Một số lĩnh vực cần được cải thiện
Cuộc kiểm toán nằm trong chuỗi các cuộc kiểm toán được thực hiện nhằm đánh giá công tác quản trị và hoạt động của CLC.
CLC được thành lập theo Đạo luật về quyền đất đai của vùng lãnh thổ phía Bắc năm 1976 (Đạo luật ALRA). CLC cũng là một tổ chức của Khối thịnh vượng chung Australia theo Đạo luật quản trị công, hiệu quả và trách nhiệm giải trình 2013 (Đạo luật PGPA) và là Cơ quan đại diện quyền sở hữu bản địa theo Đạo luật quyền sở hữu bản địa 1993 (NTA).
Hiện nay, CLC quản lý các khu vực có diện tích 777 nghìn km2 (bằng 1/10 diện tích Australia). Cuộc kiểm toán cho thấy, các thỏa thuận quản trị của CLC theo Đạo luật ALRA, NTA và PGPA phần lớn có hiệu quả. Tuy nhiên, các quy định về việc ủy quyền của CLC chưa rõ ràng, chưa xác định được trách nhiệm chính của đối tượng được ủy quyền.
Theo Văn phòng, các thỏa thuận của CLC nhằm thúc đẩy việc sử dụng và quản lý hợp lý các nguồn tài nguyên theo Đạo luật PGPA phần lớn là phù hợp, tuy nhiên, các thỏa thuận để quản lý rủi ro gian lận và xung đột lợi ích cần cải thiện đáng kể.
Văn phòng cho biết thêm, trách nhiệm giải trình tại CLC chưa thực sự được chú trọng. Ban lãnh đạo CLC cũng cần cải thiện quyền ra quyết định một cách thích hợp, tuân theo các Đạo luật trên, cần quản lý hiệu quả các chức năng lập pháp theo các Đạo luật cũng như thiết lập các cơ chế phù hợp để thúc đẩy việc sử dụng, quản lý hợp lý các nguồn lực.
Khuyến nghị giúp cải thiện hoạt động của CLC
Cuộc kiểm toán đã đưa ra nhiều khuyến nghị cụ thể dành cho CLC. Theo đó, CLC cần thiết lập một hệ thống các tài liệu phục vụ công tác quản trị. CLC cần tăng khả năng tiếp cận của các bên liên quan, của công dân đối với các quy tắc, biên bản của Hội đồng và Ban chấp hành.
Bên cạnh đó, CLC cần phát triển một cơ chế để tăng cường sự tham gia của các thành viên đối với hoạt động của tổ chức đặc biệt khi CLC đưa ra các quyết sách quan trọng. Song song với đó, cần tăng cường giám sát các thỏa thuận để phát hiện và giải quyết mọi hành vi không tuân thủ luật pháp.
CLC cũng được khuyến nghị tăng cường quản lý, giám sát công tác mua sắm công, đặc biệt cần sát sao hơn đối với các kế hoạch mua sắm của Chương trình phát triển cộng đồng.
Bên cạnh đó, cần xem xét Kế hoạch quản lý rủi ro hàng năm, trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ như loại bỏ các khuôn khổ, chính sách lỗi thời, đảm bảo Kế hoạch quản lý rủi ro và hồ sơ rủi ro được các cơ quan có thẩm quyền thông qua...
Văn phòng Kiểm toán cho rằng, CLC cần tiến hành đánh giá bộ chính sách của tổ chức để đảm bảo các chính sách được thông qua và xem xét phù hợp, nội dung đầy đủ, chính xác; cần tiến hành đánh giá rủi ro gian lận thường xuyên và thực hiện kế hoạch kiểm soát gian lận để quản lý rủi ro hiệu quả.
Văn phòng Kiểm toán cũng đưa ra một số khuyến nghị khác liên quan đến việc quản lý xung đột lợi ích trong tổ chức; quản lý tài liệu; xây dựng quy trình quản lý, quy tắc ứng xử nhân sự... của CLC.
Đặc biệt, CLC được yêu cầu sửa đổi Điều lệ của Ủy ban Kiểm toán và Rủi ro của CLC, yêu cầu Ủy ban cung cấp một báo cáo cho cơ quan có trách nhiệm, ít nhất mỗi năm 1 lần, sau khi đánh giá sự phù hợp của báo cáo tài chính và hiệu quả hoạt động của CLC để đảm bảo rằng Ủy ban đang thực hiện hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ.
CLC đã đồng ý với hầu hết các khuyến nghị được đưa ra và đang thảo luận, xem xét thêm đối với một số khuyến nghị trước khi thực hiện./.