Các quốc gia cần tiếp cận toàn diện các Mục tiêu phát triển bền vững

(BKTO) - Vừa qua, Ủy ban Chuẩn mực kế toán công quốc tế (IPSASB), Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC) và Ủy ban Kế toán châu Âu (AE) đã đồng tổ chức hội thảo liên quan đến việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững tại Brussels (Bỉ).

Báo cáo khu vực công chưa được hoàn thiện

Hội thảo thu hút đông đảo sự tham gia của các bên với hơn 100 người dự hội thảo trực tiếp và hơn 700 người tham gia trực tuyến từ hơn 130 quốc gia.

Hội thảo tập trung bàn về quá trình tiến tới các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), về các nguồn lực cần thiết để cung cấp hướng dẫn báo cáo khẩn cấp cho khu vực công.

afa-1-434_1.jpg
IFAC tổ chức nhiều hội thảo chung với các bên liên quan. Ảnh sưu tầm

IFAC đặc biệt nhấn mạnh, khu vực công cần một cách tiếp cận toàn diện đối với SDGs. Để tiến gần tới SDGs, bao gồm cả các mục tiêu liên quan đến biến đổi khí hậu, khu vực công cần phải có hành động khẩn cấp, tích cực hơn.

Tuy nhiên, cho đến nay, khuôn khổ báo cáo khu vực công để hỗ trợ các chính phủ đo lường, báo cáo cách thức giải quyết tình trạng khẩn cấp khí hậu toàn cầu và các thách thức bền vững khác vẫn chưa có.

Là một cơ quan xây dựng chuẩn mực cho khu vực công và với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, IPSASB đang xem xét cách thức có thể thay đổi điều này. Để nâng cao nhận thức về các bước tiếp theo của IPSASB nhằm thúc đẩy hoạt động báo cáo bền vững của khu vực công và thu hút sự tham gia của các bên liên quan trên toàn cầu, 3 cơ quan đã đồng tổ chức hội thảo để bàn về những kế hoạch IPSASB đang theo đuổi.

Mở đầu hội thảo, Giám đốc điều hành AE Olivier Boutellis-Taft nhấn mạnh: “Sẽ không có quá trình chuyển đổi bền vững nếu không có các cơ quan, tổ chức khu vực công tiên phong dẫn đầu”.

Chủ tịch IPSASB Ian Carruthers tiếp tục trình bày những nét chính về dự án báo cáo phát triển bền vững của IPSASB.

Ông Ian Carruthers lưu ý: “Phản hồi mà chúng tôi nhận được từ các bên liên quan trên toàn thế giới rất rõ ràng: Khu vực công cần có khuôn khổ báo cáo phát triển bền vững cụ thể của riêng mình và IPSASB phải là tổ chức dẫn dắt quá trình xây dựng khuôn khổ đó. IPSASB hiện đã phát triển một khuôn khổ để hướng dẫn giai đoạn nghiên cứu và xác định phạm vi quan trọng đầu tiên này”.

Phó Tổng Giám đốc Ngân sách Mục tiêu phát triển tại Ủy ban châu Âu Maria-Rosa Aldea Busquets cho biết: “Chuyển đổi xanh là ưu tiên hàng đầu của Ủy ban châu Âu và chúng tôi đang đầu tư vào quá trình lập báo cáo để đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, tôi phải thừa nhận rằng đây không phải là một chủ đề dễ dàng”.

Báo cáo bền vững trong khu vực công đang đối mặt với 3 hạn chế: phạm vi rất rộng; vô số các bên tác động đến việc thực hiện ngân sách công và thiếu sự cân đối phù hợp trong bối cảnh báo cáo tạo ra gánh nặng cho các bên tham gia.

Tuy nhiên, việc báo cáo một cách minh bạch và đáng tin cậy về số tiền đầu tư cho các lĩnh vực liên quan đến tính bền vững cũng như tác động của khoản tài trợ này là rất quan trọng.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã thảo luận về nội dung trọng tâm của báo cáo phát triển bền vững khu vực công, phản ánh về nguyên nhân của việc các khuôn khổ, hướng dẫn phát triển bền vững hiện có cho khu vực tư nhân là chưa đủ để áp dụng cho khu vực công.

Hành động tích cực hơn để đạt mục tiêu

Các chuyên gia đồng thời đưa ra các bài học kinh nghiệm để đảm bảo sự phối hợp tốt hơn giữa các sáng kiến phát triển bền vững cũng như tranh luận về việc liệu báo cáo phát triển bền vững trong khu vực công có vượt ra ngoài tác động tài chính đối với đơn vị để tác động đến xã hội hay không.

Hội thảo cũng khám phá những điểm đặc biệt của báo cáo phát triển bền vững khu vực công và những điều cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng báo cáo này. Các chuyên gia đã thảo luận về cách thức khuyến khích các cơ quan khu vực công ưu tiên báo cáo về thông tin bền vững và cách quản lý nguồn lực có giới hạn trong báo cáo khu vực công.

Mục tiêu của một khuôn khổ báo cáo thành công là những chuẩn mực phù hợp với mục tiêu mà các chính phủ thực hiện một cách hiệu quả, góp phần củng cố chất lượng của các thể chế và trách nhiệm giải trình, đồng thời cung cấp thông tin hữu ích để ra quyết định tạo ra sự thay đổi. Ngoài ra các chuẩn mực phải thực sự phù hợp với người dùng.

Giám đốc Chương trình và Kỹ thuật của IPSASB Ross Smith đã chia sẻ những bài học của IPSASB và nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực công trong việc thúc đẩy hành động đối với các vấn đề bền vững.

Ông Ross Smith cho rằng: “Báo cáo phát triển bền vững dành riêng cho khu vực công sẽ khuyến khích tính minh bạch, cho phép các chính phủ chịu trách nhiệm về những tác động lâu dài của các can thiệp và cho phép đưa ra quyết định với đầy đủ thông tin hơn”.

Theo ông Ross Smith, một cách tiếp cận toàn diện về báo cáo tính bền vững là cần thiết và khu vực công cần phải biến cách tiếp cận đó thành hiện thực. Hội thảo này là sự khởi đầu của một cam kết quan trọng giữa các bên nhằm hỗ trợ cho khu vực công trong các hành động phát triển bền vững./.

Cùng chuyên mục
Các quốc gia cần tiếp cận toàn diện các Mục tiêu phát triển bền vững