Quốc hội…

Thực hiện quy định của Luật PCTN, ngay từ đầu năm, KTNN cũng đã ban hành Kế hoạch về công tác PCTN, tiêu cực của Ngành.

Với trách nhiệm thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực, KTNN đã cung cấp 830 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và tài liệu có liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra Bộ Công an và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát. Đặc biệt, KTNN đã chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định 8 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán.

KTNN cũng đã tích cực, chủ động cử lãnh đạo Ngành (3 lãnh đạo) tham gia làm thành viên các Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cùng với đó, căn cứ chương trình, kế hoạch giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, KTNN đã cử 14 lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng tham gia Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực và tham gia Tổ giúp việc các Đoàn giám sát.

4. Đẩy mạnh phối hợp thực hiện kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng

4.-kiem-tra-giam-sat-tu-lieu-.jpg

Ngày 21/4/2022, Ban cán sự đảng KTNN và Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương (Đảng ủy Khối) đã ký Quy chế phối hợp nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý đảng viên. Theo đó, hai bên phối hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng đảm bảo đúng thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ, tránh chồng chéo; trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến việc thực hiện các nhiệm vụ về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.

Khi có kết luận kiểm toán liên quan đến việc phải xử lý kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên tại các đảng bộ thuộc Đảng bộ Khối quản lý, KTNN thông báo cho Ban Thường vụ Đảng ủy Khối biết để phối hợp, xử lý theo quy định của Điều lệ Đảng.

Khi kiểm tra, giám sát đối với Đảng ủy, các cấp ủy và đảng viên trực thuộc Đảng bộ KTNN có dấu hiệu vi phạm, Đảng ủy Khối thông báo với Ban cán sự đảng KTNN để phối hợp thực hiện…

5. Đẩy mạnh kiểm toán quyết toán ngân sách Bộ, cơ quan trung ương và địa phương phục vụ cho quyết toán ngân sách nhà nước

5.-day-manh-kiem-toan-quyet-toan-ngan-sach-bo-co-quan-trung-uong-va-dia-phuong-phuc-vu-cho-quyet-toan-ngan-sach-nha-nuoc-tu-lieu-.png

Thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 và Kế hoạch kiểm toán trung hạn giai đoạn 2022-2024, năm 2022, ngoài kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2021 của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo kế hoạch thường niên, KTNN đã đẩy mạnh kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách của 8 Bộ, cơ quan trung ương và 22 địa phương. Qua kiểm toán, KTNN đã đánh giá, kết luận, kiến nghị về việc chấp hành dự toán thu, chi NSNN, về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của số liệu quyết toán; cung cấp cho Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Hội đồng nhân dân thông tin, số liệu tin cậy làm căn cứ xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN; góp phần tăng cường năng lực thẩm tra, quyết định, giám sát NSNN của Quốc hội, Hội đồng nhân dân.

Cũng trong năm 2022, KTNN đã ban hành Hướng dẫn kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách địa phương và Hướng dẫn kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách Bộ, cơ quan trung ương để đảm bảo tổ chức thực hiện kiểm toán thống nhất trong toàn Ngành và nâng cao chất lượng kiểm toán đối với lĩnh vực này.

6. Hoàn thành toàn diện Kế hoạch kiểm toán năm 2022 với nhiều điểm mới và kết quả quan trọng

6.jpg

KTNN đã thực hiện toàn diện Kế hoạch kiểm toán năm 2022. Tính đến ngày 15/12/2022, lãnh đạo KTNN đã xét duyệt 234/234 kế hoạch kiểm toán và 325 dự thảo báo cáo kiểm toán; phát hành 287 báo cáo kiểm toán. Tổng hợp kết quả kiểm toán đến ngày 30/11/2022, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 55.906 tỷ đồng, trong đó, tăng thu NSNN 3.070 tỷ đồng, giảm chi NSNN 25.687 tỷ đồng, kiến nghị khác 27.149 tỷ đồng.

Ngoài ra, KTNN còn kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 243 văn bản không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn; kiến nghị chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm kịp thời đối với những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các đơn vị được kiểm toán.

Cũng tính đến ngày 15/12/2022, các đơn vị được kiểm toán đã thực hiện kiến nghị về xử lý tăng thu, giảm chi NSNN 16.435 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 64,82%; kiến nghị xử lý khác thực hiện 29.770 tỷ đồng, đạt 71,6%. Có 15 văn bản đã được các cơ quan sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới thay thế cho các văn bản không còn phù hợp.

Đặc biệt, nhằm từng bước chuyển đổi từ phương pháp kiểm toán truyền thống sang phương pháp kiểm toán hiện đại dựa trên dữ liệu số, năm 2022, KTNN đã thí điểm kiểm toán từ xa đối với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Theo đó, KTNN đã nhận được 6.511 file tài liệu do VNPT cung cấp, giảm thiểu tác động của các yếu tố khách quan bất khả kháng và góp phần tăng tính minh bạch, hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán. Từ những kết quả đạt được, KTNN đã tổng kết, đánh giá cuộc kiểm toán, đề ra phương hướng cũng như điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán, hướng tới mục tiêu mở rộng phương pháp kiểm toán này trong thời gian tới.

7. Kiểm toán nhà nước trình Quốc hội ý kiến về chủ trương đầu tư 5 dự án quan trọng quốc gia

Thực hiện quy định của Luật KTNN và yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, KTNN đã đưa ra ý kiến về chủ trương đầu tư 5 dự án quan trọng quốc gia, gồm: Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh; Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.

