Chi bất thường hơn 9,07 tỷ Rupitại Cục Lương thực
Cuộc kiểm toán được thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 11/2015. Các kiểm toán viên đã tiến hành kiểm tra nhiều hợp đồng mua sắm nguyên, vật liệu, dược phẩm... của Cục và tiết lộ rằng, sổ sách tài chính của Cục Lương thực Punjab có nhiều khoản chi bất thường trị giá hơn 9,07 tỷ Rupi. Trong đó, gần 7,11 tỷ Rupi đã bị các lãnh đạo Cục dùng để mua chứng khoán trái phép. Nhiều quỹ khác cũng bị sử dụng bất hợp lý, tình trạng quản lý hồ sơ rất lỏng lẻo, thiếu minh bạch.
Báo cáo có tiêu đề “Báo cáo kiểm toán về các tài khoản của chính quyền Punjab: Năm tài khóa 2015-2016” cho rằng, tình trạng sử dụng ngân sách chi cho việc mua sắm riêng tư, trái quy định vẫn nghiễm nhiên diễn ra thường xuyên do năng lực của Ban lãnh đạo Cục rất yếu kém, không sát sao công tác kiểm soát nội bộ. Vấn đề này từng được báo cáo chi tiết trong cuộc họp của Ủy ban Tài chính các ban, ngành của Pakistan (DAC) được tổ chức vào ngày 15/01/2016.
Báo cáo kiểm toán tiết lộ thêm rằng, tình trạng thiếu hụt trái phiếu chính phủ tại cơ quan này còn gây ra một khoản lỗ 949 triệu Rupi. Một số phòng, ban trực thuộc Cục đã để xảy ra tình trạng thất thoát tài sản công trị giá gần 14 triệu Rupi. Vấn đề này đã được trao đổi với lãnh đạo các đơn vị tuy nhiên, họ chưa hề có phản hồi nào.
Báo cáo nhấn mạnh thêm, nếu tiến hành thu đủ những khoản nợ và tiền phạt từ các quan chức, ngân sách của Cục có thể thu về gần 705,4 triệu Rupi. Do đó, Báo cáo kiểm toán kiến nghị cần khẩn trương thu hồi các khoản nợ đọng và tăng cường công tác kiểm soát nội bộ tránh để xảy ra những sai sót trong tương lai.
Tổng Kiểm toán tỉnh Punjab đã khuyến cáo rằng, cần tổ chức một cuộc điều tra bổ sung nhằm xác định rõ trách nhiệm của những cá nhân, bộ phận không tuân thủ các quy định của pháp luật. Cục Lương thực Punjab cũng được yêu cầu giải trình rõ hơn về những hợp đồng mua sắm trên.
Nhiều sai phạm kháctại Cục Lâm nghiệp, động vậthoang dã và thuỷ sản
Cục Lâm nghiệp, động vật hoang dã và thủy sản Punjab cũng bị lên án đã chi dùng hơn 1,36 tỷ Rupi trái quy định. Ngoài ra, Cục này cũng cố tình trì hoãn việc hoàn trả khoản vay 560,7 triệu Rupi cho Chính phủ.
Báo cáo kiểm toán cho biết, Cục đã gây thiệt hại tới 50,7 triệu Rupi, số tiền này thu được từ hoạt động bán gỗ và đã rơi vào tay các cán bộ của cơ quan này. Nạn trộm cắp, phá rừng cũng diễn ra tràn lan không thể kiểm soát được do công tác kiểm soát nội bộ, quản lý tài sản vô cùng yếu kém.
Không những thế, việc trồng trọt bất hợp pháp trên đất rừng cũng gây thiệt hại cho Chính phủ khoảng 274 triệu Rupi; đất trồng trọt bị bán đấu giá tự do, không tuân theo các quy định của Bộ Lâm nghiệp. Rất nhiều vùng đất rộng lớn do cơ quan này quản lý đang bị canh tác bất hợp pháp trong một thời gian dài, tuy nhiên, Cục không hề có biện pháp xử lý, ngăn chặn tình trạng trên.
Diện tích rừng của Pakistan chỉ chiếm 3%, tuy nhiên thay vì được bảo tồn và nhân rộng, đất lâm nghiệp lại bị nhiều người dân địa phương chiếm dụng bất hợp pháp trong một thời gian dài mà không vướng phải sự can thiệp nào của chính quyền tỉnh hay Cục quản lý khiến rừng bị tàn phá nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ thiên tai, lũ lụt…
Bốn khu vườn quốc gia do Cục quản lý bị lên án đã chi tiêu lãng phí gây thiệt hại 138,4 triệu Rupi. Ba trong số đó thậm chí không có hoạt động gì, trong khi vẫn thường xuyên tiêu tốn ngân sách của Cục và của Chính phủ.
Các đơn vị trực thuộc Cục bị nêu tên trong Báo cáo kiểm toán đã thừa nhận hầu hết những phát hiện trong báo cáo nhưng vẫn đang tranh cãi về một số vấn đề chưa rõ ràng. Một cuộc điều tra bổ sung có thể sẽ sớm được tiến hành nhằm làm rõ hơn những phát hiện trong Báo cáo kiểm toán trên.
(Theo Express Tribunevà Pk.shafaqna)