Thách thức trong áp dụng IFRS tại Việt Nam
Ngày 16/3/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 345/QĐ/BTC phê duyệt Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam. Theo đó, mục tiêu cụ thể áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam gồm 2 nội dung.
Thứ nhất là xây dựng phương án, lộ trình và công bố, hỗ trợ áp dụng IFRS tại Việt Nam cho từng nhóm đối tượng cụ thể được xác định, phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm mục đích nâng cao tính minh bạch, trung thực của báo cáo tài chính, nâng cao trách nhiệm giải trình của DN đối với người sử dụng báo cáo tài chính.
Thứ hai là ban hành mới và tổ chức thực hiện hệ thống chuẩn mực báo cáo tài chính Việt Nam (VFRS) theo nguyên tắc tiếp thu tối đa thông lệ quốc tế, phù hợp với đặc thù của nền kinh tế Việt Nam và nhu cầu của DN, đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện.
Trong đó, giai đoạn 2020-2021 là chuẩn bị, giai đoạn 2022-2025 là áp dụng tự nguyện, giai đoạn sau năm 2025 là áp dụng bắt buộc.
Các đối tượng áp dụng IFRS theo Quyết định số 345/QĐ/BTC ngày 16/3/2020 của Bộ Tài chính:
Các DN bao gồm: Các DN có nhu cầu, đủ khả năng và nguồn lực áp dụng IFRS, được xác định theo từng giai đoạn phù hợp với lộ trình được công bố và các DN khác thuộc mọi lĩnh vực, thành phần kinh tế hoạt động tại Việt Nam áp dụng VFRS.
Các DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ không có nhu cầu và điều kiện áp dụng IFRS hoặc VFRS không thuộc đối tượng áp dụng của Đề án.
Các cơ sở đào tạo, hội nghề nghiệp và đơn vị cung cấp dịch vụ bao gồm: Các đơn vị có các hoạt động phối hợp nghiên cứu, đào tạo, cung cấp dịch vụ và hỗ trợ triển khai áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế và chuẩn mực báo cáo tài chính Việt Nam.
Cơ quan quản lý nhà nước, bao gồm: Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan trong hoạt động xây dựng phương án, lộ trình và công bố, hỗ trợ áp dụng IFRS; nghiên cứu, xây dựng, ban hành, đào tạo và hướng dẫn tổ chức thực hiện VFRS.
Trao đổi với phóng viên Báo Kiểm toán về vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Kiểm toán PwC Việt Nam, thành viên Ủy ban Cố vấn ACCA Việt Nam - bà Lương Thị Ánh Tuyết - cho biết, hiện nay, việc áp dụng IFRS tại Việt Nam đang diễn ra tương đối tích cực mặc dù còn hơn hai năm nữa mới đến giai đoạn áp dụng bắt buộc theo Quyết định số 345/QĐ/BTC của Bộ Tài chính.
DN ở Việt Nam đang ngày càng nhận thức được lợi ích của việc áp dụng IFRS, như: Nâng cao chất lượng và khả năng so sánh của thông tin tài chính, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn quốc tế, nâng cao uy tín và danh tiếng của DN cũng như chuẩn bị cho việc tuân thủ theo lộ trình áp dụng IFRS tại Việt Nam. Chưa kể, một số DN trong quá trình triển khai phần mềm kế toán hoặc phần mềm hoạch định nguồn lực DN (ERP) cũng đã tích hợp và triển khai IFRS lên trên các hệ thống mới này.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý tại Việt Nam cũng đang tạo điều kiện thuận lợi để DN chuyển đổi sang IFRS thông qua việc cung cấp các hướng dẫn và hỗ trợ. Bộ Tài chính đã thành lập Ban biên dịch và Ban soát xét bản dịch IFRS sang tiếng Việt nhằm đưa IFRS được tiếp cận rộng rãi tại Việt Nam.
