Động lực cho đổi mới mô hình tăng trưởng ngành nông nghiệp

PHỐ HIẾN (thực hiện) | 18/01/2024 09:15

(BKTO) - Năm 2023, ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện đổi mới mạnh mẽ tư duy và mô hình tăng trưởng; tiếp tục thể hiện vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế, góp phần kìm chế lạm phát, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân trong bối cảnh khó khăn, thách thức đan xen. GS,TS. Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp đã chia sẻ với Báo Kiểm toán về vấn đề này.

15a.jpg
Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức sản xuất. Ảnh minh họa

Năm qua, ngành nông nghiệp đã nỗ lực vượt khó và trở thành điểm sáng của nền kinh tế. Xin ông cho biết những kết quả nổi bật đó, thưa ông?

Năm 2023 trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, toàn ngành nông nghiệp đã nỗ lực phấn đấu đạt và vượt 5/6 chỉ tiêu Chính phủ giao với nhiều "điểm sáng”, thành tích nổi bật.

Tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế. Trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, khủng hoảng lương thực, nông nghiệp Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế “trụ đỡ” của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực trong nước, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Thặng dư thương mại cao nhất từ trước tới nay, đạt 12,07 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản duy trì mức cao, trên 53 tỷ USD, trong đó có 10 nhóm ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ USD trở lên. Năm 2023 là năm đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam xuất khẩu trên 8 triệu tấn gạo với tổng giá trị 4,8 tỷ USD. Đặc biệt, năm 2023 cũng ghi dấu mốc quan trọng đối với sự chuyển mình của ngành nông nghiệp nói chung, đó là lần đầu tiên ngành lâm nghiệp đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.250 tỷ đồng).

Ngoài những kết quả được định lượng qua các con số, năm qua, ngành nông nghiệp tiếp tục chú trọng phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản theo hướng chế biến sâu, giá trị cao. Toàn ngành cũng tập trung nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.

Việc chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao là tác nhân quan trọng đưa đến những kết quả vừa qua. Ông có thể phân tích thêm về vấn đề này?

Qua tổng kết đánh giá của ngành nông nghiệp cho thấy, những kết quả đạt được vừa qua ngoài các yếu tố thuận lợi khách quan, những nỗ lực nội tại của các đơn vị, của từng doanh nghiệp, bà con nông dân còn có dấu ấn rất lớn của định hướng chiến lược phát triển mà ngành nông nghiệp bám sát thực hiện trong những năm gần đây.

Theo đó, toàn ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện đổi mới tư duy và mô hình tăng trưởng một cách mạnh mẽ. Trong đó, ngành đã chuyển đổi mạnh từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp, từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông, lâm, thủy sản; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng theo đúng định hướng tại Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030.

Năm 2024, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu phát triển với các chỉ tiêu: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3-3,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản khoảng 54-55 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 80%.

Đơn cử, tư duy sản xuất nông nghiệp là bán cái mình có, tư duy kinh tế nông nghiệp là bán cái thị trường cần. Năm qua, người dân ngày càng quan tâm hơn tới đầu ra của sản phẩm, từ việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới mẫu mã và chủ động tìm kiếm thị trường, đặc biệt là thông qua các hoạt động thương mại điện tử. Hay tại các vùng nông nghiệp có thế mạnh du lịch, người nông dân đã biến thửa đất vừa phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, vừa trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn du khách. Đó chính là xu hướng chuyển từ phát triển sản xuất nông nghiệp “đơn giá trị” sang “đa giá trị”…

Năm 2024 dự báo nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Ngành nông nghiệp sẽ chủ động, thích ứng ra sao để hoàn thành kế hoạch đề ra, thưa ông?

Với động lực là kết quả đạt được năm vừa qua và những định hướng trong đổi mới tư duy sản xuất, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, bền vững, theo chỉ đạo của Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp hiện đại, kinh tế tuần hoàn; nhất là “Nông nghiệp bền vững, minh bạch và có trách nhiệm”, tiếp tục chuyển mạnh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông, lâm, thủy sản...

Ngành nông nghiệp sẽ chú trọng kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng ngành; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối hệ thống tiêu thụ toàn cầu.

Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao vào sản xuất; phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản theo hướng chế biến sâu, giá trị cao. Nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững ngành.

Với vai trò là cơ quan nghiên cứu, Viện sẽ tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo Bộ trong quá trình chuyển đổi tư duy, mô hình tăng trưởng để có đánh giá, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, định hướng trọng tâm xuyên suốt của ngành nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay, đó là thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế nông thôn theo hướng đi vào chiều sâu, đảm bảo chất lượng và bền vững, từ đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn.

Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

Cùng chuyên mục
  • Sửa Luật Thuế giá trị gia tăng để bao quát nguồn thu
    10 tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - Bộ Tài chính cho biết, sau 15 năm thực hiện, Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) đã đạt được kết quả quan trọng nhưng cũng bộc lộ một số hạn chế. Việc sửa đổi Luật Thuế GTGT nhằm bao quát các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu; bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, đảm bảo ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN)...
  • Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và những điều còn băn khoăn
    10 tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - Theo chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 5, ngày mai (18/1), Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Tuy nhiên, qua thảo luận, vẫn còn những điều khoản khiến đại biểu Quốc hội băn khoăn và hy vọng sẽ được tiếp thu, giải trình thấu đáo trước khi bấm nút thông qua.
  • Tăng cường kiểm tra, giám sát để phòng ngừa mất cán bộ trong lực lượng chức năng
    10 tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh yêu cầu này khi chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP) và Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) để tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, sáng 17/01, tại Hà Nội.
  • Dành vị trí thuận lợi nhất cho khu tái định cư
    10 tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - Đại biểu Quốc hội đề nghị, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần bổ sung quy định ưu tiên lựa chọn khu đất được quy hoạch là đất ở, có vị trí thuận lợi nhất trên địa bàn để hình thành khu tái định cư; tránh tình trạng có địa phương dành quỹ đất được quy hoạch ở có vị trí thuận lợi nhất cho đấu giá để thu tiền, còn khu xa, khó khăn không ai muốn mua thì bố trí khu tái định cư.
  • Chỉ thu hồi đất để thực hiện dự án với “dự án đầu tư xây dựng khu đô thị”
    10 tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 quy định theo hướng chỉ thu hồi đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ khi là “dự án đầu tư xây dựng khu đô thị”.
Động lực cho đổi mới mô hình tăng trưởng ngành nông nghiệp