5 nhóm điểm mới quan trọng của Luật Đất đai (sửa đổi)

(BKTO) - Theo ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu cho biết, trong Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được thông qua, có hàng trăm điểm mới, trong đó có thể gom lại thành 5 nhóm điểm mới quan trọng, có tác động đến các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Sáng 18/01, tại phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Luật gồm 16 chương và 260 điều.

180120241010-dsc_9125.jpg
Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu tại Họp báo. Ảnh: PHẠM THẮNG

Tại buổi họp báo về kết quả Kỳ họp diễn ra ngay sau Phiên bế mạc, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu - một trong những đại biểu có quá trình theo dõi việc xây dựng, thẩm tra Dự thảo Luật - đã chia sẻ về quá trình xây dựng và thông qua dự luật này.

Theo ông Phan Đức Hiếu, Luật Đất đai (sửa đổi) là Dự án Luật rất khó và phức tạp; có ý nghĩa và tầm quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Khi trình Dự thảo Luật, Chính phủ cũng trình Dự thảo Nghị định ban hành kèm theo. Thống kê sơ bộ có khoảng 65 điều khoản giao Chính phủ quy định chi tiết. Do đó, Chính phủ sẽ ban hành các Nghị định để hướng dẫn thi hành 65 điều khoản này. Ông Hiếu cũng đề nghị Chính phủ sớm có kế hoạch triển khai thi hành Luật, trong đó, xác định việc soạn thảo, ban hành sớm các Nghị định hướng dẫn thi hành, bảo đảm Luật sớm đi vào cuộc sống.

Chia sẻ về những điểm mới trong Luật Đất đai (sửa đổi) ông Phan Đức Hiếu cho biết: “Nếu liệt kê chi li, có hàng trăm điểm mới trong Luật Đất đai (sửa đổi), nhưng trong quá trình nghiên cứu của cá nhân tôi cho thấy có 5 nhóm vấn đề mới”:

Nhóm vấn đề thứ nhất liên quan đến các quy định nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Nhóm này có nhiều quy định như mở rộng quyền sử dụng đất, tiếp cận đất đai đối với công dân Việt Nam, chính sách đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhóm vấn đề thứ hai liên quan đến tiếp cận đất đai của người dân và doanh nghiệp, trong đó có nhiều quy định mới, như: thu hồi đất phục vụ cho hạ tầng kinh tế - xã hội, phục vụ sản xuất kinh doanh - điều này được thiết kế mới, thể chế hoá đầy đủ Điều 54 của Hiến pháp là chỉ thu hồi đất trong trường hợp thật sự cần thiết; mở rộng quy định liên quan đến cơ chế thoả thuận về đất, chuyển mục đích sử dụng đất, người đang có đất; mở rộng quỹ đất; quỹ đất cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; nguồn lực đất đai cho xây dựng nhà ở xã hội...

Nhóm vấn đề thứ ba liên quan đến quy định nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Trong đó có quy định về đất sử dụng kết hợp đa mục đích; giới hạn, thu hẹp trường hợp phải xin phép; vấn đề nhận chuyển đổi đất nông nghiệp để tăng cơ hội tích tụ sản xuất quy mô lớn; vấn đề nhận chuyển nhượng đất trồng lúa với người không trực tiếp sản xuất nông nghiệp...

Nhóm vấn đề thứ tư, liên quan đến tài chính đất đai, trong đó đã tách bạch vấn đề về định giá đất; chính sách hỗ trợ miễn giảm về đất; một số chính sách ổn định tiền thuê đất như là một hoạt động đầu vào của hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nhóm vấn đề thứ năm, Luật có những quy định mới nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước đối với sử dụng đất đai, trong đó điểm đáng chú ý là cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, ví dụ vấn đề liên quan đến nhận chuyển nhượng dự án bất động sản, gia hạn đất nông nghiệp; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân trong một số trường hợp chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; huy động sự tham gia giám sát của người dân, tổ chức chính trị, xã hội vào quá trình xây dựng và thực thi Luật ở mọi công đoạn.

