Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống: Cần hài hòa lợi ích, trách nhiệm ba bên

Nguyễn Duyên - Diệu Thiện | 08/08/2024 17:14

(BKTO) - Việc đề xuất tăng thuế cũng như bổ sung mặt hàng mới vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) cần được xem xét cẩn trọng, đánh giá tác động đa chiều để hài hòa lợi ích, trách nhiệm và tính khả thi đối với Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Sáng 08/8 tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức Hội thảo Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và ngành đồ uống.

z5711197870290_d902343884c47bb42184adcbb4e36a14.jpg
Ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam (VBA) - phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Nguyễn Duyên  

Đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt cần được xem xét cẩn trọng

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam (VBA) - cho biết, hiện nay, các cơ quan, dư luận đang rất quan tâm tới đề xuất tăng thuế TTĐB cao theo hai phương án mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đối với mặt hàng rượu, bia và việc mở rộng việc áp thuế với mặt hàng nước giải khát có đường.

Các đề xuất này sẽ có tác động lớn, không chỉ trực tiếp tới các doanh nghiệp ngành hàng sản xuất kinh doanh rượu, bia, nước giải khát mà còn tác động tới chuỗi ngành hàng liên quan, tới lao động, an sinh xã hội…

Ông Nguyễn Văn Việt thông tin: Theo số liệu được Oxford Economic đưa ra, ngành bia đóng góp 555 tỷ USD vào GDP toàn cầu, tạo ra 23 triệu công ăn việc làm và đóng góp 66 tỷ USD tiền thuế cho các chính phủ trên toàn thế giới trong năm 2019. Mặc dù ngành bia chỉ chiếm khoảng 3% lao động nhưng đang tạo ra tới 7% giá trị gia tăng trong ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và chiếm khoảng 6% tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Theo tính toán, cứ 1 công việc trực tiếp tại nhà máy tạo ra khoảng trên 50 công việc gián tiếp trong chuỗi cung ứng phụ trợ.

“Những đề xuất tăng thuế cao cũng như bổ sung mặt hàng mới vào đối tượng chịu thuế TTĐB cần được xem xét cẩn trọng, đánh giá thật kỹ lưỡng toàn diện trong điều kiện ở Việt Nam, tham vấn các ý kiến chuyên gia, nhà khoa học… để có chính sách đảm bảo hài hòa các lợi ích nhất” - ông Nguyễn Văn Việt nhấn mạnh.

Đánh giá tác động đa chiều, trước mắt và lâu dài

z5710154337499_48bf0531b4230a428af2b27d3705a30e.jpg
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Nguyễn Duyên  

Cũng tại Hội thảo, theo nhận định của TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm tác động tới nền kinh tế trong nước, ngành đồ uống gặp rất nhiều khó khăn, lợi nhuận bình quân toàn ngành liên tục giảm (năm 2021 giảm 12%, năm 2022 giảm 6%, năm 2023 giảm 10-12% so với năm trước).

Đối với ngành đồ uống, ngoài khó khăn chung, doanh nghiệp ngành đồ uống còn đối mặt với những khó khăn riêng. Đó là không được hưởng chính sách hỗ trợ thuế giá trị gia tăng (giảm 2%) đối với đồ uống có cồn.

Không những thế, doanh nghiệp đồ uống cũng đang phải đối mặt với tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng trôi nổi đối với rượu, bia khá phức tạp. Lối sống, hành vi tiêu dùng thay đổi, đòi hỏi doanh nghiệp phải thích ứng.

do-uong.jpg
Các doanh nghiệp đồ uống phải đối mặt với nhiều khó khăn sau đại dịch Covid 19, lợi nhuận bình quân toàn ngành liên tục giảm (năm 2021 giảm 12%, năm 2022 giảm 6%, năm 2023 giảm 10-12% so với năm trước). Ảnh minh họa. 

Kết quả kinh doanh toàn ngành suy giảm qua các năm. Theo Statista (tổ chức thu thập, phân tích dữ liệu), doanh thu thị trường đồ uống Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 27,12 tỷ USD, trong đó, phân khúc đồ uống không cồn đạt mức doanh thu 10,22 tỷ USD (chiếm 37,7%); đồ uống có cồn khoảng gần 17 tỷ USD (chiếm 62,3%).

Lợi nhuận bình quân toàn ngành liên tục giảm. Năm 2021 giảm 12%, năm 2022 giảm 6%, năm 2023 ước giảm 10-12% so với năm trước. Thu ngân sách nhà nước (NSNN) toàn ngành giảm bình quân 10%/năm giai đoạn 2020-2023 (theo Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam).

“Áp dụng thuế TTĐB theo nội dung Dự thảo sửa đổi có thể tăng thu ngân sách nhà nước trong ngắn hạn, nhưng trong trung - dài hạn sẽ làm giảm sức cầu tiêu dùng, giảm doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp. Qua đó, giảm thu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế thu nhập doanh nghiệp” - TS. Cấn Văn Lực phân tích.

