Văn hóa là lĩnh vực quan trọng đối với hiệu quả hoạt động bền vững của một tổ chức và mang lại sự thay đổi có tính cải tiến. Việc thay đổi văn hóa cần có sự trao đổi rõ ràng và thuyết phục về mục đích và định hướng cụ thể cho tương lai. Cuộc kiểm toán của ANAO đưa ra đảm bảo cho Nghị viện về tính hiệu quả của việc xây dựng và thực hiện cải cách văn hóa của Bộ Nông nghiệp, Nước và Môi trường (DAWE), bao gồm cả việc sử dụng các chuyên gia tư vấn để hỗ trợ thực hiện chương trình cải cách. Kế hoạch chi tiết do DAWE xây dựng vạch ra các hoạt động chính cần thực hiện như một phần của chương trình cải cách. Ước tính kinh phí ban đầu cho việc thực hiện Kế hoạch chi tiết này là khoảng 1,2 tỷ USD trong 4 năm.
Mục tiêu của cuộc kiểm toán là đánh giá tính hiệu quả của việc xây dựng và thực hiện chương trình cải cách văn hóa của DAWE trước khi có những thay đổi Bộ máy Chính phủ vào tháng 7/2022. Ngày 01/7/2022, DAWE được đổi tên thành Bộ Nông nghiệp, Ngư nghiệp và Lâm nghiệp (DAFF) thông qua việc chuyển các chức năng liên quan đến môi trường và nước để thành lập Bộ Biến đổi khí hậu, Năng lượng, Môi trường và Nước (DCCEEW).
Cuộc kiểm toán phát hiện, việc thiết kế và xây dựng chương trình cải cách văn hóa của DAWE phần nào đạt được hiệu quả; Việc lập kế hoạch để xây dựng chương trình cải cách của DAWE tương đối hợp lý; Các hoạt động thỏa thuận hỗ trợ thực hiện chương trình cải cách đạt được hiệu quả một phần. Tuy nhiên, việc giám sát và báo cáo đối với chương trình cải cách không đạt hiệu quả. Báo cáo tiến độ của các sáng kiến cụ thể đã không cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ. Do những hạn chế về tính đầy đủ của dữ liệu, các biện pháp thực hiện phần lớn không hiệu quả để đo lường tác động của chương trình cải cách. DAWE đã không thực hiện đánh giá theo kế hoạch đối với chương trình cải cách. DAWE cũng không hoàn thành các hoạt động kết nối chi phí với nhau trước khi bắt đầu chương trình cải cách.
Từ các phát hiện kiểm toán như trên, Tổng Kiểm toán ANAO đã đưa ra 4 khuyến nghị liên quan đến việc xây dựng định hướng đối với chương trình cải cách; việc giám sát hoạt động cải cách; việc thiết lập các tiêu chí thực hiện phù hợp với mục đích và việc thiết lập khuôn khổ đánh giá cải cách thường xuyên. DAFF đã đồng ý với cả 4 khuyến nghị này./.