Ngoài ra, một trong những điểm mới quan trọng trong Luật Đất đai (sửa đổi) lần này là nâng cao chất lượng và cơ chế về thông tin dữ liệu đất đai để mọi người dân tiếp cận dễ dàng, đầy đủ hơn phục vụ đời sống, sản xuất kinh doanh.

Cấp sổ đỏ cho đất không giấy tờ trước ngày 01/07/2014

Thông tin thêm về quy định mới của Luật Đất đai (sửa đổi) về việc xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho những trường hợp không có giấy tờ, không vi phạm pháp luật về đất đai đến trước ngày 01/07/2014, ông Phan Đức Hiếu nêu rõ, Điều 138 của Luật Đất đai (sửa đổi) quy định: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất mà không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền đến trước ngày 01/07/2014.

hop-bao18.jpg
Quang cảnh Họp báo. Ảnh: VPQH

Theo ông Hiếu, Luật chỉ quy định một số nguyên tắc cơ bản và sau đó sẽ giao cho Chính phủ quy định chi tiết trường hợp nào, thời điểm nào, hồ sơ, giấy tờ, điều kiện cấp ra sao…

Luật Đất đai (sửa đổi) lần này cũng quy định rõ 3 mốc thời điểm công nhận quyền sử dụng đất với đất không giấy tờ, đang được cá nhân, hộ gia đình sử dụng ổn định.

Mốc 1, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trước ngày 18/12/1980, được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận không có tranh chấp thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Mốc 2 là hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất từ ngày 18/12/1980 đến trước ngày 15/10/1993, nay được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận không có tranh chấp thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Mốc 3 là hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 01/07/2014, được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận là không có tranh chấp thì diện tích được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Cùng chuyên mục
  • Động lực cho đổi mới mô hình tăng trưởng ngành nông nghiệp
    10 tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - Năm 2023, ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện đổi mới mạnh mẽ tư duy và mô hình tăng trưởng; tiếp tục thể hiện vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế, góp phần kìm chế lạm phát, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân trong bối cảnh khó khăn, thách thức đan xen. GS,TS. Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp đã chia sẻ với Báo Kiểm toán về vấn đề này.
  • Sửa Luật Thuế giá trị gia tăng để bao quát nguồn thu
    10 tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - Bộ Tài chính cho biết, sau 15 năm thực hiện, Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) đã đạt được kết quả quan trọng nhưng cũng bộc lộ một số hạn chế. Việc sửa đổi Luật Thuế GTGT nhằm bao quát các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu; bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, đảm bảo ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN)...
  • Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và những điều còn băn khoăn
    10 tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - Theo chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 5, ngày mai (18/1), Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Tuy nhiên, qua thảo luận, vẫn còn những điều khoản khiến đại biểu Quốc hội băn khoăn và hy vọng sẽ được tiếp thu, giải trình thấu đáo trước khi bấm nút thông qua.
  • Tăng cường kiểm tra, giám sát để phòng ngừa mất cán bộ trong lực lượng chức năng
    10 tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh yêu cầu này khi chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP) và Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) để tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, sáng 17/01, tại Hà Nội.
  • Dành vị trí thuận lợi nhất cho khu tái định cư
    10 tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - Đại biểu Quốc hội đề nghị, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần bổ sung quy định ưu tiên lựa chọn khu đất được quy hoạch là đất ở, có vị trí thuận lợi nhất trên địa bàn để hình thành khu tái định cư; tránh tình trạng có địa phương dành quỹ đất được quy hoạch ở có vị trí thuận lợi nhất cho đấu giá để thu tiền, còn khu xa, khó khăn không ai muốn mua thì bố trí khu tái định cư.
5 nhóm điểm mới quan trọng của Luật Đất đai (sửa đổi)