Anh: Cần báo cáo và giám sát tốt hơn các khoản công nợ tiềm tàng

(BKTO) - Tạp chí Kế toán và Kinh doanh của Hội Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA) vừa qua đã đăng bài viết “Cần rà soát các khoản công nợ tiềm tàng”.

Công nợ tiềm tàng là một thuật ngữ được sử dụng cho các nghĩa vụ tài chính tiềm tàng có thể phát sinh trong tương lai. Mặc dù hiện khoản này chưa phải là công nợ hiện tại, nhưng có thể trở thành chi phí mà Chính phủ phải chi trả tùy thuộc vào các sự kiện phát sinh.

Các sự kiện có thể bao gồm các vụ kiện trong tương lai từ các cá nhân, tổ chức hoặc khả năng xảy ra các sự cố như làm sạch môi trường hoặc các khoản thuế phải hoàn trả.

london-cityscape-ukessay1222-3c3b4b23062f410080b77839b31243a6.jpg
Các khoản công nợ tiềm tàng của Anh tăng cao so với năm trước. Ảnh ST

Trong một bài thuyết trình có tựa đề “Tại sao các khoản công nợ tiềm tàng của các chính phủ cần được báo cáo và giám sát tốt hơn”, ông David Heald - Giáo sư danh dự tại Trường Kinh doanh Adam Smith của Đại học Glasgow, đã chỉ ra xu hướng một số chính phủ thường chuyển các nghĩa vụ thành các khoản công nợ tiềm tàng.

Do đó, việc xem xét kỹ lưỡng cách thức các khoản công nợ tiềm tàng được sử dụng, báo cáo là đặc biệt quan trọng khi tài chính của chính phủ đang căng thẳng và dưới sự kiểm tra chặt chẽ của báo chí, công chúng cũng như thị trường tài chính. Các chính phủ trên khắp thế giới hiện đang phải xoay sở với những khoản chi tiêu bổ sung khổng lồ trong thời kỳ lạm phát cao và vừa mới trải qua đại dịch Covid-19.

Ông Alex Metcalfe, Giám đốc khu vực công toàn cầu tại ACCA cho biết: “Chúng tôi nhận thấy áp lực tài chính gia tăng ở nhiều quốc gia trên thế giới vào thời điểm này. Với lãi suất tăng lên và nhiều quốc gia đang phải gánh chịu cảnh nợ nần do hậu quả của thời kỳ Covid-19, các quốc gia có thể cảm thấy bị “lôi kéo” sử dụng những phương thức tài khóa này”. Đây là một ví dụ về tầm quan trọng của các khoản công nợ tiềm tàng có thể xảy ra.

Theo Báo cáo tài chính nhà nước gần đây nhất của Vương quốc Anh, các khoản công nợ tiềm tàng đã được công bố ở mức 464,1 tỷ bảng cho năm 2019-2020, tăng 77,3 tỷ bảng so với năm trước. Trong số đó, 84,6 tỷ bảng được coi là “không quá xa” và lẽ ra phải đưa vào báo cáo theo Chuẩn mực kế toán. Các khoản công nợ trong tương lai ở Vương quốc Anh chủ yếu là từ Quỹ Bảo vệ hưu trí, tính đến thời điểm báo cáo đang có giá trị là 250 tỷ bảng.

Ngoài ra, hiện có nhiều quốc gia đang chuyển từ kế toán thực thu thực chi sang kế toán dồn tích. Hiện tại chỉ có khoảng 25% quốc gia sử dụng kế toán dồn tích, trong đó có Vương quốc Anh. Tuy nhiên ACCA dự đoán đến năm 2030, con số này sẽ tăng lên khoảng 75%. Điều này rất quan trọng bởi vì trong môi trường thực thu thực chi, chúng ta không tính đến các khoản công nợ tiềm tàng hoặc phải thuyết minh chi tiết hơn và cũng không có Báo cáo tình hình tài chính.

Kế toán dồn tích sử dụng Báo cáo tình hình tài chính và trong đó có thông tin các khoản công nợ tiềm tàng. Nếu được sử dụng phù hợp, quy trình này có thể mang lại một bức tranh rõ ràng hơn nhưng cũng có thể được sử dụng để che dấu các khoản công nợ tiềm tàng trong ngắn hạn mà chính phủ phải đối mặt. Điều đó có nghĩa là các chính phủ nên cẩn trọng trong việc phân loại rủi ro tài chính./.

(Theo ACCA)

Theo: ACCA
Copy Link
Cùng chuyên mục
Anh: Cần báo cáo và giám sát tốt hơn các khoản công nợ tiềm tàng