Cần thay đổi để đạt được mục tiêu lớn
Báo cáo xem xét các khía cạnh, bao gồm: Tính hiệu quả của các cơ chế hiện có để lãnh đạo, điều phối các hoạt động đổi mới và nghiên cứu; các thỏa thuận cung cấp hỗ trợ nghiên cứu, đổi mới vì mục tiêu phát thải ròng bằng 0 có phù hợp với các lĩnh vực, thách thức được nêu ra trong Khung đổi mới và nghiên cứu không; các kế hoạch rà soát tiến độ thực hiện, đánh giá tác động và kết quả đạt được.
Bộ Chiến lược kinh doanh, năng lượng và công nghiệp (BEIS) chịu trách nhiệm về chính sách liên quan đến phát thải ròng bằng 0 cho đến khi trách nhiệm này được chuyển giao cho Bộ An ninh năng lượng và Phát thải ròng bằng 0 (DESNZ) vào ngày 07/02/2023. BEIS xác định, mục tiêu phát thải ròng bằng 0 sẽ yêu cầu một bước thay đổi về tỷ lệ các công nghệ và quy trình mới được xây dựng, triển khai trên thị trường, đồng thời được các doanh nghiệp và người tiêu dùng chấp nhận.
Chính phủ tin rằng, sự phát triển của công nghệ hướng tới phát thải ròng bằng 0 sẽ mang lại cho các doanh nghiệp Anh lợi thế cạnh tranh trên thị trường thế giới. Một đánh giá của Chính phủ đã nêu bật phân tích của các chuyên gia tư vấn vào năm 2020, theo đó ước tính các công nghệ tái tạo và khai thác carbon thấp có thể hỗ trợ 804.000 việc làm vào năm 2030; 1,38 triệu việc làm vào năm 2050 ở Anh.
Tháng 6/2019, Nghị viện Anh đã thông qua sửa đổi Đạo luật biến đổi khí hậu năm 2008, đặc biệt đưa ra cam kết Vương quốc Anh sẽ đạt được mức phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050.
Việc BEIS xây dựng và ban hành Khung nghiên cứu và đổi mới vì mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đã xác định rõ các ưu tiên của Chính phủ trong việc theo đuổi mục tiêu và giúp phổ biến các ưu tiên này cho nhiều bên liên quan. Việc xây dựng Khung nghiên cứu và đổi mới đã giúp kết nối các Bộ và cơ quan hỗ trợ tài chính trong toàn Chính phủ, bắt đầu đặt ra những câu hỏi về cách thức hỗ trợ thực hiện đổi mới.
Tuy nhiên, Báo cáo kiểm toán chỉ ra một số vấn đề vẫn còn thiếu, như: Chưa có cơ quan chịu trách nhiệm giám sát tiến trình từ đầu đến cuối trong hệ thống đổi mới ở các lĩnh vực ưu tiên; các mốc quan trọng trong hoạt động chưa được thể hiện rõ ràng; mức độ chấp nhận rủi ro của Chính phủ trong việc hỗ trợ thực hiện các ưu tiên trong danh mục đổi mới chưa được xác định.
Tiếp tục xây dựng Khung nghiên cứu và đổi mới
NAO UK cho biết, kế hoạch triển khai gần đây do DESNZ ban hành lần đầu tiên tổng hợp các khoản kinh phí cần thiết (ước tính 4,2 tỷ bảng Anh) đầu tư vào khu vực công để thực hiện nghiên cứu và đổi mới hướng tới phát thải ròng bằng 0 đến năm 2025. Đây là một thành tựu có ý nghĩa và một bước đi quan trọng.
Tuy nhiên, NAO UK cảnh báo DESNZ còn rất nhiều việc cần làm. Sự phức tạp của các lộ trình tài trợ kinh phí, nhiều lộ trình được xác định trước khi xây dựng kế hoạch cung ứng sẽ khiến DESNZ khó theo dõi chi tiêu, xác định lỗ hổng hoặc sự trùng lặp trong việc cung cấp kinh phí, đánh giá kinh phí được phân bổ.
Chính phủ dự tính Khung nghiên cứu và đổi mới sẽ bao trùm toàn bộ quá trình đổi mới, trong đó có chiến lược tài chính cập nhật và các lộ trình đầu tư. Tuy nhiên, hoạt động nhằm hỗ trợ các giai đoạn sau của quá trình đổi mới, bao gồm cả việc tiếp nhận các cải tiến mới trên thị trường vẫn chưa được tập hợp.
NAO UK khuyến nghị, DESNZ cần hành động nhanh chóng để tăng cường hơn nữa các cơ chế quản trị và triển khai dựa trên các hoạt động hiệu quả đã được thực hiện để xây dựng Khung nghiên cứu và đổi mới. Nếu không triển khai các hành động ngay lập tức, có nguy cơ Chính phủ sẽ không đạt được các mục tiêu kinh tế và carbon, khó có thể đảm bảo hiệu quả chi tiêu từ khoản đầu tư 4,2 tỷ bảng Anh.
Kể từ năm 2009, để hỗ trợ các cam kết khử carbon, Vương quốc Anh đã xây dựng ngân sách carbon có tính ràng buộc về mặt pháp lý, giúp hạn chế tổng lượng khí nhà kính Anh có thể thải ra trong khoảng 5 năm. Đến nay, Anh đã thiết lập các kế hoạch ngân sách đến giai đoạn 2033-2037. Chính phủ hy vọng, nghiên cứu và đổi mới sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Vương quốc Anh đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0./.
(Theo nao.org.uk và tổng hợp)