7.jpg

Trong đó, KTNN đã đánh giá về sự cần thiết đầu tư các dự án, phương án thiết kế sơ bộ, hình thức đầu tư… Đặc biệt, KTNN đã cho ý kiến về tổng mức đầu tư của từng dự án và đề nghị Chính phủ chỉ đạo tính toán, rà soát kỹ sơ bộ tổng mức đầu tư, tính khả thi của tổng mức đầu tư, phương án thiết kế để đảm bảo khả năng cân đối nguồn vốn giai đoạn 2021-2025, nhằm triển khai cơ bản hoàn thành các dự án vào năm 2025.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, các báo cáo của KTNN có chất lượng tốt, đóng góp cho các cơ quan thẩm tra và Quốc hội trong việc đưa ra quyết định về chủ trương đầu tư các dự án. Việc trình Quốc hội ý kiến về chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia một mặt cho thấy tinh thần tích cực, chủ động của KTNN; mặt khác cũng đặt ra yêu cầu các cơ quan chức năng phải nhận thức được vị trí, vai trò quan trọng của KTNN.

8. Hoạt động hợp tác quốc tế được đẩy mạnh thời kỳ hậu Covid-19

8.jpg

KTNN đã thiết lập quan hệ hợp tác song phương với hơn 50 cơ quan kiểm toán tối cao; ký 26 thỏa thuận quốc tế với các KTNN, các tổ chức quốc tế. Thích ứng với trạng thái bình thường mới sau đại dịch, KTNN đã tăng cường nối lại quan hệ hợp tác song phương và đa phương. Về hợp tác song phương, lãnh đạo KTNN đã có các chuyến thăm và làm việc với lãnh đạo KTNN Lào, Thụy Sỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil; tham gia Hội nghị quốc tế về phòng, chống tham nhũng do Hungary tổ chức và triển khai nhiều hoạt động hợp tác với KTNN Lào... Về hợp tác đa phương, KTNN chủ động, tích cực tham gia hoạt động trong 5 Nhóm công tác của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI); chủ trì, phối hợp với KTNN Lào, Campuchia đăng cai tổ chức Khóa đào tạo chung về “Kiểm toán hoạt động trong doanh nghiệp nhà nước”...

Trên cương vị thành viên Ban Điều hành Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) nhiệm kỳ 2021-2024, KTNN luôn nỗ lực tham gia các hoạt động nhằm tiếp tục củng cố vị thế trong cộng đồng ASOSAI; đồng thời phát huy vai trò Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch chiến lược, phối hợp chặt chẽ với Ban Thư ký Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao Đông Nam Á (ASEANSAI) và Ủy ban Chia sẻ kiến thức triển khai các hoạt động đã đề ra.

9. Đẩy mạnh và kịp thời hơn trong công khai kết quả kiểm toán

Trong năm vừa qua, công tác công khai, cung cấp thông tin kết quả kiểm toán được KTNN đẩy mạnh thực hiện một cách kịp thời, chất lượng và hiệu quả. Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Tổng Kiểm toán nhà nước đã trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách năm 2020 với nhiều phát hiện quan trọng, được Quốc hội và cử tri cả nước hết sức quan tâm. Đồng thời, KTNN đã tổ chức Họp báo công bố Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2021; kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN năm 2020 và công khai Báo cáo kiểm toán chuyên đề “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ”, thu hút được sự theo dõi, đưa tin của hàng trăm cơ quan báo chí truyền thông trên cả nước.

9-.jpg

Đáng chú ý, các kênh thông tin của KTNN (Cổng thông tin điện tử KTNN, Báo Kiểm toán) cũng thường xuyên đăng tải những bài viết về kết quả của các cuộc kiểm toán lớn, các cuộc kiểm toán chất lượng vàng và những cuộc kiểm toán được công khai theo quy định của Luật KTNN.

Việc công khai thông tin về hoạt động kiểm toán nói chung và kết quả kiểm toán nói riêng đã góp phần đắc lực định hướng dư luận và nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong xã hội cũng như nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật…

Những kiến nghị nổi bật của KTNN khi được công khai sẽ giúp các cơ quan, đơn vị nhận thức rõ hơn về những thiếu sót, bất cập, từ đó tạo động lực thúc đẩy cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc các kiến nghị kiểm toán.

10. Lần đầu tiên xây dựng chương trình đánh giá năng lực cho công chức, kiểm toán viên nhà nước

10.jpg

Năm 2022, lần đầu tiên, KTNN đã hoàn thành việc xây dựng bộ ngân hàng câu hỏi theo từng lĩnh vực với tổng số 1.808 câu phục vụ công tác đánh giá việc cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động kiểm toán của KTNN. Việc xây dựng chương trình đánh giá năng lực kiểm toán viên nhằm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức KTNN đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn, làm cơ sở để bố trí, sắp xếp đoàn, tổ kiểm toán; các công việc liên quan đến công tác kiểm toán; tham gia giảng dạy; làm căn cứ để xem xét quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại.

Theo kế hoạch, bắt đầu từ năm 2023, KTNN sẽ thực hiện kiểm tra, đánh giá việc cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ với tần suất 3 năm/lần đối với mỗi cán bộ, công chức, viên chức./.

Cùng chuyên mục
10 sự kiện, hoạt động nổi bật của Kiểm toán nhà nước năm 2022