Ấn Độ: Thất thoát ngân sách đáng kể trong các chương trình phúc lợi xã hội

(BKTO) - Trong báo cáo mới nhất phát hành đầu tháng 8 vừa qua, Cơ quan Tổng Kiểm soát và Kiểm toán Ấn Độ (CAG) cho biết, ngân sách Chính phủ dành cho phúc lợi xã hội trong giai đoạn 2012-2017 đã bị thất thoát đáng kể. Nguyên nhân là do việc giải ngân các gói hỗ trợ tài chính cho những người thụ hưởng không đủ điều kiện, các chương trình hỗ trợ bị chồng chéo, người thụ hưởng nhận trợ cấp nhiều lần trong cùng một chương trình.



Bản báo cáo kiểm toán hoạt động này của CAG ngay sau đó đã được đệ trình lên Quốc hội, trong đó đặc biệt chỉ trích những lỗ hổng tài chính tại 3 chương trình phúc lợi xã hội trọng yếu của Chính phủ Ấn Độ hiện nay: Chương trình An sinh xã hội Dayanand, Chương trình Griha Aadhar và Chương trình Laadli Laxmi. Các chương trình phúc lợi này về cơ bản cung cấp hỗ trợ tài chính hằng tháng cho những người có thu nhập bình quân đầu người hằng năm dưới 24.000 Rupee (tương đương khoảng 357 USD) và kèm theo các tiêu chí cụ thể khác để cấp hỗ trợ theo từng chương trình.

Qua kiểm toán, CAG đã phát hiện 25.176 người trong số 1,5 triệu người thụ hưởng là “không hợp lệ” và những người này ngay sau đó đã được gửi thông báo. Trong bản báo cáo, CAG lên tiếng chỉ trích Cơ quan Phát triển phụ nữ và trẻ em (DWCD) và Cơ quan Phúc lợi xã hội Ấn Độ - những cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện các chương trình phúc lợi xã hội này - đã không thẩm tra kỹ càng các hồ sơ tiếp nhận từ người thụ hưởng, thiếu các khảo sát quan trọng để xác định những người thụ hưởng không hợp lệ, các lỗ hổng trong hệ thống phần mềm quản lý hồ sơ chương trình, dẫn đến việc thất thoát hơn 1 tỷ Rupee (khoảng 14,3 triệu USD) trong giai đoạn 2012-2017.

Khi tiến hành thẩm tra thông tin với các đơn vị liên quan, CAG nhận thấy, nhiều người thụ hưởng không đáp ứng các tiêu chí về thu nhập, tuổi tác, thiếu hồ sơ hoặc hồ sơ hết hạn vẫn tiếp tục được nhận hỗ trợ tài chính của các chương trình này. Thậm chí, không ít người thụ hưởng còn nộp đơn xin trợ cấp từ nhiều chương trình hoặc có khi nộp đơn xin trợ cấp từ một chương trình dưới nhiều mã số đăng ký, số Chứng minh nhân dân khác nhau. Điển hình là Chương trình An sinh xã hội Dayanand được Chính phủ Ấn Độ khởi động vào tháng 01/2002 nhằm cung cấp hỗ trợ tài chính hằng tháng cho một bộ phận những người dễ bị tổn thương bao gồm: người cao tuổi (trên 60 tuổi), phụ nữ độc thân và người khuyết tật. Mặc dù các tiêu chí thẩm định hưởng lợi của Chương trình khá rõ ràng về độ tuổi, tình trạng dễ bị tổn thương kèm theo điều kiện người nộp đơn không được tiếp nhận hỗ trợ tài chính từ bất kỳ nguồn nào khác, song CAG phát hiện vẫn có đến hơn 6.000 người không nằm trong danh mục hưởng trợ cấp vẫn đều đặn tiếp nhận với tổng số tiền lên đến 400 triệu Rupee trong giai đoạn 2012-2017.

Bên cạnh đó, khi đối chiếu dữ liệu từ Cơ quan Đăng ký khai sinh - khai tử và lập bản đồ dữ liệu người thụ hưởng, CAG phát hiện có 108 người thụ hưởng theo Chương trình An sinh xã hội Dayanand và 31 người thụ hưởng theo Chương trình Griha Aadhar đã hết thời hạn thụ hưởng nhưng vẫn nhận được hỗ trợ tài chính định kỳ từ năm 2012 đến 2017. Thậm chí, nhiều người thụ hưởng đã chết hoặc thay đổi địa chỉ vẫn được đăng ký tiếp nhận trợ cấp theo Chương trình Griha Aadhar. Phân tích dữ liệu còn cho thấy, 123 người thụ hưởng theo Chương trình An sinh xã hội Dayanand và 172 người thụ hưởng theo Chương trình Griha Aadhar sở hữu xe bốn bánh nhưng lại được phân loại là dễ bị tổn thương về tài chính và nhận hỗ trợ về nhà tương ứng là 61.000 và 80.000 Rupee.