Đồng thời, Bộ Tài chính đã phối hợp với nhiều DN, tổ chức nghề nghiệp, hiệp hội các DN nước ngoài để tổ chức các buổi hội thảo nhằm lắng nghe ý kiến đóng góp và tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia đã áp dụng thành công IFRS.
Tuy nhiên, bà Tuyết cho rằng, việc áp dụng IFRS tại Việt Nam còn một số thách thức cần vượt qua, như: Đào tạo và tăng cường năng lực cho đội ngũ kế toán và các chuyên gia, hệ thống công nghệ thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu về triển khai IFRS trong DN, sự chồng chéo của các văn bản quy phạm pháp luật, thị trường vốn và thị trường tài chính chưa phát triển đủ mạnh...
Những lưu ý khi xây dựng lộ trình áp dụng IFRS
Theo Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Kiểm toán PwC Việt Nam, thực tế cho thấy, mỗi DN có một chiến lược riêng trong việc chuyển đổi và áp dụng IFRS tùy loại hình, hoạt động kinh doanh, quy mô và đặc biệt là sự đồng hành và ủng hộ của ban lãnh đạo. Lãnh đạo của công ty cần sớm cập nhật xu hướng áp dụng IFRS tại Việt Nam và thế giới, cũng như nắm được lợi ích của việc áp dụng IFRS. Điều này sẽ giúp công ty xác định được chiến lược áp dụng IFRS vào DN một cách phù hợp.
Hơn nữa, việc sớm lên kế hoạch triển khai IFRS mang lại nhiều lợi ích cho công ty như: Gia tăng năng lực cạnh tranh của DN, phân bổ ngân sách phù hợp, tích hợp hiệu quả triển khai IFRS vào các kế hoạch hiện tại của DN, nâng cao chất lượng của việc triển khai IFRS tại DN.
Mặt khác, thiết kế một lộ trình áp dụng IFRS riêng sẽ giúp công ty chủ động trong việc triển khai các hoạt động liên quan đến IFRS. Đồng thời, có thể giúp công ty giảm được chi phí triển khai IFRS thông qua việc chuẩn hóa và tập trung hóa các quy trình.
Bà Tuyết khuyến nghị: Khi xây dựng lộ trình áp dụng IFRS, các công ty cần chú ý đánh giá tính sẵn sàng áp dụng IFRS, tác động của việc áp dụng IFRS, so sánh lợi ích và chi phí của việc áp dụng, năng lực và nguồn lực của nhân viên công ty trong việc áp dụng, xây dựng các quy trình kiểm soát và thu thập dữ liệu, hệ thống công nghệ thông tin, xác định năm đầu tiên áp dụng IFRS…
Đặc biệt, bà Tuyết lưu ý, hiện nay việc áp dụng IFRS đòi hỏi hệ thống công nghệ thông tin hiện đại hỗ trợ quá trình thu thập, chuẩn hóa và xử lý dữ liệu, cũng như kết nối mọi hoạt động từ tất cả các phòng ban bên trong DN hoặc với các bên liên quan từ bên ngoài.
Đồng thời, DN cần xây dựng kế hoạch đào tạo IFRS phù hợp cho không chỉ đội ngũ trực tiếp làm IFRS mà cả lãnh đạo của DN - người sử dụng và đưa ra các quyết định liên quan đến báo cáo tài chính theo IFRS.
Việc triển khai thành công IFRS có thể sử dụng các năng lực nội tại của DN. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của PwC, DN nên tìm kiếm sự hỗ trợ của đội ngũ chuyên gia tư vấn triển khai IFRS chuyên nghiệp. Điều này sẽ giúp DN có các bước đánh giá và ra quyết định phù hợp, tránh gây lãng phí hoặc có các lựa chọn không tối ưu.
Mặt khác, liên tục đánh giá và điều chỉnh quá trình áp dụng IFRS để đảm bảo tuân thủ chính xác và hiệu quả. Điều này bao gồm việc xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ, đảm bảo chất lượng thông tin báo cáo tài chính và cải thiện các quy trình liên quan./.