Bản phân tích mới nhất cho biết, mức độ tham nhũng, gian lận đã tăng mạnh trong quá trình thực hiện các dự án phát triển, từ 74,02 tỷ shilling Tanzania (TZS), tương đương 31,58 triệu USD, vào năm 2020-2021 lên 1,13 nghìn tỷ TZS vào năm 2021-2022. Số tiền bị nghi vấn gian lận trong Báo cáo kiểm toán chính quyền địa phương đã tăng gấp 4 lần, từ 122,6 tỷ TZS vào năm 2020-2021 lên 654,83 tỷ TZS vào năm 2021-2022.
Đối với Báo cáo kiểm toán các cơ quan công, qua phân tích ghi nhận mức giảm 76,64 tỷ TZS, tương đương 6,5%. Điều này có nghĩa là các sự cố tham nhũng và gian lận đã giảm xuống từ 1,175 nghìn tỷ TZS trong năm trước còn 1,097 nghìn tỷ TZS vào năm 2021-2022. Ông Ludovick Otouh, kiêm vai trò Giám đốc điều hành của Viện Trách nhiệm giải trình công Wajibu (WIPI) cho biết: “WIPI đã xác định các trường hợp có dấu hiệu gian lận và tham nhũng ước tính trị giá 3,11 nghìn tỷ TZS, tương đương với 9% tổng chi tiêu của Chính phủ là 36,06 nghìn tỷ TZS cho năm tài chính 2021-2022, thấp hơn so với con số 3,37 nghìn tỷ trong năm 2020-2021”.
Trong các khuyến nghị của mình, ông Ludovick Utouh cho rằng: “Báo cáo của Cục Phòng, chống tham nhũng cùng với báo cáo của Văn phòng Tổng Kiểm toán và Kiểm soát Tanzania cần được trình lên Quốc hội phê duyệt nhằm phổ biến tài liệu công khai, hướng tới nâng cao trách nhiệm giải trình và mở đường cho việc thi hành các biện pháp nghiêm ngặt chống lại những đối tượng có liên quan đến hành vi biển thủ công quỹ”.
Ông Utouh cũng cho biết, trên tinh thần Chính phủ nắm bắt công nghệ trong hoạt động và quyết tâm chuyển đổi thành chính phủ điện tử, WIPI ủng hộ mạnh mẽ việc giảm khung thời gian báo cáo tài chính của quốc gia từ 9 tháng như hiện tại xuống còn 6 tháng. Điều này sẽ giúp Ủy ban Giám sát của Quốc hội có nhiều thời gian hơn để xem xét kỹ lưỡng các báo cáo của Văn phòng Tổng Kiểm toán và Kiểm soát, hỗ trợ cho quá trình xây dựng ngân sách giai đoạn tiếp theo của quốc gia./.