Tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 86,9%
Theo BHXH Việt Nam, ước tính đến hết 30/6, số đối tượng tham gia BHYT là 81,59 triệu người, tỷ lệ bao phủ BHYT là 86,9%, đạt 100,2% so với chỉ tiêu Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg.
23 tỉnh có tỷ lệ bao phủ BHYT trên 90% dân số, 13 tỉnh đạt tỷ lệ bao phủ BHYT từ 85% dân số đến dưới 90%, 27 tỉnh đạt tỷ lệ bao phủ dưới 85%. Cả 63 tỉnh, thành phố đều đạt và vượt chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ BHYT được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg.
Các đối tượng gia tăng nhiều tập trung chủ yếu vào đối tượng nhóm 4 (nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình) với gần 15,69 triệu người tham gia, tăng 769 nghìn người so với thời điểm 31/12/2017. Nguyên nhân là do nhiều địa phương đã hỗ trợ 30% số tiền còn lại cho hộ gia đình cận nghèo. Đối với đối tượng tham gia theo hộ gia đình, nhiều địa phương đã hỗ trợ đóng BHYT đối với người thuộc hộ gia đình là người cao tuổi từ trên 60 tuổi đến dưới 80 tuổi; người có 30 năm tuổi đảng; người nhiễm HIV/AIDS...
60/63 tỉnh, thành phố chi vượt Quỹ Khám chữa bệnh BHYT trong 6 tháng đầu năm- Ảnh: Đ. Khoa |
Về công tác thu BHYT, tính đến 31/3/2018, tổng số thu BHYT là 18,4 nghìn tỷ đồng, đạt 20,6% so kế hoạch Chính phủ giao. Số nợ BHYT là 4,49 nghìn tỷ đồng, trong đó, NSNN chậm chuyển là 2,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 61,4% tổng số nợ BHYT. Ước tính 6 tháng đầu năm, tổng số tiền thu BHYT là 37,89 nghìn tỷ đồng, số nợ là 3,5 nghìn tỷ đồng (giảm so với 3 tháng đầu năm).
Chi phí thuốc, máu chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng chi khám chữa bệnh BHYT (37%); tiếp đến là chi cho tiền giường (16,85%), phẫu thuật thủ thuật (16,25%); xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh chiếm tỷ trọng 10% và 7,44%. |
Tỷ lệ sử dụng Quỹ ước tính 122,57%
Liên quan đến công tác quản lý và sử dụng Quỹ Khám chữa bệnh BHYT, BHXH Việt Nam cho biết, năm 2018, số cơ sở y tế ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT là 2.316 cơ sở. Số cơ sở khám chữa bệnh BHYT gia tăng nhanh trong năm 2018 (147 cơ sở), trong đó, công lập là 55 cơ sở và tư nhân là 91 cơ sở.
Số cơ sở khám chữa bệnh ký hợp đồng tăng, kết hợp với quy định khám chữa bệnh thông tuyến đã góp phần nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ cho người tham gia BHYT. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức đối với công tác giám định BHYT và kiểm soát chi phí KCB BHYT.
Ước tính 6 tháng đầu năm, tổng số lượt khám chữa bệnh BHYT là 84,9 triệu lượt; tần suất khám chữa bệnh BHYT là 1,04 lượt/thẻ, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2017.
Số chi khám chữa bệnh BHYT là 47,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 51,91% dự toán Chính phủ giao (chưa bao gồm số chi của nhóm đối tượng do BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân quản lý), tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo tính toán của BHXH Việt Nam, ước tính số đề nghị thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT 6 tháng đầu năm là 47,3 nghìn tỷ đồng, với tỷ lệ sử dụng Quỹ ước tính là 122,57%.
Chi phí bình quân/lượt khám chữa bệnh BHYT là 557,3 nghìn đồng/lượt (trong đó, ngoại trú là 235 nghìn đồng/lượt, nội trú là 3,85 triệu đồng/lượt), tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước.
Có 60/63 tỉnh, thành phố chi vượt Quỹ được sử dụng trong kỳ, trong đó, 13 tỉnh, thành phố bội chi Quỹ Khám chữa bệnh BHYT trên 200 tỷ đồng. Đứng đầu danh sách này là Nghệ An với con số bội chi hơn 751,9 tỷ đồng, tiếp đến là Thanh Hóa bội chi 749,1 tỷ đồng. Chỉ còn 3 tỉnh, thành phố cân đối được Quỹ BHYT, gồm: TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương./.
13 tỉnh, thành phố ước bội chi Quỹ Khám chữa bệnh BHYT trên 200 tỷ đồng gồm: Nghệ An; Thanh Hóa; Quảng Nam; Thái Bình; Quảng Ninh; Nam Định; TP. Hà Nội; Đồng Tháp; Hà Tĩnh; Phú Thọ; Hải Dương; TP. Hải Phòng; Thừa Thiên Huế. |