CAG kết luận, thiếu sót, yếu kém trong thẩm định và kiểm soát hồ sơ xét duyệt tại các cơ quan quản lý dẫn đến việc nhiều người dân có tình trạng tài chính tốt vẫn tiếp tục nhận hỗ trợ tài chính theo các chương trình phúc lợi của Chính phủ. Bên cạnh đó, thất thoát ngân sách trong các chương trình này cũng một phần do việc áp dụng không hợp lý một số quy định của Chương trình An sinh xã hội Dayanand năm 2001 và Chương trình Laadli Laxmi năm 2012.

Để cải thiện tình hình, CAG khuyến nghị, các cơ quan quản lý chương trình cần đánh giá lại tính hợp lệ của người thụ hưởng và loại bỏ ngay những đối tượng không đủ điều kiện, có biện pháp tức thời để khôi phục lại các khoản hỗ trợ tài chính đã cấp cho những đối tượng thụ hưởng không tồn tại, đồng thời thiết lập một cơ chế mới để duy trì và lưu trữ các hồ sơ, thông tin của người thụ hưởng trong các chương trình.

NGỌC QUỲNH
Theo Báo Kiểm toán số 35 ra ngày 30-8-2018
Cùng chuyên mục
  • Ủy ban Kiểm toán Philippines: Phát triển năng lực kiểm toán dựa trên nền tảng CNTT
    6 năm trước Kiểm toán quốc tế
    (BKTO) - Sớm nhận thấy những thách thức về công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động kiểm toán, ngay từ đầu những năm 1990, Ủy ban Kiểm toán Philippines đã thành lập và thể chế hóa Trung tâm CNTT (CoA) trực thuộc Ủy ban, nhằm cải thiện việc cung cấp dịch vụ kiểm toán và đáp ứng yêu cầu về một hệ thống quản lý tài chính công tốt hơn.
  • Canada: Nhiều người nhập cư trái phép bị giam giữ và đối xử bất công
    6 năm trước Kiểm toán quốc tế
    (BKTO) - Vừa qua, Hãng kiểm toán độc lập Katherine Laird (KL) của Canada đã lần đầu tiên tiến hành cuộc kiểm toán xem xét vấn đề giam giữ người nhập cư trái phép tại quốc gia này. Báo cáo kiểm toán của KL chỉ ra nhiều bất cập trong quá trình tạm giam những đối tượng trên.
  • Ảnh hưởng của Trí tuệ nhân tạo tới nghề nghiệp kiểm toán tại Nhật Bản
    6 năm trước Kiểm toán quốc tế
    (BKTO) - Sau sự bùng nổ của trào lưu Dữ liệu khổng lồ (Big data), Trí tuệ nhân tạo (AI) đã xuất hiện và được dự báo sẽ làm thay đổi lĩnh vực kế toán, kiểm toán tại Nhật Bản cũng như trên toàn thế giới. Liệu AI sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới, việc làm mới hay sẽ gây ra tình trạng thất nghiệp hàng loạt, thậm chí xóa sổ một số nghề nghiệp nhờ các hệ thống máy tính có trí thông minh hơn cả con người như: nhận thức qua một số giác quan, nhận dạng giọng nói, ra quyết định, dịch ngôn ngữ…?
  • Nhiều hiệp hội bóng đá thiếu minh bạch  trong việc sử dụng các khoản viện trợ của FIFA
    6 năm trước Kiểm toán quốc tế
    (BKTO) - Ngày 09/8, Liên đoàn Bóng đá Quốc tế (FIFA) thông tin, FIFA sẽ hạn chế nguồn tài chính viện trợ cho Hiệp hội Bóng đá Liberia (LFA). Quyết định này được đưa ra sau kết quả của cuộc kiểm toán gần đây cho thấy các quan chức bóng đá Liberia có nhiều sai phạm trong việc quản lý Quỹ Tài chính phát triển bóng đá nước này. Điều đáng nói, LFA chỉ là một trong số hàng trăm các hiệp hội bóng đá thiếu minh bạch trong việc sử dụng các khoản tài trợ của FIFA.
  • Canada: Nhiều nhà máy chế biến thủy hải sản không tuân thủ các quy định về môi trường
    6 năm trước Kiểm toán quốc tế
    (BKTO) - “Báo cáo kiểm toán tuân thủ đối với các nhà máy chế biến thủy hải sản” do Bộ trưởng Bộ Môi trường và Biến đổi khí hậu Canada George Heyman công bố đầu tháng 7/2018 cho biết, phần lớn các nhà máy chế biến thủy hải sản tại nước này không tuân thủ theo Đạo luật về quản lý môi trường, đây là nguyên nhân dẫn tới ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng và những rủi ro về sức khỏe con người.
Ấn Độ: Thất thoát ngân sách đáng kể trong các chương trình phúc lợi xã hội