Báo cáo kiểm toán cho thấy, 26 chức vụ được Viện tạo lập mà không có sự chấp thuận của Bộ Tài chính liên bang, các khoản thanh toán bất thường cho nhân viên, việc nâng lương của Giám đốc Viện đã được thực hiện mà không được ủy quyền hợp pháp và 14 nhà khoa học được thăng cấp một cách tùy tiện, gây ra những thiệt hại lớn về tài chính. Báo cáo kiểm toán đã nêu rõ: "Việc tự ý tạo lập 26 chức vụ mà không có sự chấp thuận của Bộ Tài chính là vi phạm các quy định của Nhà nước, dẫn đến những sai phạm tài chính nghiêm trọng trong thanh toán tiền lương và trợ cấp cho nhân viên được tuyển dụng".
Theo CAG, Hội đồng quản trị của ARIES không có thẩm quyền để thăng cấp các vị trí hay trả lương cho nhân viên. Nhưng, mức lương của Giám đốc ARIES Ram Sagar đã được nâng gấp hai lần, vào tháng 4/2004 và tháng 8/2006 mà không có sự chấp thuận của cơ quan chủ quản... Tổng số tiền mà cựu Giám đốc này được hưởng lợi lên tới 43,7 nghìn Rupi (khoảng hơn 670 nghìn USD). Được biết, ông Sagar, người hiện đang phải đối mặt với cáo buộc hình sự nghiêm trọng, đã từng bị Tòa án CBI đặc biệt ở Dehradun đưa vào tù ngày 28/10/2014, trước khi được Tòa án Tối cao Uttarakhand cấp bảo lãnh vào tháng 12 năm đó. Báo cáo của CAG nhận định, ARIES với sự chấp thuận của Hội đồng quản trị vào tháng 4/2008 đã "hoạch định chính sách riêng của mình", theo đó việc thăng cấp cho 14 nhà khoa học là "vi phạm" các quy định của chính quyền Trung ương, dẫn đến “các khoản thanh toán không được chấp nhận” là 65,4 nghìn Rupi.
Ngoài ra, CAG còn phát hiện những bất thường về tài chính khác bao gồm việc thu hồi 20,8 nghìn Rupi từ các nhà thầu, và 83,9 nghìn Rupi thuế thu nhập công việc dẫn đến “các khoản lợi ích không mong muốn” cho các nhà thầu, chi phí 53,9 nghìn Rupi cho việc phát triển kính thiên văn không mang lại kết quả và 35,9 nghìn Rupi khác chi cho thiết bị mua sắm mà không được sử dụng cho mục đích đã hoạch định. Báo cáo của CAG cũng chỉ trích ARIES không lưu trữ các tài liệu, hồ sơ dự án.
Phản hồi về những phát hiện của CAG, đại diện ARIES, ông Ravindra Kumar cho biết: “Chúng tôi đã trình phúc đáp lên Bộ Tài chính và chưa thể bình luận thêm vào lúc này”.
Cuộc kiểm toán được thực hiện trong bối cảnh Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đang nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng của nền công nghiệp không gian nước này ra toàn cầu.
Ngày 28/9/2015, Ấn Độ đã trở thành nước đầu tiên trong các nước đang phát triển phóng thành công một đài quan sát thiên văn lên vũ trụ. Kính viễn vọng Astrosat do Ấn Độ chế tạo cùng 6 vệ tinh của nước ngoài đã được phóng lên vũ trụ bằng tên lửa đẩy PSLV-C30 từ sân bay vũ trụ Shriharikota, bang Andhra Pradesh, miền Nam Ấn Độ. Với việc phóng thành công đài thiên văn trên, Ấn Độ lần đầu tiên gia nhập nhóm các nước có đài quan sát thiên văn trên vũ trụ là Mỹ, Nga, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU).
Gần đây nhất ngày 15/02/2017, Giám đốc Tổ chức Nghiên cứu không gian Ấn Độ (ISRO) AS Kiran Kumar tuyên bố Ấn Độ đã phóng thành công tên lửa PSLV C37 mang theo 104 vệ tinh lên không gian. 104 vệ tinh này sẽ được dùng cho việc thiếp lập bản đồ trái đất, theo dõi tàu thuyền để giám sát đánh bắt trái phép và cướp biển, cũng như tiến hành các thử nghiệm không trọng lực. Đặc biệt, khoảng 3.000 vệ tinh sẽ được sẵn sàng phóng vào quỹ đạo trong 10 năm tới để phục vụ công tác điều hướng, hàng hải, giám sát và các ứng dụng vũ trụ khác.
NGỌC QUỲNH
(Theo India Times và The Hindu)