500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam đóng góp tích cực cho nền kinh tế

(BKTO) - Báo cáo năm 2023 về 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VPE500) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) vừa công bố cho thấy, tuy VPE500 chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ về số lượng trên tổng gần 700.000 doanh nghiệp (DN) tư nhân trong nước nhưng nhờ quy mô và kết quả hoạt động vượt trội nên đã đóng góp lớn vào hoạt động của khối DN tư nhân trong nước và nền kinh tế.

thep.jpg
Năng suất lao động của VPE500 tăng khoảng 7,6%/năm. Ảnh: ST

Quy mô và kết quả hoạt động vượt trội

Theo ông Nguyễn Quốc Trường - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KHĐT), tại thời điểm ngày 31/12/2021, Việt Nam có 694.200 DN tư nhân trong nước, chiếm 96,6% tổng số DN đang hoạt động; thu hút 58,1% số lao động, chiếm 59,3% tài sản và tạo ra 57,8% doanh thu thuần của khối DN. 

Đáng chú ý trong số đó, nhóm VPE500 hoạt động vượt trội và vẫn duy trì tốt tốc độ tăng trưởng so với DN tư nhân trong nước nói chung, mức độ vượt trội thể hiện rõ trên khía cạnh quy mô và kết quả kinh doanh bình quân.

Ông Nguyễn Quốc Trường nêu: Trung bình giai đoạn 2019-2021, quy mô lao động của một DN thuộc VPE500 cao gấp 160 lần và tổng tài sản bình quân cao gấp 376 lần DN tư nhân trong nước nói chung.

Bình quân giai đoạn này, VPE500 chỉ chiếm 0,075% tổng số DN tư nhân trong nước nhưng tạo việc làm cho 12% lao động, chiếm 28% tổng tài sản, tạo ra 18,4% doanh thu gộp và đóng góp 18,4% nộp ngân sách của nhóm DN tư nhân trong nước.

Đại diện cho Nhóm nghiên cứu, ông Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Quốc tế (Viện Chiến lược phát triển) - chia sẻ, kết quả nghiên cứu VPE500 năm 2023 cho thấy, mặc dù xuất hiện ở 53/63 tỉnh, thành phố, 75% số DN tập trung nhiều ở vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Đông Nam Bộ và tập trung chủ yếu ở hai trung tâm kinh tế lớn là TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số địa phương như: Bình Dương, Đồng Nai, Hưng Yên (chiếm khoảng 50-52% tổng số DN lọt vào VPE500). Nhìn chung, VPE500 đang được hình thành dựa trên các lợi thế hạ tầng, nguồn lực và thị trường của các địa phương, tập trung nhiều nhất ở ngành công nghiệp chế biến chế tạo, thương mại và xây dựng.

DN dịch vụ vẫn chiếm ưu thế về số lượng DN trong VPE500, đặc biệt là trong nhóm 10 DN lớn nhất, trong đó: Ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm chiếm ưu thế với 7 DN (năm 2019), 9 DN (năm 2020) và 8 DN (năm 2021). Số lượng DN ngành thương mại trong Top10 giảm từ 3 DN năm 2019 xuống còn 1 DN trong hai năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, VPE500 cũng vượt trội so với DN tư nhân và các loại hình sở hữu khác về tỷ lệ thực hiện đổi mới sáng tạo và tự động hóa.

Có tới 43% DN thuộc VPE500 có hoạt động nghiên cứu và phát triển năm 2020, gấp gần 3 lần tỷ lệ của DN nhà nước; gấp 4 lần tỷ lệ của DN FDI và gần 27 lần tỷ lệ DN tư nhân nói chung.

Có tới 44% DN VPE500 có hệ thống tự động hóa, cao gấp 20 lần tỷ lệ của DN tư nhân trong nước (2,1%), cao hơn tỷ lệ 21,6% của DN nhà nước và 13,3% của DN FDI.

