Ấn Độ: Chung tay vì sự phát triển bền vững trên toàn cầu

(BKTO) - Cơ quan Tổng Kiểm toán và kiểm soát Ấn Độ (CAG) đặt mục tiêu chung tay thiết lập một khuôn khổ cho các quốc gia G20 (Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới) để đảm bảo sự công bằng giữa các thế hệ và giảm thiểu biến đổi khí hậu trong quá trình phát triển.

Nỗ lực vì sự tiến bộ chung

Dưới nhiệm kỳ Chủ tịch của Ấn Độ, các nhà lãnh đạo G20 sẽ giải quyết các nhu cầu cấp bách về chính sách để đạt được sự tiến bộ chung, công bằng và tăng trưởng toàn diện.

Ấn Độ đã thiết lập tinh thần và quan điểm về cam kết đối với xu hướng phát triển xanh, nền kinh tế tuần hoàn và thay đổi hành vi lối sống như một kế hoạch khả thi nhằm đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững năm 2030.

home-gall-img-2.jpg
Nhóm tham gia của các Cơ quan Kiểm toán tối cao họp tại Ấn Độ. Ảnh sưu tầm

Ấn Độ đã tổ chức một loạt sự kiện trên toàn quốc để tập trung vào các giải pháp cho nhiều vấn đề từ tài chính khí hậu, chia sẻ công nghệ đến tài chính toàn diện và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.

Đặc biệt, CAG đã chủ trì cuộc họp của các Cơ quan Kiểm toán tối cao của các nước G20 (SAI20) tại bang Goa và lựa chọn 2 lĩnh vực ưu tiên cho các cuộc thảo luận gồm: nền kinh tế xanh và trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm.

CAG nhấn mạnh sự tham gia của các SAI trong việc tham vấn cho các nhà lãnh đạo, điều hành là rất quan trọng nhằm cân bằng các mối quan tâm chính về phát triển, đồng thời đảm bảo phát triển bền vững.

Theo CAG, các SAI đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy công bằng và giải quyết các mối lo ngại về biến đổi khí hậu; đảm bảo lợi ích và tăng trưởng kinh tế công bằng giữa các thế hệ.

Do đó, CAG xác định phải xây dựng các công cụ dựa trên công nghệ để đánh giá các dải đất ven biển và theo dõi chất lượng nước biển. Các quốc gia thành viên SAI20 đang tham gia vào một hoạt động hợp tác để xây dựng các bộ công cụ kiểm toán liên quan trên toàn cầu cùng với bản tóm tắt về các nghiên cứu điển hình và những thách thức trong khuôn khổ kiểm toán không gian ven biển rộng lớn hơn.

Ưu tiên dài hạn cho nền kinh tế xanh

Ấn Độ đã đánh dấu nền kinh tế xanh là một trong 10 lĩnh vực cốt lõi góp phần vào Chính sách kinh tế xanh quốc gia; hướng tới mục tiêu khai thác tài nguyên biển, bảo tồn đa dạng sinh học biển phong phú của quốc gia.

Với vai trò là cơ quan kiểm toán công, CAG luôn coi trọng tính độc lập, trách nhiệm giải trình và tính minh bạch; kiên định với cam kết tăng cường kiểm toán hoạt động và tuân thủ liên quan đến tài chính nhà nước, quản trị địa phương và kiểm toán môi trường. Trong đó, thiết lập các tiêu chuẩn về tính tuân thủ và khuôn khổ kế toán quốc gia đối với nền kinh tế xanh là ưu tiên dài hạn của CAG.

Các bộ công cụ do SAI20 xây dựng dưới sự lãnh đạo của CAG Ấn Độ đã được trình bày tại cuộc họp của Nhóm tham gia SAI20. Đây sẽ là cơ hội cho việc đối thoại và thỏa thuận mang tính xây dựng nhằm cải thiện việc kiểm toán hiệu quả hoạt động trong các lĩnh vực cụ thể.

Tháng 8/2022, CAG đã đệ trình Báo cáo bảo tồn hệ sinh thái ven biển lên Quốc hội. Báo cáo xem xét tính hiệu quả của các động lực phát triển như giải phóng mặt bằng dự án, hoạt động xây dựng, năng lực thể chế để hạn chế vi phạm liên quan đến đất đai và rừng, cơ chế hỗ trợ sinh kế cộng đồng, cũng như các kế hoạch quản lý để bảo tồn đa dạng sinh học.

Nỗ lực hợp tác này không chỉ tăng cường năng lực cho kiểm toán viên các quốc gia SAI20 mà còn giúp các cộng đồng kiểm toán khu vực như Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á và Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Phi, bằng cách cung cấp một công cụ kiểm toán chung và có thể nhân rộng.

Công cụ kiểm toán này sẽ giúp đánh giá việc các mục tiêu chính sách được lập kế hoạch và được thực hiện như thế nào, mức độ hiệu quả nguồn lực được duy trì như thế nào trong khi tận dụng các cơ hội kinh tế hướng tới mô hình phát triển toàn cầu, dựa trên nền kinh tế xanh thực sự bền vững./.

Cùng chuyên mục
Ấn Độ: Chung tay vì sự phát triển bền vững trên toàn cầu