Việc tăng thuế đối với đồ uống có đường chưa chắc đã giúp giảm tỷ lệ các căn bệnh béo phí, tim mạch vì căn bệnh này có nhiều nguyên nhân khác. Việc tăng thuế không giúp giảm áp lực lên NSNN hỗ trợ y tế.

Đặc biệt, việc tăng mạnh và nhanh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn có thể ảnh hưởng đến hiệu quả đóng góp NSNN lâu dài,  tạo ra tình huống “khó chồng khổ" đối với doanh nghiệp và người lao động trong ngành cũng như các ngành liên quan (bao bì, vận tải, du lịch, dịch vụ ăn uống).

Đó là chưa kể, Dự thảo Luật còn mang tính cào bằng đối với đồ uống có nồng độ cồn khác nhau. Khó điều tiết hành vi tiêu dùng.

Bởi vậy, ông Lực khuyến nghị, Dự thảo Luật cần có sự hài hòa lợi ích, trách nhiệm và tính khả thi đối với Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Có đánh giá tác động đầy đủ, có cơ sở khoa học và thực tiễn.

“Những mặt hàng đưa vào đối tượng chịu thuế cần làm rõ cơ sở khoa học, thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế và đặc thù của Việt Nam (như nước giải khát có đường chẳng hạn). Đồng thời, cần đánh giá tác động NSNN và các mặt khác một cách đa chiều hơn, cả trước mắt và lâu dài” - ông Lực nhấn mạnh.

Còn theo bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA), việc điều chỉnh tăng thuế suất các mặt hàng rượu bia trong thời gian tới là cần thiết và phù hợp chủ trương của Đảng và nhà nước. Tuy nhiên, việc tăng thuế TTĐB cao, liên tục có thể không mang lại hiệu quả cao như mục tiêu của thuế TTĐB đề ra.

Nên xem xét phương án giãn thời gian tăng thuế suất có lộ trình để các doanh nghiệp có điều kiện xây dựng phương án, chuyển đổi sản xuất kinh doanh, không bị xáo trộn quá lớn. Ví dụ năm đầu tăng thuế suất 5%, các năm tiếp theo thuế suất sẽ tăng theo lộ trình vài năm thay vì 1 năm; không tăng thuế quá đột ngột và có lộ trình để các tổ chức kinh doanh có thời gian chuyển đổi - bà Nguyễn Thị Cúc cho hay.

Kiến nghị chưa bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

Với việc “Bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml, vào đối tượng chịu thuế TTĐB”, chuyên gia dinh dưỡng PGS, TS. Nguyễn Thị Lâm - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng - chia sẻ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thừa cân béo phì mà đồ uống có đường không phải là nguyên nhân chính. Các thực phẩm có chứa đường và đồ ngọt nói chung chỉ cung cấp khoảng 3,6% tổng năng lượng đưa vào cơ thể.

PGS, TS. Nguyễn Thị Lâm khuyến nghị, thay vì áp thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường, để giảm tình trạng thừa cân béo phì, đặc biệt là ở trẻ em, chúng ta cần tăng cường truyền thông giáo dục tại nhà trường về dinh dưỡng cân đối, hợp lý phòng chống thừa cân béo phì. Sử dụng hợp lý các nguồn thực phẩm, kiểm soát chế độ ăn không dư thừa. Tăng cường các hoạt động thể chất...

Đối với đề xuất của Bộ Tài chính là tăng thuế TTĐB cao đối với rượu, bia và bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB, báo cáo đánh giá tác động của Ban soạn thảo mới chỉ đề cập tới con số tăng thu ngân sách mà chưa có các đánh giá định lượng mức độ ảnh hưởng, tác động cụ thể tới giảm sản lượng, doanh thu của doanh nghiệp là bao nhiêu, ảnh hưởng tới lao động, an sinh xã hội như thế nào, tác động tới các ngành hàng liên quan trong chuỗi cung ứng, dịch vụ ra sao…

Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam cho rằng, đối với hai phương án lấy ý kiến lần này cần xem xét, đánh giá cẩn trọng và có lộ trình, xem xét lùi thời điểm áp dụng, giãn tiến độ và giảm mức tăng thuế suất đối với ngành rượu, bia trên cơ sở đánh giá toàn diện các tác động trong điều kiện thực tế ở Việt Nam.

Riêng đối với mặt hàng nước giải khát có đường hiện nay còn rất nhiều tranh luận về các bằng chứng khoa học liên quan tới đối tượng áp dụng, nguyên nhân chính gây thừa cân béo phì, bệnh không lây nhiễm. Do vậy, xem xét chưa nên bổ sung mặt hàng này vào đối tượng chịu thuế  TTĐB trong giai đoạn này. Cần đánh giá thật kỹ lưỡng toàn diện, tham vấn các ý kiến chuyên gia, nhà khoa học với đề xuất mặt hàng mới này - Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam kiến nghị./.

Cùng chuyên mục
Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống: Cần hài hòa lợi ích, trách nhiệm ba bên