NAO cho rằng, Chính phủ đã không hành động theo cơ chế “chính phủ một cửa” và dữ liệu đã không được chia sẻ giữa các cơ quan. NAO cho biết, Chính phủ Anh mới chỉ ở giai đoạn đầu của việc sử dụng kết hợp dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và phân tích để ngăn chặn gian lận và tham nhũng. Tuy nhiên do các quy trình chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan còn chậm chạp và quan liêu trên các hệ thống đã lỗi thời nên các công chức tham gia rất hạn chế.
NAO cho biết, khoảng 10 tỷ bảng thiệt hại do thất thu “đặc biệt là do trốn thuế hoặc tấn công tội phạm”; gần 7 tỷ bảng gian lận liên quan đến chương trình hỗ trợ nạn nhân Covid-19 có thể tránh được nếu các cơ quan, tổ chức thực hiện kiểm tra và đối chiếu dữ liệu tốt hơn. Các chuyên gia về phòng, chống gian lận và tội phạm mạng cho biết việc không phối hợp dữ liệu sẽ khiến các cơ quan phải gánh chịu hậu quả, đồng thời đề xuất sử dụng nhiều công cụ phân tích dữ liệu hơn từ các tổ chức dịch vụ chuyên nghiệp để phát hiện gian lận.
Văn phòng Nội các Vương quốc Anh đã sử dụng một số công nghệ có khả năng ngăn chặn việc thất thoát ngân sách cũng như các lỗ hổng của cơ quan chính phủ. Đây là một phần trong nhiệm vụ của Chính phủ nhằm nâng cao năng lực của Cơ quan Phòng, chống gian lận khu vực công (PSFA) mới được thành lập. Tuy nhiên, không chỉ có những thách thức về văn hóa và chính sách mà còn cả những rào cản về phần cứng và phần mềm mà các cơ quan chính phủ và PSFA cần giải quyết trước khi có thể chia sẻ dữ liệu và thông tin tình báo một cách liền mạch.
Người phát ngôn của Văn phòng Nội các cho biết: “Từ năm 2021, chúng tôi đã đầu tư hơn 900 triệu bảng vào các hoạt động phòng, chống gian lận và việc thành lập PSFA đang đẩy mạnh nỗ lực của Chính phủ để bảo vệ tiền thuế của người dân. Chính phủ đã thu hồi được hơn 3,1 tỷ bảng các khoản thất thoát do gian lận trong 2 năm qua, bao gồm cả chương trình hỗ trợ nạn nhân Covid-19. Chúng tôi đang mở rộng lĩnh vực chống gian lận của Chính phủ, phát triển các công nghệ mới và nâng cao kỹ năng cũng như đào tạo để bảo vệ ngân sách công nhiều hơn”.
Theo NAO, “PSFA (được ra mắt vào tháng 8/2022) có thể giúp điều phối tốt hơn các nỗ lực của Chính phủ và cung cấp các dịch vụ đáp ứng một số nhu cầu năng lực trong toàn Chính phủ. Nhưng nhiều dịch vụ và chức năng trung tâm không thành công vì không đạt được sự ủng hộ từ các cơ quan. PSFA cần hợp tác với các cơ quan có khả năng phòng, chống gian lận của Chính phủ và cần sự hỗ trợ của các cơ quan khác”./.