Một số phân tích định lượng của các chuyên gia nghiên cứu cho thấy, VPE500 có tác động lan tỏa về đầu tư tới các DN tư nhân trong nước với mức độ tác động lớn hơn của DN FDI và DN nhà nước - ông Trần Toàn Thắng cho biết.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, mỗi 1% vốn đầu tư tăng thêm của VPE500 làm tăng đầu tư của DN tư nhân trong nước thêm 0,45% trong năm đầu tiên và tăng thêm 0,26% trong năm tiếp theo, cho thấy đầu tư của các DN tư nhân lớn thúc đẩy nhu cầu đầu tư của các DN tư nhân nhỏ hơn với vai trò là nhà cung cấp hoặc DN vệ tinh của VPE500.

Cần xây dựng được một lực lượng các doanh nghiệp tư nhân lớn

Tuy nhiên, năng suất lao động của VPE500 không tăng nhanh như quy mô, cho thấy nhóm DN lớn đang phát triển dựa trên mở rộng sản xuất hơn là theo chiều sâu.

Năng suất lao động của VPE500 tăng khoảng 7,6%/năm, cao nhất trong các nhóm DN, nhưng không vượt trội so với các nhóm DN khác.

Trong khối DN tư nhân của Việt Nam, các DN quy mô lớn có vai trò đặc biệt quan trọng. Nhóm VPE500 được kỳ vọng như một lực lượng dẫn dắt và tạo ảnh hưởng trên thị trường, có thể định hình mô hình kinh doanh và tăng trưởng, cải tiến công nghệ, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu… 

Ông Nguyễn Quốc Trường - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KHĐT)

Vấn đề đáng lưu ý, theo ông Trần Toàn Thắng, có hiện tượng “chèn lấn đầu tư” đến từ DN FDI cùng ngành và ở hạ nguồn với DN tư nhân trong nước.

Mỗi 1% vốn đầu tư tăng thêm của DN FDI làm giảm 0,32% vốn đầu tư của DN tư nhân trong nước trong năm hiện tại và giảm thêm 0,16% trong năm tiếp theo.

Còn đầu tư công của khu vực nhà nước tuy có tác động lan tỏa, thu hút đầu tư tư nhân, nhưng tác động cũng nhỏ hơn khoảng 3 lần so với tác động của VPE500 và chỉ có hiệu lực cao trong năm đầu tiên.

Cùng với đó là hiệu ứng “chèn lấn thị trường”. Nhóm chuyên gia nghiên cứu nêu bằng chứng: Doanh thu của VPE500 tăng 1% sẽ làm giảm doanh thu của DN tư nhân 0,11% trong năm tiếp theo và tác động cạnh tranh này chủ yếu từ DN VPE500 cùng ngành và hạ nguồn.

Trong khi đó, doanh thu của DN thuộc VPE500 ở thượng nguồn thúc đẩy doanh thu của DN tư nhân trong nước với mức độ tác động tăng theo thời gian. Tương tự, cạnh tranh từ DN FDI cùng ngành và ở hạ nguồn làm giảm doanh thu của DN tư nhân trong nước.

Cũng theo ông Trần Toàn Thắng, các VPE500 hạ nguồn (VPE500 là khách hàng của DN tư nhân, hoặc DN tư nhân là nhà cung cấp của VPE500) có tác động tích cực tới năng suất lao động của DN tư nhân nhỏ hơn.

Tuy nhiên, VPE500 có tác động tiêu cực về năng suất tới các khách hàng là DN tư nhân khác, mặc dù mức tác động thấp (chỉ khoảng -0,048% và tăng lên -0,054% vào năm tiếp theo). Điều này có thể do số lượng DN tư nhân trong nước rất lớn và tác động của VPE500 tới nhóm khách hàng này không lớn.

Từ kết quả nghiên cứu, các chuyên gia của Bộ KHĐT khuyến nghị, cần thiết phải có những chính sách cụ thể hơn để xây dựng được một lực lượng các DN tư nhân lớn, phát triển ổn định, chống chịu được các cú sốc lớn từ bên ngoài và làm tăng hiệu quả của toàn nền kinh tế.

Đặc biệt, cần khuyến khích các DN lớn đầu tư để cải tạo năng suất chuyển dần sang tăng trưởng theo chiều sâu; thúc đẩy liên kết giữa các DN và nâng cao năng lực tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu…/. 

Cùng chuyên mục
500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam đóng góp tích cực cho nền kinh tế